KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2010 VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 156)

III. NHỮNG GIẢI PHÁP DÀI HẠN

KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2010 VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM

YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM I. KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2010

Kinh tế thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ 1929 - 1933, làm cho các nền kinh tế chủ chốt của thế giới suy thoái từ 2% đến 5%, đã làm hàng trăm ngân hàng các loại phá sản, kể cả các ngân hàng lớn có lịch sử lâu đời như Lehman Brothers (Mỹ), số người thất nghiệp tính trên phạm vi thế giới đã lên tới khoảng 50 triệu người, những tổn thất do cuộc khủng hoảng này gây ra lên tới nghìn tỷ đôla Mỹ và những hệ quả của nó còn có thể kéo dài trong nhiều năm tới

Theo các dự báo cho đến nay, mức tăng trưởng bình quân của kinh tế thế giới 2010 vào khoảng 3% - 4%. Mức tăng trưởng này chưa đạt mức trung bình của 5 năm trước thời kỳ kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng (5%). Các nền kinh tế phát triển chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 2%, nền kinh tế đang phát triển có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%. Trong các nước phát triển, Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất, khoảng xấp xỉ 3%, Châu Âu chỉ đạt mức tăng trưởng 1,2% - 1,4%, Nhật Bản đạt tốc độ kém nhất chỉ vào khoảng 0,5%. Trong các nước đang phát triển, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, 8% - 9%.

Song điều đáng chú ý là những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009 để lại cho năm 2010 là khá đậm nét trên nhiều lĩnh vực.

Những biện pháp mà các chính phủ sử dụng cho đến nay chủ yếu là các biện pháp tiền tệ và tài chính. Hàng nghìn tỷ đôla Mỹ được đổ vào cứu các ngân hàng, lãi suất giảm thấp sát mức 0% ở Nhật Bản và Mỹ, các loại thuế đã được giảm thiểu... Có thể nói, các biện pháp tiền tệ và tài chính đã được sử dụng mạnh mẽ chưa từng có, và kết quả là đà suy thoái kinh tế chậm lại và có phần hồi phục. Nhưng những hệ luỵ của cuộc khủng hoảng và các giải pháp chống suy thoái kinh tế là không thể xem thường.

Thứ nhất, mức thâm hụt ngân sách từ Mỹ, Nhật Bản đến Châu Âu đều gia tăng cũng ở mức chưa từng có. Nợ công cũng vậy. Nợ trung bình của các nước OECD chiếm 73,1% GDP năm 2007 và sẽ tăng đến 100% GDP năm 2010. Nợ của chính phủ Nhật Bản đạt mức 167% GDP năm 2009 và sẽ tăng lên 204% GDP năm 20101. Năm 2010, các chính phủ vẫn phải tiếp tục chi tiêu nhiều, vay nợ nhiều, vì kinh tế thế giới dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa chắc chắn. Đương nhiên, các chính phủ không thể cứ vay nợ để chi tiêu mãi, mà đến một lúc nào đó các chính phủ phải giảm chi, tăng thu để trả nợ. Biện pháp tăng thu, giảm chi chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, lãi suất của các quốc gia đã giảm tới mức rất thấp, ở Mỹ, 0% đến 0,25% là mức lãi suất thấp nhất thế giới, ở Nhật là 0,5%, lãi suất ở Châu Âu cũng giảm. Các nguồn vốn lãi suất thấp là cơ hội khuyến khích đầu tư và cả đầu cơ. Đồng đôla Mỹ rẻ nhất thế giới đang thâm nhập vào mọi nền kinh tế, tạo ra những “bong bóng” kinh tế đa dạng. Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI World tăng 70% kể từ tháng 3/2009, trong khi nền kinh tế thực suy giảm, là một biểu hiện rõ ràng của “bong bóng” kinh tế.

Không chỉ có giá chứng khoán, mà giá của một số nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao quá mức, mặc dù nguồn cung không thiếu. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng các ngân hàng trung ương chưa thể tăng ngay lãi suất trong thời gian tới (trừ Úc), vì đó là một đòn đánh vào sự phục hồi kinh tế mong manh.

Một vấn đề rất đáng lưu ý là dù lãi suất thấp, dù chính phủ các nước đã rót hàng nghìn tỷ đôla Mỹ vào các ngân hàng, tính thanh khoản của các ngân hàng tăng, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng chậm chạp, vì niềm tin của những nhà đầu tư chưa hồi phục sau cơn bão kinh hoàng. Người cho vay không dám mạo hiểm, người đi vay khó tìm nơi đầu tư có lợi.

Đồng đôla Mỹ yếu đang tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu cơ gia tăng hoạt động, lợi dụng sự chênh lệch giữa lãi suất thấp của đôla Mỹ và lãi suất cao của các đồng tiền khác. Các nền kinh tế có đồng tiền chuyển đổi tự do đang là cơ hội hoạt động cho giới đầu cơ. Buôn tiền trong điều kiện chênh lệch lãi suất cao giữa Mỹ và các quốc gia là cơ hội vàng. Cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính Châu Á năm 1997 từng xảy ra trong bối cảnh trên.

