LÀ TÊ LIỆT
Các tín hiệu quan trọng nhất của mọi nền kinh tế thị trường là giá cả, lãi suất và tỷ giá. Những tín hiệu này chỉ có hiệu lực khi thị trường quyết định chúng, giá cả phải do thị trường định, lãi suất và tỷ giá cũng vậy. Chính những tín hiệu này điều tiết toàn bộ hoạt động của thị trường, mọi doanh nghiệp căn cứ vào những tín hiệu đó mà hành động. Nếu những tín hiệu này bị bóp méo, hoặc tệ liệt, thì các doanh nghiệp sẽ mất phương hướng hoạt động. Trong điều kiện đó, Chính phủ phải làm thay thị trường, phải dùng các biện pháp hành chính để điều tiết thị trường. Một nền kinh tế thị trường bị mất tín hiệu điều tiết, phải dò dẫm mò theo sự điều tiết hành chính của Chính phủ, đó là một nền kinh tế sẽ gặp nhiều rủi ro, tích tụ nhiều bức xúc, và dễ rơi vào khủng khoảng do những sai lầm của Chính phủ. Thực tế vận động của nền kinh tế thế giới hàng chục năm qua đã cho thấy điều đó.
Thứ nhất, giá cả các hàng hoá và dịch vụ tuy về nguyên tắc vẫn do thị trường định nhưng cho đến nay Nhà nước vẫn kìm giữ giá hơn một chục mặt hàng, và những mặt hàng này là những đầu vào cơ bản của nền kinh tế, do vậy tất cả giá của các hàng hoá liên quan đều bị kìm giữ ở mức dưới giá thị trường. Tác động của việc kìm giữ này, tuy có mặt tích cực là không cho giá cả hàng hoá dịch vụ tăng cao hơn, nhưng những tác động tiêu cực thì lớn hơn nhiều:
• Làm méo mó tín hiệu giá cả thị trường ;
• Kìm giữ giá ở mức thấp, kích thích tăng cầu, là yếu tố tăng giá, đồng thời gây thiệt hại cho những doanh nghiệp kinh doanh các loại hàng này.
• Nhà nuớc phải bao cấp cho các tổng công ty để họ không tăng giá, đây là sự bao cấp rất không công bằng, người giàu sử dụng nhiều xăng dầu, điện nước… hơn sẽ được bao cấp nhiều hơn, còn dân nghèo thì được hưởng ít hơn.
• Khuyến khích đầu cơ gia tăng vì khi mọi người biết chắc giá xăng sẽ tăng, họ sẽ đầu cơ tích trữ xăng.
• Tạo cơ hội cho tình trạng buôn lậu xăng qua biên giới vì giá xăng ở Việt Nam thấp hơn Campuchia.
Tình trạng kìm giữ giá này liệu kéo dài được bao lâu, điều này tuỳ thuộc vào sự chịu đựng của ngân sách nhà nước, và khả năng cầm cự của các doanh nghiệp. Thực tế những năm 80 của thế kỷ XX cho thấy không thể đông giá kéo dài; rốt cục Chính phủ không chịu đựng được, cũng phải tăng giá. Và việc tăng giá từng đợt giật cục như vậy sẽ làm cho tình hình lạm phát thêm phức tạp.
Tốt nhất vẫn là phải để cho thị trường định giá, Nhà nước chỉ can thiệp có tính điều chỉnh những bất hợp lý của thị trường, không thể kìm giữ giá trong khi lạm phát cao. Mặt khác, không ít giá cả do các tổ chức kinh tế độc quyền đa dạng chi phối được định giá quá cao so với thị trường khu vực, do vậy đã góp phần làm méo mó tín hiệu giá cả này.
Thứ hai, lãi suất hiện là âm so với lạm phát đã kéo dài nhiều tháng, mức âm này từ 5% - 10%, tuỳ theo cách so sánh với các mức lạm phát. Lãi suất âm kéo dài có nghĩa là tín hiệu đúng của thị trường đã bị tắt, tín hiệu sai của Nhà nước được bật sáng với nhiều tác động tiêu cực.
• Làm mất lòng tin của dân chúng vào đồng Việt Nam, vào Chính phủ, vì họ giữ đồng Việt Nam hay gửi tiết kiệm đều bị tổn thất do lãi suất âm.
• Cái mà dân chúng mất sẽ rơi vào két các ngân hàng, các doanh nghiệp một cách bất công, và cũng là một thứ thuế mà Chính phủ đánh vào tất cả những người gửi tiền và giữ tiền.
