MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TOÀN CẦU HOÁ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 89)

III. TÁI CƠ CẤU NGÀNH VÀ VÙNG KINH TẾ VIỆT NAM

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TOÀN CẦU HOÁ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM I. TOÀN CẦU HÓA - XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BAO TRÙM

Chúng tôi rất hoan nghênh lần này Hội đồng Lý luận Trung ương đã dành hai ngày thảo luận về vấn đề “toàn cầu hoá”, vì hiện nay có thể xem nó như một xu hướng phát triển tổng quát nhất, bao trùm nhất, có ý nghĩa chi phối nhất đối với tình hình kinh tế thế giới, nếu không nói rộng hơn là đối với tình hình các mặt khác của thế giới. Nếu chúng ta không làm rõ bản chất của quá trình “toàn cầu hoá”, xu hướng của nó thì sách lược của chúng ta có thể sẽ không thích hợp. Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ khái niệm “toàn cầu hoá” nghĩa là gì? Hiện nay, người ta hiểu về khái niệm này còn hết sức khác nhau. Có người cho rằng “toàn cầu hoá” đã xuất hiện quá sớm, thậm chí có người cho rằng từ 1942, tức là khi tìm ra Châu Mỹ, từ khi có quan hệ buôn bán liên lục địa đã xuất hiện “toàn cầu hoá”. Cũng có người cho rằng, phải đến khi chủ nghĩa tư bản ra đời hoặc mãi đến khi các quan hệ kinh tế của chủ nghĩa tư bản đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia và có tính chất xuyên lục địa, toàn cầu thì khi đó mới có thể xem như đã có quá trình “toàn cầu hoá”. Nhưng có ý kiến cho rằng khái niệm “toàn cầu hoá” mới chỉ xuất hiện vào khoảng 10 - 15 năm nay và được dùng phổ biến nhất là thập niên 1990 này. Nó chỉ bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào đầu những năm 1990. Còn trước đó người ta dùng khái niệm “quốc tế hoá”, “nhất thể hoá”, người ta chưa dùng khái niệm “toàn cầu hoá”. Hiện nay quy tụ lại, chúng tôi thấy có thể nêu lên hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là đồng nhất “toàn cầu hoá” với “tự do hoá”. Nghĩa là người ta thấy cứ có tự do hoá kinh tế là có “toàn cầu hoá” có từ xa xưa lắm. Bởi vì, chủ nghĩa tư bản khi mới ra đời là chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh với những quan hệ kinh tế quốc tế tự do của nó, khi đó đồng tiền đã là đồng tiền vàng, đồng tiền tự do lưu chuyển. Thứ hai là, khi đó thuế quan hầu như không đáng kể, các quan hệ kinh tế là tự do. Nhưng thời đó các điều kiện về giao thông vận tải và liên lạc còn rất kém phát triển. Các quan hệ quốc tế cũng chưa phát triển. Càng về sau thì quan hệ kinh tế quốc tế càng phát triển càng mạnh. Nhu cầu thị trường này càng tăng, tự do hoá kinh tế phát triển càng cao. Chính xu hướng tự do hoá đã dẫn đến sự tranh chấp, chiếm đoạt, chia cắt, phân chia thị trường thế giới. Để có thị trường trong tình hình kinh tế tự do cạnh tranh như vậy thì chỉ một cách là kẻ mạnh sẽ thắng, và phải dùng đến vũ lực. Cho nên thời kỳ chủ nghĩa đế quốc là thời kỳ chiến tranh chia lại thị trường, xâm chiếm thị trường. Tình trạng chiến tranh xâm chiếm thị trường lại luôn đi kèm với chính sách bảo hộ rất chặt, ngăn cản tự do. Với các chính sách đó khó có thể coi đó là quá trình “toàn cầu hoá”. Đến khi chủ nghĩa xã hội xuất hiện, hai hệ thống kinh tế đối lập song song tồn tại, thì sự chia cắt thị trường, đối lập thị trường, bảo hộ mậu dịch lại càng là quốc sách của mọi quốc gia. Trong tình hình như vậy, khó có thể nói tới “toàn cầu hoá”. Đó là nói về phương diện kinh tế. Còn về phương diện công nghệ, cơ sở của chủ nghĩa tư bản là đại công nghiệp. Trong nhiều thế kỷ, công nghệ vận tải, liên lạc đã hết sức phát triển, nhưng chi phí của nó còn rất lớn. Chỉ trong vòng 20 năm vừa qua, chi phí vận tải và liên lạc mới giảm xuống đến mức ghê ghớm. Người ta tính rằng trong vòng 20 năm vừa qua chi phí vận tải đường biển, đường sắt, hàng không giảm tới 10 lần, chi phí liên lạc mức giảm còn lớn hơn nữa, tới cả trăm lần. Đây là một điểm quan trọng, vì chi phí vận tải, giao thông, liên lạc, giảm dữ dội