Thứ ba, thương mại thế giới 2010 có thể sẽ hồi phục nhưng ở mức trì trệ, vì người Mỹ là người tiêu dùng lớn nhất thế giới đã bị nợ nần nhiều, và đang giảm tiêu dùng và tăng tích luỹ. Người Trung Quốc đã từng chi tiêu ít, tích luỹ nhiều, cho người Mỹ vay, nhưng nay không thể cho người Mỹ vay mãi, không thể tăng xuất khẩu mãi vào Mỹ. Các nước Châu Á vốn xuất khẩu nhiều, dự trữ ngoại tệ lớn, nay đang và sẽ phải điều chỉnh, do nhu cầu của Mỹ, châu Âu suy giảm. Sự mất cân bằng thương mại toàn cầu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới khủng hoảng toàn cầu, năm 2010 vẫn chưa thể khắc phục được, nhưng tất cả các nền kinh tế một khi thị trường bên ngoài co hẹp, thì buộc phải quay trở về thị trường nội địa. Tuy nhiên, sản xuất phục vụ xuất khẩu và sản xuất cho tiêu dùng nội địa là hai việc khác nhau, do vậy không thể một sớm một chiều thay đổi. Phải có những điều kiện nhất định cho việc điều chỉnh này, đó là: dân chúng phải gia tăng tiêu dùng hơn tiết kiệm, các nhà sản xuất phải thay đổi để tạo ra các sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu nội địa. Cả hai việc này đều đòi hỏi phải có thời gian, một năm 2010 có thể là chưa đủ cho sự thay đổi này.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là xu hướng bảo hộ mậu dịch đã gia tăng trong năm 2009 và có thể vẫn sẽ tiếp tục cho năm 2010 với những biểu hiện phức tạp như: hỗ trợ sản xuất xuất khẩu nhờ tín dụng lãi suất thấp, giảm thuế; giảm giá tiền tệ; áp dụng các giải pháp chống bán phá giá; kêu gọi dân chúng sử dụng hàng nội địa… Một khi nhu cầu trong nước và thế giới suy giảm, làn sóng thất nghiệp gia tăng càng làm cho nhu cầu tiêu dùng sụt giảm thêm, đó chính là các yếu tố buộc các chính phủ phải thực thi các chính sách gia tăng bảo hộ. Vòng đàm phán Doha của Tổ chức thương mại thế giới kéo dài cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả đã thể hiện rõ xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng này.

Thứ tư, dòng vốn không nơi đầu tư có hiệu quả đã gia tăng trong năm 2009 và có thể sẽ tiếp tục dư thừa trong năm 2010. Trong năm 2009, thị trường bất động sản suy thoái, các ngành kinh tế thực suy giảm… Do vậy, vốn đầu tư dư thừa không tìm được nơi đầu tư có lợi. Dòng vốn này được các công ty tài chính đa dạng sử dụng làm công cụ đầu cơ lướt sóng kiếm lợi trên các thị trường chứng khoán, vàng, dầu mỏ và một số nguyên liệu… Hãy cảnh giác với dòng vốn này khi nó ào ạt đổ vào một lĩnh vực nào đó.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp có thể sẽ hồi phục trong năm 2010 ở một mức độ thấp. Vấn đề là thế giới ngày nay ít ngành, ít nơi có thể hấp thu FDI có hiệu quả. Ngành bất động sản đang trầm lắng, cung đang vượt cầu. Các ngành công nghiệp chế biến với đại công xưởng Trung Quốc đã làm cho cung vượt cầu trên nhiều sản phẩm. Các ngành dịch vụ quan trọng như tài chính, ngân hàng… bị cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 2009 làm cho điêu đứng. Các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới vừa thoát khỏi cơn suy thoái, vẫn chưa hết bàng hoàng. Mặt khác, các tập đoàn tài chính lớn đang lo sợ rủi ro và đã thận trọng hơn trong việc cung cấp vốn so với thời kỳ trước khủng hoảng. Do vậy, các dòng vốn dù có hồi phục trong năm 2010, thì cũng chỉ ở mức độ thấp. Thế giới vẫn đối mặt với tình trạng thiếu vốn cho những đầu tư phát triển. Những nước nào ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhanh chóng hồi phục kinh tế, có thể sẽ là nơi có sức hấp dẫn đầu tư trực tiếp. Các nền kinh tế mới nổi chính là những địa chỉ có sức hấp dẫn FDI trong điều kiện hiện nay.