• Không khuyến khích dân chúng gửi tiền tiết kiệm;
• Khuyến khích đầu cơ gia tăng, vì vay vốn với lãi suất âm, mua hàng tích trữ đầu cơ dễ có thể kiếm lời.
• Khuyến khích gia tăng đầu tư kém hiệu quả, làm giảm chất lượng phát triển kinh tế, đây là chỗ ẩn chứa những yếu tố gây khủng hoảng bất động sản năm 2007 kéo dài cho đến nay.
Lãi suất âm càng kéo dài thì những tệ hại này càng mở rộng, càng đưa nền kinh tế đến hỗn loạn.
Thực tế, thế giới đã cho thấy lãi suất dương là một công cụ cơ bản để duy trì những cân đối vĩ mô, đảm bảo sự phân bổ các nguốn vốn có hiệu quả, chống đầu cơ tốt nhất, giữ vững niềm tin của dân chúng vào giá trị của đồng tiền… và là thuốc đặc trị để chống lạm phát.
Trong các công cụ điều tiết của Ngân hàng Trung ương, lãi suất luôn gắn với dự trữ bắt buộc. Một khi lãi suất dương mà vẫn còn lạm phát cao, người ta sẽ sử dụng công cụ tăng dự trữ bắt buộc. Còn nếu lãi suất vẫn âm, thì dù có tăng dự trữ bắt buộc, cũng không chống được lạm phát. Có thể dẫn nhiều ví dụ thực tế. Tại Trung Quốc, hiện lãi suất vẫn âm (dưới 5% so với lạm phát dưới 8%), nên dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng dự trữ bắt buộc lên trên 17% vẫn chưa giảm được áp lực lạm phát. Thực tế, Việt Nam đến nay cho thấy điều đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ bắt buộc lên 11%, buộc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu bắt buộc tới 20.300 tỷ đồng Việt Nam, nhưng do lãi suất vẫn âm, nên áp lực lạm phát đến nay vẫn cao. Ưu tiên trước hết phải là thực hiện lãi suất dương, đảm bảo tín hiệu điều tiết của thị trường, không phải tăng dự trữ bắt buộc là giải pháp hành chính của Chính phủ. Phải trên cơ sở duy trì tín hiếu đúng của thị trường, Chính phủ mới có thể sử dụng các công cụ hành chính phù hợp, không phải ngược lại.
Hiện nay, chúng ta đang làm ngược, tắt tín hiệu của thị trường (giữ lãi suất âm), sử dụng tăng dự trữ bắt buộc, giải pháp hành chính của Nhà nước.
Hơn nữa, sử dụng công cụ tăng dự trữ bắt buộc khi lãi suất âm, hậu quả thường xảy ra là giảm tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, vì luồng tiền từ dân vào các ngân hàng thương mại tăng chậm do lãi suất âm, nhưng khối lượng tiền rút ra khỏi các ngân hàng thương mại vào kho dự trữ bắt buộc và vào những dự án đầu tư dễ dãi, khối
lượng tiền vào tay những nhà đầu cơ đủ loại gia tăng mạnh hơn. Đây là một trong các nguyên nhân làm trì trệ, thậm chí ở nhiều chỗ làm tê liệt những dòng lưu chuyển vốn.
Thứ ba, tỷ giá giữa Việt Nam đồng/đôla Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tăng chậm so với mức lạm phát ở Việt Nam và Mỹ, do vậy làm cho đồng Việt Nam tăng giá. Nếu tính theo mức lạm phát ở Việt Nam và Mỹ thì tỷ giá thực tế Việt Nam đồng/đôla Mỹ hiện phải vào khoảng 18.000 - 19.000 đồng Việt Nam/1đôla Mỹ, tỷ giá này phù hợp với tỷ giá ở thị trường tự do. Nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại quy định tỷ giá đồng Việt Nam/đôla Mỹ chỉ ở mức 16.500/đôla Mỹ với biên độ dao động 1% - 2% và để giữ tỷ giá này, Ngân hàng Nhà nước phải tung đôla Mỹ ra thị trường. Đã xuất hiện hai tỷ giá chênh nhau rõ rệt tại thị trường Việt Nam, tỷ giá tự do và tỷ giá Nhà nước, tuy trong mấy ngày gần dây có giảm. Cơ chế 2 tỷ giá này dẫn tới nhiều bất lợi:
• Tỷ giá tự do thực là tỷ giá thị trường bị cấm sử dụng, có nghĩa là tín hiệu tỷ giá của thị trường bị tắt.
