Chuyển sang kinh tế thị trường mở cửa

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 110)

I. NHỮNG XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU CỦA THẾ GIỚ

4. Chuyển sang kinh tế thị trường mở cửa

Nhân loại đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, nhưng nó mới thực sự tồn tại và phát triển ở khoảng 29 nước thuộc tổ chức OECD. Ngay tại những khu vực kinh tế thị trường phát triển lâu đời như ở Châu Âu, hay đạt trình độ cao như ở Mỹ, thì cơ chế thị trường ở đó cũng đang có nhiều vấn đề đặt ra phải hoàn thiện như: sự kết hợp giữa cơ chế thị trường quốc gia và cơ chế thị trường khu vực và toàn cầu, vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường, sự phát triển của các phương tiện thông tin và tác động của chúng tới cơ chế thị trường…

Bước vào thế kỷ XXI, đặc biệt là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước từng là xã hội chủ nghĩa trước đây bác bỏ kinh tế thị trường, nay cũng chuyển sang phát triển

kinh tế thị trường. Hầu như tất cả các nước đang phát triển đều đang chuyển sang kinh tế thị trường với mức độ khác nhau. Nếu trong thế kỷ XX, mới chỉ 29 quốc gia có nền kinh tế thị trường, thì nay hầu như cả thế giới thừa nhận và phát triển kinh tế thị

trường. Đây là một bước chuyển rất cơ bản. Hơn nữa, trước đây bảo hộ mậu dịch từng được xem là quốc sách không chỉ của từng nước, mà còn của cả nhóm nước, cả khu vực. Nay chính sách ấy bị phê phán khắp nơi. Xu thế tự do hoá kinh tế, trước hết là tự do hoá thương mại và đầu tư đang phát triển, có sức hấp dẫn và ngày càng được nhiều quốc gia chấp nhận. Do vậy, đã không còn mấy nền kinh tế thi hành chính sách đóng cửa. Tổ chức thương mại thế giới ra đời, mà nguyên tắc căn bản của nó là tự do hoá thương mại và đầu tư. Hiện đã có hơn 132 quốc gia là thành viên của tổ chức này và 30 quốc gia đang đàm phán xin gia nhập.

Nền kinh tế thị trường hiện đại đã có một bước phát triển cơ bản khác trước ở chỗ thị trường trước đây chỉ là thị trường hàng hoá vật thể, nay thị trường hàng hoá phi vật thể, hàng hoá thông tin, chứng khoán… phát triển hết sức mạnh mẽ và trở thành thị trường chủ yếu, chi phối nền kinh tế toàn cầu.

Những điều trình bày trên đây chứng minh rằng việc chuyển sang kinh tế thị trường mở cửa đang và sẽ là xu hướng nổi bật, có tính toàn cầu. Một khi hầu hết các quốc gia chuyển sang nền kinh tế thị trường mở cửa, sẽ có những tác động to lớn đối với toàn bộ đời sống quốc tế.

Trước hết là thị trường thế giới sẽ được mở rộng. Xu thế chuyển đổi sang kinh tế thị trường sẽ làm cho các sản phẩm, dịch vụ, các bất động sản… lâu nay không được lưu thông như hàng hoá, nay thành hàng hoá, làm cho thị trường của những quốc gia này được mở rộng, khai thông, hội nhập khu vực và toàn cầu, do vậy thị trường khu vực và thế giới sẽ được mở rộng trên mọi lĩnh vực.

Thứ hai, tạo ra một động lực to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có người nghĩ rằng: “Cái gọi là thần kỳ kinh tế Nhật Bản và NICS” chỉ là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh lạnh, nghĩa là nhờ có sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây mới có được. Song sau Chiến tranh lạnh, kinh tế Trung Quốc và ASEAN vẫn tăng trưởng cao 8% - 10% một năm, điều đó có nghĩa là Chiến tranh lạnh không phải là điều kiện cho tăng trưởng cao. Điều kiện thực sự cho tăng trưởng cao chính là cơ chế thị trường mở cửa. Chính sách công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu của NICS và ASEAN chính là động lực cho tăng trưởng cao. Cải cách và mở cửa của Trung Quốc cũng có vai trò như vậy. Thực chất, các chính sách này là khai thông cho cơ chế thị trường mở, phát huy tác dụng động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ ba, cơ chế thị trường của mỗi quốc gia chịu sự tác động mạnh của cơ chế thị trường của các quốc gia hùng mạnh, của khu vực và thế giới. Quốc gia nào mở cửa và hội nhập quốc tế càng sâu rộng, thì tác động của cơ chế thị trường của các cường

quốc, của khu vực và thế giới tới cơ chế thị trường của quốc gia đó cũng càng mạnh và làm cho sức mạnh của cơ chế thị trường quốc gia cũng tăng lên. Do vậy, một chính sách ngăn chặn thị trường trong nước quan hệ với thị trường quốc tế trên thực tế đã trở thành chính sách làm suy giảm sức mạnh của cơ chế thị trường trong nước. Chẳng hạn, nhiều quốc gia một thời cố ngăn chặn tác động của cơ chế thị trường quốc tế bằng cách tăng cao thuế nhập khẩu, buộc hàng nhập khẩu phải bán giá cao để bảo vệ hàng nội địa, đóng cửa thị trường tiền tệ và tài chính… Biện pháp ngăn chặn này rút cục làm cho nền sản xuất của các nước này kéo dài tình trạng lạc hậu không chịu đổi mới. Đương nhiên, cơ chế thị trường quốc tế cũng có mặt tiêu cực và mù quáng của nó, do vậy chính phủ của các quốc gia phải luôn tỉnh táo để đưa ra được các biện pháp hạn chế những mặt tiêu cực này.