Thứ năm, chỉ số giá tiêu dùng ở các quốc gia sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2010. Năm 2009 là năm các chính phủ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ ở mức rất cao, tuy nhiên vẫn chưa thấy xuất hiện lạm phát. Trái lại, thiểu phát tái xuất hiện ở Nhật Bản trong những tháng cuối năm 2009 và có thể sẽ kéo dài sang năm 2010. Ở Mỹ cũng đã có dấu hiệu của thiểu phát, mặc dù lãi suất rất thấp. Tại Trung Quốc cũng có hiện tượng thiểu phát, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã tung ra hàng trăm tỷ đôla Mỹ kích cầu. Vấn đề là nhu cầu tiêu dùng cả trên thế giới cũng như trong từng nước đã giảm rõ rệt, nhưng nguồn cung chưa giảm theo, kho hàng dự trữ đã gia tăng. Trong điều kiện đó khó có thể xuất hiện lạm phát cao. Tuy nhiên, những yếu tố thúc đẩy lạm phát cao đang tích tụ, do chính sách nới lỏng tiền tệ, tài chính, do đầu tư kém hiệu quả từ các gói kích cầu của các chính phủ...

Giá cả một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu, lương thực… sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2010. Nếu kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu, lương thực… sẽ tăng đó là một yếu tố làm tăng giá. Giá của những mặt hàng này còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, tình hình chính trị, an ninh của các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng trên, hoạt động của các tổ chức đầu cơ... Nhưng nói chung, các dự báo thiên nhiều hơn về những biến động theo xu hướng tăng giá.

Thứ sáu, thị trường lao động sẽ co hẹp, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng cùng với nghèo đói. Thị trường lao động bị co hẹp trong năm 2009, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp điều chỉnh theo mùa trong tháng 10/2009 của khu vực EU đã đạt tới 9,8%, Uỷ ban Châu Âu mới dự báo tỷ lệ này sẽ lên tới hơn 10% vào năm 2010. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng, tổng số người thất nghiệp ở những nước nghèo tại Châu Á có thể đã tăng thêm từ 15 đến 27 triệu người trong thời gian 2007 - 2009, nếu tính cả những người nghèo ngay cả khi có việc làm, thì ILO cho rằng số lượng người nghèo ở Châu Á có thể vào khoảng từ 50 triệu đến 120 triệu trong thời gian 2007 - 2009. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010. Văn phòng Lao động quốc tế (BIT) dự báo năm 2009 thế giới sẽ có thêm 38 triệu người thất nghiệp và 75 triệu lao động nghèo (thu nhập dưới 2 đôla Mỹ/ngày).

Thứ bảy, kinh tế Trung Quốc đã duy trì được mức tăng trưởng cao nhất thế giới, liệu có rủi ro gì trong năm 2010?

Năm 2009, cả thế giới ngưỡng mộ Trung Quốc với mức tăng trưởng cao nhất thế giới, tới hơn 8%, ngưỡng mộ những giải pháp chống suy thoái kinh tế hết sức có hiệu quả của Trung Quốc. Tuy nhiên, đằng sau vầng hào quang đó, đang ẩn chứa không ít rủi ro và nguy cơ. Những rủi ro và nguy cơ được kể đến bao gồm:

1. Đã xuất hiện “bong bóng” kinh tế trên cả lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Năm 2009, giá bất động sản đã tăng khoảng 70% - 80% và giá chứng khoán đã tăng khoảng 60%. Vấn đề là liệu Trung Quốc sẽ có được những giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu những tác hại khi những giá cả trên đây sụt giảm.

2. Gói kích thích kinh tế gần 600 tỷ đôla Mỹ đã được Chính phủ Trung Quốc phân bổ chủ yếu cho các công ty nhà nước không dựa trên các nguyên tắc của thị trường. Do vậy, đang xuất hiện tình trạng những ngành sản xuất dù dư thừa năng lực sản xuất vẫn được hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, ngành xi măng dù dư thừa năng lực sản xuất ít nhất tới 300 triệu tấn, tương đương với mức tiêu thụ hàng năm của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản cộng lại, nhưng đầu tư vào ngành này đã tăng tới 65,8% trong 9 tháng đầu năm 2009 . Những hệ lụy của giải pháp này có thể sẽ bộc lộ trong năm 2010 nợ xấu gia tăng, rủi ro cho hệ thống ngân hàng sẽ tăng…

3. Những giải pháp hành chính đã được Chính phủ Trung Quốc áp dụng mạnh mẽ thay thế cho các giải pháp thị trường. Thị trường đã lùi, nhường chỗ cho Nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước đã lấn sân các doanh nghiệp tư nhân. Đây có thể là những giải pháp tình thế trong điều kiện khủng hoảng. Nhưng điều đáng lo ngại là việc áp dụng các giải pháp hành chính dễ dàng, nhưng khi rút bỏ các giải pháp hành chính lại là một điều khó khăn phức tạp, vì những giải pháp này khi được áp dụng đã mang lại

những lợi ích nào đó cho một nhóm người và chính những nhóm lợi ích này sẽ chống lại việc rút bỏ chúng.

4. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã bộc lộ giới hạn thị trường ngoài nước của Trung Quốc, nghĩa là Trung Quốc phải mở rộng thị trường nội địa thay cho thị trường bên ngoài do xuất nhập khẩu giảm. Nhưng đây là việc làm hoàn toàn không dễ dàng, vì nó đòi hỏi Trung Quốc phải chuyển hướng chiến lược từ định hướng xuất khẩu, sang định hướng thay thế nhập khẩu.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 156)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w