CƠ CHẾ KINH TẾ

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 53)

Chúng ta đã khẳng định nền kinh tế nước ta sẽ vận động theo cơ chế thị trường. Chúng ta đã xác lập được một số cơ sở rất cơ bản của cơ chế thị trường như: giá cả thị trường, lãi cao hơn mức lạm phát, thực hiện một bước tự do hoá thương mại, cho phép tự do kinh doanh, mở cửa đất nước… Tuy nhiên, cơ chế thị trường ở nước ta mới đang ở dạng sơ khai, có rất nhiều vấn đề phải làm để hoàn thiện cơ chế đó.

Trước hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới hệ thống ngân hàng và tài chính. Trong các lĩnh vực này, tính chất mệnh lệnh và bao cấp còn khá nặng, lãi suất ngân hàng cho đến nay vẫn là lãi suất áp đặt, chưa được xác định theo quy luật cung cầu. Do vậy, khả năng huy động vốn thấp. Tỷ giá hối đoái tuy đã tính đến thị trường nhưng nó đã tách rời quá xa mức mất giá của đồng tiền Việt Nam, nghĩa là giữ một tỉ giá ổn định trong khi mức lạm phát gia tăng nên không có tác dụng khuyến khích xuất khẩu. Hầu như chỉ có Ngân hàng Nhà nước hoạt động, dù đã được tách ra thành một số ngân hàng thương mại, nhưng thực chất ngân hàng Việt Nam vẫn chưa kinh doanh tiền tệ, vẫn nắm độc quyền trên các lĩnh vực tiền tiết kiệm, hoạt động tín dụng… Trong các lĩnh vực này, không có cạnh tranh. Cho đến nay, ngân hàng Việt Nam hầu như chỉ hoạt động cho khu vực Nhà nước, chưa phải cho nền kinh tế thị trường.

Để kinh doanh tiền tệ, huy động và sử dụng đồng tiền có hiệu quả, phải có thị trường tiền tệ và vốn. Nhưng đến nay, ngân hàng Việt Nam vẫn loay hoay, chưa thiết lập được các thị trường này.

Hệ thống tài chính nước ta cũng đang tồn tại không ít vấn đề, chính sách thuế còn quá phức tạp, mức thu cao, lại khá tuỳ tiện. Để tăng thu, có những mặt hàng đột ngột tăng thuế tới 10%. Việc tăng thu đột ngột như vậy đã gây không ít khó khăn cho các nhà kinh doanh. Chính sách thu của Nhà nước ta quá nặng về mục tiêu tăng thu cho ngân sách, do vậy đã có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh doanh. Phần chi của ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hiện còn thấp và hiệu quả chưa cao.

Nhìn chung, hiện nước ta thiếu vắng một thị trường tài chính, tiền tệ thực sự đó là nguyên nhân cơ bản cho tình trạng kém hiệu quả của hệ thống tài chính, tiền tệ Việt Nam, đó cũng là lí do giải thích tại sao huy động và sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước đều yếu.

Để khắc phục những yếu kém trên đây, chúng ta không có con đường nào khác là phải thiết lập cơ chế thị trường tài chính và tiền tệ thực sự ở Việt Nam. Cơ chế này bao gồm những yếu tố chủ yếu sau đây:

• Thị trường tiền tệ và chứng khoán ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần sớm được thành lập.

• Tỷ giá đồng tiền Việt Nam và nước ngoài phải tuỳ thuộc vào cung cầu, mức độ lạm phát và phục vụ chính sách xem trọng xuất khẩu.

• Lãi suất cao hơn mức lạm phát và tương ứng với mức tăng trưởng.

• Tách các ngân hàng thương mại khỏi Ngân hàng Nhà nước trung ương và hoạt động độc lập, thành lập các ngân hàng cổ phần và tư nhân, cho phép các ngân hàng nước ngoài hoạt động, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh.

• Dần dần tạo điều kiện cho đồng tiền Việt Nam có thể được chuyển đổi tự do. • Kiểm soát việc phát hành giấy bạc và tín dụng ở mức thích hợp với dự trữ ngoại tệ và mức tăng trưởng kinh tế, khuyến khích những xí nghiệp công nghiệp, dịch vụ liên doanh thành lập các ngân hàng cổ phần của họ, và các ngân hàng cần nghiên cứu đầu tư vốn trực tiếp vào các dự án kinh doanh tại các xí nghiệp công nghiệp và dịch vụ…

• Xây dựng các quy chế cho phép các ngân hàng, các xí nghiệp, các công ty… được quyền phát hành trái phiếu để thu hút vốn.

• Xây dựng hệ thống bảo hiểm ngân hàng và tín dụng để tránh các tai nạn rủi ro, đổ bể có thể xảy ra.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w