III. TÁI CƠ CẤU NGÀNH VÀ VÙNG KINH TẾ VIỆT NAM
2. Những định hướng phát triển
Những lợi thế trên đây đang và sẽ quy định những định hướng phát triển các ngành kinh tế Việt Nam.
a. Những ngành công nghiệp luyện kim, sắt thép, hoá dầu, xi măng là những ngành sử dụng tài nguyên không tái tạo, gây ô nhiễm môi trường… do vậy, chỉ nên phát triển theo hướng phục vụ nhu cầu nội địa và phải dựa trên những tính toán hiệu quả kinh tế một cách cụ thể kết hợp với hợp tác quốc tế. Việt Nam không nên thực thi chính sách tự cung, tự cấp trong những ngành trên mà cần giành một phần thị trường cho các sản phẩm nhập khẩu, tạo sức ép cạnh tranh, tạo ra một thị trường cạnh tranh thực sự trong chính những ngành này.
b. Những ngành công nghiệp chế biến: cơ khí, dệt may, da giày, chế biến nông, thuỷ sản… có thể phát triển theo hướng phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Đối với các nước có thị trường nội mà người tiêu dùng khó tính thì thị trường nội có thể là nơi khởi phát, thử thách để đi ra thị trường thế giới. Nhưng đối với Việt Nam, thị trường nội địa về những sản phẩm trên khác với thị trường của các nước phát triển ở chỗ người tiêu dùng Việt Nam quá dễ tính, thích dùng hàng rẻ, dù chất lượng có kém một chút cũng được. Do vậy, những ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam lại phải bắt đầu từ thị trường bên ngoài và sau đó tiến về chiếm lĩnh thị trường trong nước.
c. Những ngành công nghiệp phụ trợ cần được chú trọng phát triển theo định hướng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay Trung Quốc cũng phải theo hướng này. Vì các linh phụ kiện nếu chỉ phục vụ thị trường trong nước sẽ kém hiệu quả.
d. Những ngành công nghiệp công nghệ cao không thuộc sở trường của các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, những ngành này phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư với các chính sách, thể chế phù hợp. Ngay tại các khu công nghệ cao của Trung Quốc, các doanh nghiệp công nghệ cao vẫn chủ yếu thuộc về người nước ngoài (90%). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải xây dựng các lực lượng nắm giữ một số lĩnh vực công nghệ cao, thực hiện mạnh mẽ chính sách nhập bằng phát minh sáng chế, cải tiến ứng dụng vào Việt Nam.
e. Những ngành khai thác tài nguyên: Việt Nam có một số tài nguyên quan trọng: dầu khí, than, bô - xít. Nói chung, có trữ lượng không lớn, trừ bô - xít. Hơn nữa, khi khai thác và sử dụng đều vấp phải các vấn đề phức tạp từ môi trường đến an ninh, xã hội. Do vậy, chính sách đối với các tài nguyên này nên theo hướng: khai thác sử dụng cho nhu cầu trong nước là chính, giảm và đi tới chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thô, càng sớm càng tốt, nếu thu hút đầu tư nước ngoài cũng phải theo hướng ưu tiên khai thác, chế biến phục vụ nhu cầu trong nước..
f. Những ngành bất động sản bao gồm: các đô thị, các thị trấn, thị xã, các khu thương mại, các khu công nghiệp, các khu kinh tế… là một lĩnh vực ngày càng chiếm một giá trị tài sản to lớn và quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Do vậy, cần được quy hoạch hiện đại, cần có những thể chế thông thoáng phù hợp với thông lệ quốc tế, không chỉ thu hút vốn của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, mà còn mở rộng cầu
của cả trong nước và nước ngoài đối với sản phẩm của các ngành này. Do những điều kiện địa kinh tế đặc biệt của Việt Nam nên cần có chính sách mở cửa cho phép người nước ngoài được quyền mua nhà, mua quyền sử dụng đất với thời hạn phù hợp, đặc biệt là đối với các tầng lớp thượng lưu của thế giới. Có thể tính tới việc xây dựng các đô thị quốc tế, chủ yếu phục vụ cho người nước ngoài.
g. Những ngành kinh tế quốc phòng có lợi thế ở Việt Nam cần có chính sách đặc biệt, những ngành này có thể là: dịch vụ tàu biển quốc phòng, lắp ráp đóng các loại tàu chiến, sản xuất các loại quân nhu, sản xuất và lắp ráp các loại vũ khí phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cần chọn lựa và xây dựng một số khu kinh tế quốc phòng đặc biệt có nhiều lợi thế như Cam Ranh.
