Có thể dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2008 cũng sẽ có những diễn biến phức tạp không kém năm 2007: Theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn năm 2007, giá dầu mỏ và một số nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm vẫn ở mức cao; tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó dự báo; Việt Nam vẫn là địa điểm có sức hấp dẫn dầu tư trong khu vực.
Trong tình hình đó, để kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới mức tăng trưởng, Việt Nam phải áp dụng những giải pháp chủ yếu sau:
1. Tăng mức lãi suất huy động cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm.
Mức lãi suất dương này có thể là 9% - 10% năm, khi CPI giảm, có thể hạ thấp theo. Mức lãi suất dương sẽ có tác dụng tích cực tới việc hút tiền khỏi lưu thông, đồng thời hạn chế tín dụng xấu, kém hiệu quả tăng tín dụng cho các hướng kinh doanh có hiệu quả, giảm cơn khát tiền tệ hiện nay.
2. Tăng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại từ 10% hiện nay lên mức 12% - 14%, do vậy có thể hạn chế số lượng tín dụng mà các ngân hàng thương mại ném vào lưu thông, làm tăng áp lực lạm phát.
3. Lập Quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia. Quỹ này có 3 phần, phần một là ngoại tệ thu đổi được, phần hai là dùng đồng tiền Việt Nam để mua ngoại tệ, phần ba là các tín phiếu ngân hàng và trái phiếu chính phủ để rút đồng Việt Nam ra khỏi lưu thông ngay khi tung tiền ra mua ngoại tệ. Như vậy, trong Quỹ dự trữ ngoại tệ, có cả ngoại tệ, đồng Việt Nam, tín phiếu ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ví dụ: Quỹ này có 20 ngàn tỷ đồng Việt Nam và 20 ngàn tỷ đồng Việt Nam bằng tín phiếu và trái phiếu chính phủ có thể tạo ra một vòng quay liên tục thu về cho Quỹ dự trữ mỗi lần 1,3 tỷ đôla Mỹ, mà không ảnh hưởng đến việc tăng giá. Phải lưu ý là tín phiếu ngân hàng phải được chuyển một phần thành trái phiếu chính phủ để giảm bớt khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước. Quỹ này phải có trách nhiệm kinh doanh ngoại tệ dự trữ lấy lãi, bù cho lãi suất của tín phiếu. Giải pháp này nhằm biến các khoản đôla Mỹ vào Việt Nam thành dự trữ ngoại tệ quốc gia và tín phiếu nợ của Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu chính phủ, vô hiệu hoá lượng đồng Việt Nam phát hành ra đổi lấy đôla Mỹ.
4. Nên cải tổ “tổ Điều hành thị trường”, giao việc kiềm chế lạm phát cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì.
5. Chức năng kiềm chế lạm phát vốn là của Ngân hàng Nhà nước, không phải của Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Mọi quốc gia theo kinh tế thị trường đều làm như vậy.
Bộ Tài chính có thể tham gia vào việc kiềm chế lạm phát bằng chính sách tiết kiệm, giảm bớt chi tiêu của Chính phủ.
Bộ Công thương có chức năng kiểm soát độc quyền về giá cả, còn chức năng cân đối cung cầu chủ yếu sẽ do thị trường, Bộ Công thương chỉ điều tiết khi cần. Bộ này không làm được việc cân đối cung cầu.
Đổi tên “tổ Điều hành thị trường” thành “tổ Giám sát thị trường”.
6. Tạm dừng phát hành tiền cho chi tiêu ngân sách, nhưng việc phát hành tiền cho việc thu đổi ngoại tệ vẫn tiếp tục, không sợ ảnh hưởng đến lạm phát vì ngay lập tức được thu hồi về bằng tín phiếu ngân hàng, việc phát hành tiền cho nhu cầu của lưu thông tiền tệ vẫn tiếp tục, nhưng phải được tính toán chặt chẽ.
7. Duy trì mức tăng trưởng hợp lý của thị trường chứng khoán, đảm bảo định hướng tăng của các chỉ số chứng khoán.
8. Những giải pháp khác có thể vẫn tiếp tục làm, nhưng không nên xem đó là công cụ chính kiềm chế lạm phát.
Có thể có sự lo ngại nếu áp dụng những giải pháp này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Chúng ta có thể lấy thực tế Trung Quốc để xem xét. Năm 2006 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rất cao (trên 10%), nguy cơ lạm phát gia tăng đã xuất hiện, sang năm 2007 Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát rất tích cực: tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc lên tới 14,5%, tăng thu ngoại tệ vào quỹ dự trữ quốc gia đẩy dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên tới khoảng 1.600 tỷ đôla Mỹ… Dù vậy tốc độ tăng GDP của Trung Quốc năm 2007 không giảm mà còn đạt tới 11,5%, cao hơn mức tăng năm 2006 và mức độ lạm phát được duy trì ở mức 6,9%, thấp xa so với mức tăng trưởng.
Tại sao lại như vậy? Vì những giải pháp mà Trung Quốc đã áp dụng năm 2007 chủ yếu nhằm vào ổn định tiền tệ, không nhằm vào hạn chế vốn dài hạn, và nếu có tác dụng hạn chế nguồn vốn dài hạn, thì chỉ hạn chế đối với các khoản cho vay kém hiệu quả.
Kết luận
Khi tìm kiếm nguyên nhân lạm phát, ta có thể phải làm rõ các nguyên nhân khách quan, nhưng để tìm giải pháp, thì phải tập trung vào những nguyên nhân chủ quan, những nguyên nhân từ chính sách tiền tệ. Nếu chỉ tìm những giải pháp không thuộc chính sách tiền tệ, thì dù có tích cực cũng không thể kiềm chế được lạm phát. Một khi lạm phát vượt mức tăng trưởng, lãi suất tiết kiệm đã âm, dấu hiệu xấu đã xuất hiện,
cần có ngay những giải pháp kiềm chế mức lạm phát xuống dưới mức tăng trưởng, đảm bảo lãi suất tiết kiệm dương. Đó cũng chính là điều kiện, thậm chí là rất cơ bản đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
KINH TẾ VIỆT NAM HIỆN NAY: THỰC TRẠNG, VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP TRẠNG, VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP
Báo cáo trình Chính phủ Hà Nội, tháng 06/2008
Cho đến tháng 6/2008, bức tranh kinh tế Việt Nam có một số điểm sáng: Tốc độ tăng
trưởng nói chung tương đối cao, tuy có suy giảm so với quý I/2008, đặc biệt nổi bật là vốn FDI vào Việt Nam đã gia tăng đột biến lên tới 31 tỷ đôla Mỹ, điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường mới nổi Việt Nam vẫn được duy trì, thậm chí là gia tăng. Tuy nhiên, những mảng tối hầu như chuyển biến rất chậm chạp: lạm phát tháng 6 tuy thấp hơn tháng 5, nhưng tính chung trong 6 tháng đầu năm vẫn cao, dù tính theo cách nào; Thâm hụt thương mại tháng 6 có giảm so với tháng trước, nhưng vẫn quá lớn; chỉ số của thị trường chứng khoán có tăng chậm chạp, nhưng vẫn chưa vượt qua được thời kỳ trì trệ; Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm; tình trạng đầu cơ khá phát triển... Vậy những vấn đề gì đang đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, và đòi hỏi phải có sự phân tích khoa học và giải pháp thoả đáng?