như vậy giúp cho người ta xích lại gần nhau hơn, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia. Vậy là việc giảm chi phí vận tải liên lạc đã đảm bảo cho thương mại quốc tế phát triển. Đây là một vấn đề mới. Đặc biệt công nghệ thông tin xuất hiện, biến các nền công nghệ trên thế giới vốn có tính quốc gia trở thành công nghệ toàn cầu. Trước đây, ngành may mặc khó có tính chất toàn cầu, bởi vì nó chỉ là các xưởng may chỉ có thể phục vụ cho thị trường nội địa là chủ yếu. Nhưng bây giờ nhờ công nghệ thông tin, ngành may mặc vốn có tính chất quốc gia đã trở thành một công nghệ toàn cầu. Ví dụ: Tập đoàn Nike ở Mỹ không sản xuất gì nhưng nhờ công nghệ thông tin nó thành lập ra hai trung tâm sáng tác mẫu ở Ý và Hồng Kông. Mỗi trung tâm này thuê 200 chuyên gia vào hạng giỏi nhất chuyên sáng tác mẫu. Tập đoàn này thuê các xí nghiệp làm giầy, may mặc ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Inđônêxia. Bản thân tập đoàn Nike chỉ nắm hai khâu: một là công nghệ tạo mẫu tốt, hai là phân phối sản phẩm trên toàn cầu. Nó làm được hai khâu này là nhờ công nghệ thông tin. Nó biến công nghệ sản xuất ra quần áo và giày vốn là công nghệ mang đặc điểm quốc gia trở thành một công nghệ mang tính chất toàn cầu. Cũng nhờ có công nghệ thông tin mà các công nghệ ôtô, máy bay đến nhiều công nghệ khác ngày càng mang tính toàn cầu. Nếu như không có vận tải rẻ, liên lạc tốt, các công nghệ đó không thể mang tính toàn cầu. Đây là một điểm rất quan trọng, nó quy định quan hệ kinh tế trở thành quan hệ toàn cầu. Như vậy, nếu chỉ có xu hướng tự do hoá thì các quan hệ kinh tế khó có thể tiến đến “toàn cầu hoá”. Chắc chắn nó sẽ duy trì sự bảo hộ và chia cắt thị trường. Đặc biệt, trong một thời kỳ dài người ta tưởng như chính sách bảo hộ mậu dịch là một chính sách đúng đắn nhất, vì nó bảo vệ được sản xuất trong nước, bảo vệ cái mà người ta tưởng như đó là lợi ích của mỗi quốc gia. Nhưng sau một vài thập kỷ, đặc biệt là trong những năm gần đây, người ta thấy rõ đó là một chính sách sai lầm, với tác hại hết sức to lớn. Vì sao?

Thứ nhất nó bảo hộ sản xuất quá chặt nên không thể có cạnh tranh, vì không có sức ép buộc phải cạnh tranh, cho nên các nhà sản xuất được bảo hộ đó duy trì nền sản xuất với công nghệ và tổ chức rất cũ kỹ. Các quốc gia bảo hộ sản xuất chặt như vậy đã đẩy lùi nền công nghệ và tổ chức sản xuất của mình tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. Kết luận này hầu như đã được khẳng định. Thứ hai, người ta tưởng rằng bảo hộ sản xuất là bảo hộ lợi ích quốc gia nhưng hoá ra chỉ là bảo hộ lợi ích của một nhóm người sản xuất, còn lợi ích của người tiêu dùng thì hầu như bỏ qua. Ví dụ, nếu ngành xi măng được bảo hộ chặt thì giá xi măng sẽ rất đắt. Sự thực là giá xi măng của chúng ta đã đắt hơn giá xi măng của khu vực 20% - 30%, nếu so với giá trung bình của thế giới thì cũng đắt hơn. Vậy là, Tổng Công ty xi măng được bảo hộ nên người tiêu dùng trong nước phải mua xi măng với giá đắt hơn 20% - 100%. Thiệt hại quả là rất lớn. Chúng tôi tính rằng trong năm 1998, người tiêu dùng Việt Nam thiệt vì phải mua giá xi măng cao khoảng 200 triệu đôla Mỹ. Trong ngành thép, con số thiệt hại mà người tiêu dùng phải chịu cũng rất lớn. Có người ước tính rằng do chính sách bảo hộ, mỗi