h. Các ngành dịch vụ bao gồm các lĩnh vực: thương mại, ngân hàng, tài chính,
logistic, giáo dục, y tế, du lịch, tư vấn, thiết kế... cần được đặc biệt chú ý phát triển, vì lợi thế địa kinh tế Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành một trung tâm dịch vụ lớn ở Đông Á, nếu Việt Nam có các thể chế phù hợp. Những ngành này không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa, mà đặc biệt phải hướng ra ngoài.
i. Các ngành nông nghiệp cần được phát triển trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với những ngành trồng lúa, cà phê, tiêu, điều, cao su, nuôi trồng thuỷ, hải sản… Những ngành này phải phát triển trên cơ sở mở rộng các trang trại, các công ty kinh doanh, các xí nghiệp chế biến với công nghệ mới, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài. Cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, hải sản xuất khẩu.
k. Các ngành bảo vệ môi trường, đây là những ngành mới ở Việt Nam cần được phát triển, từ nghiên cứu nhập khẩu công nghệ mới đến xử lý ô nhiễm môi trường.
l. Các ngành cơ sở hạ tầng gồm: giao thông vận tải, liên lạc, viễn thông, điện, cung cấp và tiêu thải nước… Đây là những ngành tốn nhiều vốn, nhiều đất đai, sử dụng nhiều lao động, phục vụ nhu cầu trong nước là chủ yếu, nhưng là tiền đề phát triển cho tất cả các ngành kinh tế khác, mức lợi nhuận lại không cao. Do vậy, cần có các chính sách phù hợp để thu hút được mọi nguồn vốn xã hội, cần có những quy hoạch thích hợp để có thể sớm phát huy hiệu quả của các công trình đã được xây dựng, định hướng các công trình này vào những vùng kinh tế trọng điểm hướng ra các cảng biển, cần có những thể chế xây dựng phù hợp để có thể rút ngắn thời hạn xây dựng các công trình này… Cho đến nay, đây là nút thắt quan trọng trong việc phát triển kinh tế Việt Nam cần được tháo gỡ, mà việc tháo gỡ trước hết là về thể chế và sự điều hành. Trong các ngành kinh tế trên, có những ngành sau đây Nhà nước phải có vai trò quan trọng: những ngành cơ sở hạ tầng và dịch vụ công là những ngành tiền đề cho sự phát
triển của mọi ngành; những ngành khai thác tài nguyên là những ngành liên quan tới lợi ích quốc gia; những ngành công nghiệp quốc phòng can dự tới an ninh đất nước; những ngành bảo vệ môi trường là những ngành mới, ở đây không chỉ về thể chế mà còn là vốn đầu tư nhà nước phải cung ứng đến một mức cần thiết nào đó.
Ngoài những ngành trên, Nhà nước cần có chính sách mở rộng cửa khuyến khích khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia.
Các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam hiện nay là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Những vùng này đã hình thành từ lịch sử của nền kinh tế hướng nội và chiến tranh. Hiện nay và tương lai, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế với những lợi thế địa kinh tế của Việt Nam thì các vùng kinh tế trọng điểm phải có sự điều chỉnh:
• Chuyển mạnh các vùng kinh tế trọng điểm hướng ra biển, các ngành công nghiệp chế biến hướng ra các cảng biển để giảm chi phí vận tải, bốc dỡ; đồng thời lập ra các cụm công nghiệp liên hoàn về ngành nghề gắn với đô thị để hỗ trợ bổ xung cho nhau trên cơ sở quy hoạch lại các khu công nghiệp hiện có.
• Các ngành công nghệ cao và dịch vụ có thể sẽ tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và vùng ven biển.
• Phát triển mạnh các loại hình, các khu kinh tế tự do, các đô thị quốc tế chủ yếu nhằm thu hút tầng lớp thượng lưu nước ngoài ở vùng ven biển.
• Phát triển các tuyến giao thông hiện đại từ các cảng biển nối với các khu công nghiệp, các đô thị, các khu kinh tế.
Chiến lược kinh tế Việt Nam trong hàng chục năm tới phải hướng ra biển để phát triển, lấy lợi thế của biển bù đắp trợ giúp vùng sâu, vùng xa. Lý do đơn giản là một đồng vốn bỏ vào vùng ven biển sẽ sinh lợi lớn hơn các vùng khác. Việc phát triển khu kinh tế tự do là một đột phá cho tái cơ cấu kinh tế Việt Nam. Vấn đề này sẽ được đề cập đến trong một công trình nghiên cứu khác.