Thứ tư, khi thị trường thế giới được mở rộng, xu hướng tự do hoá thương mại và đầu tư phát triển, thì cạnh tranh khu vực và toàn cầu cũng sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhiều người đã xem sự cạnh tranh toàn cầu như là một nguy cơ. Thực ra, trong điều kiện kinh tế thị trường mở phát triển, cạnh tranh khu vực và toàn cầu mạnh lên sẽ có tác động hai mặt: tạo ra một động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời nó cũng sẽ tạo ra một sức ép mạnh hơn đối với tất cả các doanh nghiệp. Tham gia vào thị trường có cạnh tranh càng mạnh, càng dữ dội, các doanh nghiệp sẽ càng có cơ hội trưởng thành và phát triển. Do vậy cạnh tranh khu vực và toàn cầu mạnh lên sẽ không phải là một cái gì đó tiêu cực.

Với những tác động trên đây, người ta có thể dự báo tới một nền kinh tế thị trường toàn cầu ra đời trong tương lai. Nền kinh tế thị trường này sẽ được dựa trên một nền công nghệ toàn cầu với các xa lộ thông tin, liên lạc, vận tải toàn cầu, các thể chế kinh tế toàn cầu. Nó sẽ bao gồm các trung tâm kinh tế khu vực mở cửa với các nền kinh tế thị trường quốc gia mở và hàng trăm ngàn công ty xuyên quốc gia hoạt động khắp mọi nơi. Có thể diễn tả hệ thống kinh tế toàn cầu hiện đang hình thành theo sơ đồ sau:

Bốn chủ thể: các thể chế toàn cầu, các khối khu vực, các nền kinh tế quốc gia, các công ty xuyên quốc gia hiện đang có tác động và có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Nhưng trong tương lai gần, các thể chế toàn cầu, các khối kinh tế, các công ty xuyên quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ. Và trong tương lai xa sẽ chỉ còn lại các thể chế toàn cầu và công ty xuyên quốc gia. Đến lúc đó, thể chế nhà nước của các quốc gia sẽ tự tiêu vong như dự báo của C. Marx và thể chế toàn cầu sẽ thay thế.

Ngoài bốn xu thế trên đây còn có thể kể ra các xu thế phát triển khác như: a) Hình thành một trật tự thế giới đa trung tâm và một siêu cường, ba trung tâm đang tồn tại là Bắc Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và đang hình thành thêm các trung tâm mới

như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN… Mỹ sau Chiến tranh lạnh đã là một siêu cường duy nhất và trong các thập kỷ đầu thế kỷ XX này, vai trò siêu cường của Mỹ có thể vẫn chưa bị các cường quốc khác thay thế, vì Mỹ đang có thế mạnh về công nghệ, về nguồn nhân lực chất lượng cao, về quốc phòng… b) Xu thế Châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên trở thành trung tâm tăng trưởng hàng đầu thế giới với trụ cột công nghệ và tiềm năng kinh tế của Mỹ, Nhật, với khu vực tăng trưởng cao nhất thế giới là Đông Á với tiềm năng to lớn về nguồn nhân lực và tài nguyên…

Những xu thế phát triển trên đây có thể xem là những xu thế chủ yếu, trong đó xu thế quá độ sang cơ sở công nghệ mới về chất là xu thế có tầm quan trọng quyết định. Nếu thế giới chúng ta không nhanh chóng chuyển sang một cơ sở công nghệ mới về chất, mà vẫn sinh tồn trên công nghệ truyền thống thì hàng loạt vấn đề có tính toàn cầu phức tạp sẽ không thể giải quyết được như: Sự cạn kiệt của các tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất gia tăng, những bất bình đẳng xã hội phát triển, sự suy thoái toàn cầu… và từ đó sẽ dẫn tới các mất ổn định và xung đột xã hội. Nhiệm vụ của tất cả các dân tộc trong các thập kỷ tới là phải cùng nhau tập trung nỗ lực đổi mới các thể chế chính trị, kinh tế, xã hội hiện đang kìm hãm sự phát triển của công nghệ mới, đồng thời tăng thêm đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Một nền công nghệ toàn cầu đang xuất hiện kéo theo nó sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá với những tác động rộng rãi trên tất cả các mặt của đời sống quốc tế. Xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá đang bao trùm lên toàn bộ hoạt động của các quốc gia, chi phối các chiến lược và chính sách phát triển của chúng.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 110)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w