năm ở nước ta tính tổng người tiêu dùng trên tất cả các mặt hàng đã phải chịu trả một cái giá đắt hơn so với hàng nhập của thế giới chừng vài tỷ đôla Mỹ. Quả là một con số khổng lồ! Như vậy, chúng ta bảo hộ được lợi ích của một số tập đoàn sản xuất, nhưng làm hại lợi ích người tiêu dùng trong cả nước. Còn nguy hại hơn nữa vì giá xi măng cao thì giá xây dựng các nhà, xưởng cũng cao, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Chúng ta bảo hộ ngành mía đường, thì giá đường cũng lên cao hơn giá thế giới 30%, khiến cho các cơ sở làm bánh kẹo, nước ngọt phải tăng chi phí sản xuất. Điều này làm mất hết lợi thế cạnh tranh của đất nước. Cho nên, nếu xét lợi ích chung của một quốc gia thì chính sách bảo hộ mậu dịch xét về lâu dài là một chính sách có hại. Do vậy, các quốc gia ngày càng thấy rõ đây là con đường nguy hiểm. Chúng ta phải chấp nhận trở lại tự do hoá, giảm bớt chính sách bảo hộ, giảm bớt hàng rào thuế quan, giảm bớt thuế nhập khẩu. Nhưng bây giờ còn vướng một vấn đề là chấp nhận tự do hoá như vậy thì phân chia thị trường thế giới như thế nào? Các cường quốc đã nắm giữ hầu hết thị trường thế giới. Các công ty xuyên quốc gia đã nắm giữ 70% thị trường thế giới. Bây giờ chúng ta muốn xuất khẩu gạo cũng phải qua các công ty này, muốn mua dầu hoả cũng phải qua các công ty này, chúng ta không thể mua trực tiếp với người sản xuất. Có những mặt hàng chúng ta nhập khẩu, người bán hàng nói với chúng tôi rằng không hiểu tại sao các ông nhập khẩu hàng phải qua bốn năm khâu trung gian? Thực ra điều ấy có thể hiểu được, vì thị trường nằm trong các công ty xuyên quốc gia. Chúng ta khó có đường nào khác mà không thông qua các công ty này. Do vậy, nếu chúng ta hiểu “toàn cầu hoá” chỉ là sự tự do hoá là không đầy đủ. Chúng tôi cho rằng “toàn cầu hoá” phải có nội dung thứ hai của nó tức là hội nhập hoặc cam kết quốc tế. Bởi vì, nếu chỉ có tự do hoá thì sẽ dẫn đến bảo hộ mậu dịch và chiến tranh, phải thực hiện một quá trình hội nhập quốc tế, tức là phải thực hiện những cam kết quốc tế. Phải nói rằng, quá trình tự do hoá đã dẫn đến bảo hộ mậu dịch và dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, cuộc Đại chiến lần thứ hai. Đó là sức ép buộc những cái đầu tỉnh táo nhất của thế giới phải nghĩ đến một lối thoát khác. Lối thoát đó chính là sự hình thành các định chế, các tổ chức kinh tế toàn cầu. Năm 1947, tổ chức Hiệp nghị thuế quan chung ra đời, viết tắt là GAT (bây giờ là WTO). Sau đó, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, một số tổ chức kinh tế của Liên hợp quốc cũng đã xuất hiện. Các tổ chức này cùng với các quốc gia định ra những cam kết. Đó là những khuôn khổ thương mại, đầu tư tài chính... đảm bảo cho các quốc gia có thể cùng nhau phát triển quan hệ kinh tế theo những cam kết mà các bên đồng ý. Lối thoát này giúp tránh được bảo hộ mậu dịch, tránh được chiến tranh để phân chia lại thị trường thế giới. Đó là những mong muốn của các quốc gia khi định ra các thể chế quốc tế này. Trên thực tế, các định chế quốc tế ấy cũng đã làm được các chức năng của nó trong một thời gian và cũng có một số kết quả nhất định. Phải thừa nhận rằng, những định chế này trong thời kỳ dài và cho tới nay nó vẫn bị chi phối của các lực lượng, các cường kinh tế, đặc biệt là Mỹ, hay rộng hơn đó là G7, đã chi phối các định chế này, có tiếng nói tương đối quyết định trong đó. Điều đó là hoàn toàn có thể xác nhận được. Ngay trong nội bộ G7 cũng có đấu tranh với nhau, và các nước đang phát triển cũng đấu tranh để bảo

vệ lợi ích của họ, đó cũng là một sự thực. Đến thập kỷ 1990 này, ngoài sự phát triển về công nghệ ra còn có một sự kiện quan trọng đó là chiến tranh lạnh đã kết thúc, sự đối đầu giữa hai siêu cường Xô - Mỹ không còn. Do vậy, những điều kiện cho quá trình toàn cầu hoá phát triển rộng rãi hơn trước là một điều mới có từ sau năm 1990. Tóm lại, nếu chỉ có tự do hoá kinh tế thì không đủ đảm bảo cho quá trình “toàn cầu hoá” diễn ra thuận lợi. Còn phải có hội nhập quốc tế với các cam kết đa phương, song phương, toàn cầu mới đủ đảm bảo cho quá trình này tiến triển thuận lợi... Như vậy, tôi cho rằng quá trình “toàn cầu hoá” được bắt đầu từ cuối thập kỷ 1980 cho tới nay, đặc biệt là bắt đầu từ thập kỷ 1990. Đó là vấn đề thứ nhất mà chúng tôi muốn trình bày thêm.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w