• Tỷ giá nhà nước cách biệt với tỷ giá thị trường được áp đặt đối với mọi trao đổi ngoại hối, công cụ hành chính của Nhà nước được thi hành.
• Hai tỷ giá cách biệt nhau là kẽ hở cho những hoạt động đầu cơ, kiếm lợi bất hợp pháp.
• Thị trường ngoại hối bị trục trặc, các ngân hàng thương mại chỉ mua đôla Mỹ, không bán, hoặc bán có điều kiện, vì chỉ mua mới có lợi.
• Thị trường ngoại hối trục trặc cản trở ngay tới các hoạt động kinh tế đối ngoại. Một câu hỏi được đặt ra tại sao Ngân hàng Nhà nước không để cho tỷ giá biến động theo thị trường, và hiện đang theo hướng giảm giá đồng Việt Nam?
Có người sẽ nghĩ nếu giảm giá đồng Việt Nam bằng tỷ giá, thì có thể sẽ làm gia tăng lạm phát, và họ chủ trương chống lạm phát bằng cách nâng giá đồng tiền này qua tỷ giá. Đúng là có mối quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát, nhưng không phải là quan hệ trực tiếp. Nếu lãi suất dương, thì dù có hạ giá đồng Việt Nam, cũng không dẫn tới lạm phát. Bằng chứng là vào thời kỳ 1997 - 2001, lãi suất của Việt Nam dương và ở mức cao, do vậy đồng Việt Nam được hạ giá tới trên 20%, mà lạm phát vẫn thấp, thậm chí còn thiểu phát vào các năm 1999 - 2000. Ngược lại, lãi suất ở Trung Quốc âm, nên trong mấy năm gần đây, dù Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ tới 20%, mà vẫn không kiềm chế được lạm phát.
Biến động của thị trường theo hướng giảm giá đồng Việt Nam là một chiều hướng tích cực:
Khuyến khích gia tăng xuất khẩu;
Hạn chế nhập khẩu, do vậy giảm nhập siêu; Khuyến khích thu hút FDI;
Hạn chế đầu tư gián tiếp;
Bảo hộ thị trường trong nước, không cần đến thuế quan, không vi phạm các nguyên tắc của WTO...
Xu hướng giảm giá đồng Việt Nam có những tác động tích cực như vậy, tại sao phải chặn lại? Nhiều nước muốn giảm giá đồng tiền của mình không được, tại sao Việt Nam lại không muốn?
Ở đây cần có sự phân biệt chính sách chủ động giảm giá đồng Việt Nam và chính sách phá giá đối phó bị động. Cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997 - 1998 ở Châu Á là tình huống thị trường phá giá các đồng tiền Thái Lan, Philippin, Indonexia... bất chấp lý chí của chính phủ các nước này muốn neo giữ tỷ giá cố định. Tác hại của sự phá giá tiền tệ bị động này là khôn lường và là hậu quả của một chính sách sai lầm cố kìm giữ tỷ giá cố định của các chính phủ. Còn như Trung Quốc năm 1994 chủ động phá giá đồng nhân dân tệ tới 50% mà không gây ra một biến cố gì, ngược lại đã tạo ra cơ hội to lớn cho Trung Quốc đẩy hàng hoá của mình tràn ngập thị trường thế giới.
Chính sách chủ động giảm giá đồng Việt Nam phù hợp với thị trường là một lựa chọn đúng trong điều kiện hiện nay.
Tình trạng độc quyền khá phổ biến trong nền kinh tế.
Trong mọi nền kinh tế thị trường, cạnh tranh và độc quyền luôn tồn tại, song những yếu tố này luôn phát triển tự nhiên, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, tiến đến sáp nhập và hình thành các tập đoàn độc quyền. Chính V.I.Lenin đã xem độc quyền là thối nát, là dãy chết, vì những tập đoàn độc quyền này bóp chết cạnh tranh, bóp chết một động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Chính vì lẽ đó chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển đều có Luật Kiểm soát độc quyền, có cơ quan giám sát chặt chẽ những hành vi độc quyền dưới mọi hình thức và trừng phạt nghiêm khắc những hành vi này.
