II. NHỮNG VẤN ĐỀ QUỐC TẾ CỤ THỂ CÓ THỂ TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP ĐẾN TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NƯỚC TA
3. Chuyển giao công nghệ
Trong thập kỷ tới đây, chuyển giao công nghệ sẽ phát triển mạnh mẽ theo hai
hướng: Thứ nhất, chuyển giao các công nghệ truyền thống từ các nước phát triển hơn sang các nước kém phát triển. Đây là điều kiện để các nước phát triển hơn có thể áp
dụng công nghệ mới hơn, đồng thời cũng là thời cơ cho các nước lạc hậu phát triển lên. Thứ hai, là chuyển giao công nghệ mới sẽ được tiến hành trong các điều kiện sau: Các nước tiếp nhận công nghệ mới không có điều kiện kỹ thuật sao chép và ăn cắp; các nước cung cấp công nghệ mới muốn có lợi nhuận độc quyền cao tại ngay thị trường của các nước tiếp nhận công nghệ; các nước tiếp nhận công nghệ mới phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh cao…Thứ ba, lưu thông các bằng phát minh, sáng chế. Các nước có cơ sở hạ tầng công nghệ nhất định có thể mua các bằng phát minh sáng chế về ứng dụng, đưa vào sản xuất. Thời hạn hoạt động có hiệu quả của một công nghệ mới hiện nay chỉ khoảng 2 - 3 năm. Có những công nghệ chỉ tồn tại một năm, đến thời hạn đó các chủ sử dụng công nghệ không tìm cách đổi mới, chuyển nhượng đi nơi khác, thì họ sẽ rơi vào tình trạng thua thiệt. Trước đây, Nhà nước có thể thi hành chính sách bảo hộ mậu dịch để hỗ trợ cho các chủ kinh doanh này kéo dài thời hạn sử dụng những công nghệ đó. Nay nhờ xu hướng tự do hoá mậu dịch và hội nhập toàn cầu, chính sách bảo hộ này không còn nữa. Do vậy, xuất hiện chiều hướng phải nhanh chóng chuyển nhượng cộng nghệ từ nơi này đến nơi khác. Từ sau Chiến tranh lạnh, sự đối đầu giữa các quốc gia giảm dần, kinh tế thị trường mở cửa, phát triển ở mọi quốc gia, đó là những điều kiện rất quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ có hiệu quả.
Xu hướng chuyển giao công nghệ tích cực trên đây đang gây ra những tác động to lớn:
• Các chủ sở hữu công nghệ mới ngày càng nhận thức rằng chuyển giao công nghệ, phổ biến công nghệ mới có lợi hơn là giữ độc quyền bí quyết công nghệ, đặc biệt là trong điều kiện mạng lưới thông tin toàn cầu phát triển, kỹ thuật ăn cắp và sao chép bí mật công nghệ được hiện đại hoá.
• Các nước kém phát triển có kinh tế thị trường mở cửa, có thời cơ tiếp nhận và sử dụng công nghệ có hiệu quả; và các nền kinh tế có cơ chế thị trường càng hoàn thiện, càng mở cửa, thì thời hạn sử dụng công nghệ càng ngắn, yêu cầu chuyển giao công nghệ đi nơi khác càng cấp bách.
• Các nước kém phát triển có thời cơ tiếp nhận công nghệ hiện đại chưa từng có, nếu những nước này nhanh chóng xây dựng cho mình một cơ sở hạ tầng công nghệ thích hợp, nhanh chóng tạo ra môi trường đầu tư hiệu quả, và có một chính sách hội nhập toàn cầu thích hợp. Bởi vì, các nước phát triển cao phải đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản ứng dụng và triển khai, mới có thể áp dụng rộng rãi, đồng thời phải tìm cách chuyển giao công nghệ cũ đi và xây dựng các thể chế kinh tế xã hội thích hợp với công nghệ mới. Một quá trình phức tạp như vậy cần nhiều thời gian. Còn một nước kém phát triển chỉ thiết lập thể chế kinh tế xã hội thích hợp, đào tạo nguồn nhân lực tốt và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ tốt là đã có thể tiếp nhận được công nghệ
mới. Họ bớt được hai khâu phức tạp và tốn kém là tiến hành nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, triển khai.
Nước ta cũng sẽ đi theo con đường của các nước kém phát triển để thực hiện tốt chuyển giao công nghệ, nghĩa là tiếp nhận và sử dụng tốt các công nghệ mà ta chưa có, đồng thời rút ngắn thời hạn sử dụng chúng, chuyển nhượng đi nơi khác. Đối với các công nghệ cũ quá, có thể chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn đủ thu hồi được vốn và có lãi, có thể hủy bỏ để mua công nghệ khác.