Nền kinh tế thị trường Việt Nam mới hình thành sơ khai, nhưng ngay từ đầu các tổng công ty nhà nước, rồi các tập đoàn kinh tế nhà nước ra đời chiếm lĩnh những ngành kinh tế quan trọng nhất với vị thế độc quyền do Nhà nước trao cho. Những tổng công ty, các tập đoàn này không phải từ cạnh tranh mà đi lên. Có những tổng công ty chiếm lĩnh trọn cả một lĩnh vực, hoặc liên kết độc quyền, hoặc cùng thoả thuận độc quyền trên các lĩnh vực định giá cả, chia nhau thị phần, kiểm soát công nghệ... Với vị thế độc quyền đó, với các ưu đãi của Nhà nước về đất đai, vốn, thị trường... các tổ chức độc quyền này dễ dàng đạt được giá cả độc quyền, lợi nhuận độc quyền. Một số hiệp hội như Hiệp hội Ngân hàng thương mại, cũng đã thoả thuận lãi suất trần huy động, một hành vi độc quyền mà không ai phê phán.
Những giá cả độc quyền mà họ thoả thuận, nhìn chung là theo xu hướng tăng cao, có thời kỳ cao hơn cả giá cả ở khu vực và thế giới tới hàng chục phần trăm. Chỉ ở những ngành mở cửa mạnh, có sự cạnh tranh mạnh của những hàng hoá nước ngoài mới không có những giá cả độc quyền. Có thể kể ra một số giá cả độc quyền: giá than, điện, nước, vé máy bay, giá xăng dầu, khí gas, vé đường sắt, phí dịch vụ cảng hàng không, cảng biển, giá phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh...
Ba tín hiệu cơ bản của thị trường hiện đang bị bóp méo và tệ liệt, do vậy thị trường Việt Nam hiện dường như không có tín hiều đủ rõ, chỉ có những tín hiệu lờ mờ và sai lạc, các doanh nghiệp buộc phải mò mẫm đi theo sự chỉ huy hành chính của Nhà nước. Những mệnh lệnh “cấm đổi tiền đôla Mỹ cho cá nhân”, “cấm tăng giá”, “phải niêm yết giá”, “cấm đầu cơ”, “cấm nhập khẩu vàng”, “hạn chế tín dụng”. hàng ngày được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; cùng với các đoàn thanh tra giám sát, trừng phạt được phái đi khắp nơi. Từ ngày Đổi mới đến nay, chưa bao giờ các lệnh cấm đoán này lại nhiều đến như vậy.
Phải nói rằng, các biện pháp hành chính điều hành kinh tế có một số tác dụng, và tưởng như rất dễ ban hành, dễ điều hành, và đặc biệt gây ảo tưởng về hiệu lực. Tuy nhiên, những mặt trái của nó lại rất lớn.
• Giải pháp hành chính dẫu sao cũng là giải pháp chủ quan của người ban hành, lại chịu áp lực quá nhiều của các nhóm lợi ích, nên thường dễ sai lầm, thiếu chính xác. • Khi ban hành và thực thi các giải pháp hành chính quá dễ dàng thuận tiện, thậm chí còn được lợi cá nhân cho các quan chức, nhưng quá bất tiện, bất lợi cho các doanh nghiệp và nhân dân.
• Chính phủ không thể tính hết được những hậu quả của các giải pháp, đặc biệt là không tính được các đối sách muôn hình vạn dạng của thị trường và dân chúng. Nếu cấm nhập vàng, thì nhập lậu; nếu cấm tăng giá xăng dầu, thì xuất lậu và đầu cơ và...
Thực tế, kinh tế thị trường cho thấy tốt nhất là để các tín hiệu của thị trường tự động điều tiết nền kinh tế, Chính phủ chỉ nên uốn nắn những méo mó, sai lạc của tín hiệu, tuyệt đối không thể tắt các tín hiệu của thị trường, thay chúng điều tiết nền kinh tế. Nếu không có sự khống chế của Chính phủ chắc chắc các giá cả độc quyền này trong thời gian vừa qua đã tăng cao hơn nhiều. Việt Nam đã có Luật Kiểm soát độc quyền, nhưng trên thực tế hầu như không có tác dụng, vì quá nhiều hành vi độc quyền mà chưa thấy một hành vi nào bị xử phạt. Có thể do nội dung luật còn có vấn đề, nhưng còn có thể do cơ quan giám sát, xử lý những vụ vi phạm này chưa hoạt động. Nếu để tình trạng độc quyền tiếp tục lan rộng mà không bị trừng trị như hiện nay, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến nhanh tới một nền kinh tế do các tổ chức độc quyền kiểm soát. Đây là một nguy cơ rất lớn xét về cả kinh tế và chính trị.
Những tổ chức độc quyền này chiếm lĩnh các nguồn lực phát triển của quốc gia, các lợi thế cạnh tranh và không cần hoạt động tích cực, không cần đổi mới quản lý, đổi