NĂM 2010
Như đã trình bày trên đây, kinh tế thế giới năm 2010 sẽ diễn biến khá phức tạp: hồi phục không chắc chắn, những động thái về tiền tệ, đầu tư, thương mại… khó dự đoán, nhiều rủi ro bất trắc, các cơ hội phát triển mong manh. Tuy nhiên về tổng thể, tình hình kinh tế thế giới năm 2010 sẽ khá hơn năm 2009, đó là điều thuận lợi đối với Việt Nam.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 đã tác động đến kinh tế Việt Nam trên các mặt: giảm tốc độ tăng trưởng, giảm xuất khẩu nhập khẩu, giảm đầu tư nước ngoài, giảm lượng khách du lịch quốc tế, giảm kiều hối... Những tác động tiêu cực này là rõ ràng, nhưng mức suy giảm đã chậm lại vào cuối năm 2009 và sang 2010 có thể sẽ dần dần chấm dứt.
Năm 2009, Chính phủ Việt Nam áp dụng nhiều giải pháp kiềm chế có hiệu quả đà suy giảm kinh tế và duy trì được tốc độ tăng trưởng 5,32%, đó là một kết quả rõ ràng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, những mặt trái của các giải pháp chống suy thoái kinh tế năm 2009 sẽ dần dần phát lộ trong năm 2010, ngay bây giờ ta phải tính đến để hạn chế.
Trong bối cảnh trên đây, kinh tế Việt Nam trong năm 2010 sẽ phải chú ý tới những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, phải theo dõi sát sao những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, để có thể có những ứng phó kịp thời. Như trên trình bày, tình hình kinh tế thế giới đang và sẽ diễn biến rất phức tạp, mau lẹ, không ổn định. Giá dầu mỏ, giá vàng, giá các
nguyên liệu… lúc lên, lúc xuống, rất khó dự báo. Ngay cả IMF và WB cũng luôn phải điều chỉnh dự báo từng quý, và sai nhiều hơn đúng. Những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam trên các mặt thương mại và đầu tư rõ nét và nhanh nhạy, vì độ mở của kinh tế Việt Nam về hai lĩnh vực này là khá lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu đã bằng 150% - 160% GDP, vốn đầu tư nước ngoài đã
chiếm tới 30% - 40% tổng vốn đầu tư xã hội… Các cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia phải thành lập những bộ phận chuyên theo dõi, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo những biến động của tình hình kinh tế thế giới và đề xuất các giải pháp ứng phó, báo cáo với Chính phủ. Về mặt này, các cơ quan nghiên cứu Việt Nam đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn bất cập.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 đã tác động đến kinh tế Việt Nam trên các mặt: thương mại, đầu tư, du lịch, kiều hối… nhưng không lớn, mức suy giảm nói chung khoảng 10%. Lý do là, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này đã tác động mạnh nhất tới lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và tài chính. Cả hai lĩnh vực này của nền kinh tế Việt Nam hiện nay hầu như chưa mở cửa đáng kể với nền kinh tế thế giới, do vậy đã chịu tác động không lớn. Hơn nữa, hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là khoáng sản, dầu mỏ và nông, lâm, hải sản… là những nhu yếu mà thế giới vẫn cần kể cả khi kinh tế khủng hoảng. Những vấn đề mà kinh tế Việt Nam phải đối diện trong năm 2009 chủ yếu là những vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam như: lạm phát, thâm hụt thương mại, chất lượng tăng trưởng, thể chế kinh tế và hành chính, mô hình tăng trưởng... Những vấn đề này mặc dù đã được xử lý trong năm 2009, nhưng vẫn đang là mối lo cần phải được tiếp tục nghiên cứu giải quyết trong năm 2010.
Thứ ba, những hệ luỵ của những giải pháp chống suy giảm kinh tế trong năm 2009 sẽ phát lộ trong năm 2010, sẽ phải được chú ý xử lý phù hợp. Những hệ luỵ này có thể là:
Nguy cơ tái lạm phát do phải nới lỏng chính sách tiền tệ, tài chính, do đầu tư kém hiệu quả, có thể còn do những nguyên nhân bên ngoài như giá nguyên nhiên liệu thế giới sẽ tăng…
Thâm hụt ngân sách trong năm 2009 là 7% GDP và năm 2010 chưa thể giảm do tình hình kinh tế chưa hồi phục chắc chắn.
Các giải pháp hành chính, bao cấp đã áp dụng trong năm 2009 có thể vẫn phải tiếp tục trong năm 2010 dù rằng với mức độ giảm thiểu. Thâm hụt thương mại gia tăng trong năm 2008, 2009 và có thể sẽ còn tiếp tục trong năm 2010 mà hiện chưa có những biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Giải quyết những vấn đề trên hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu khách quan, khoa học và phù hợp với thực tế.
Thứ tư, vấn đề tỷ giá đồng Việt Nam/đôla Mỹ cần được xem xét và sớm giải quyết. Trong khu vực Đông Á, đã có ba mô hình tỷ giá, mô hình Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã phá giá đồng nội tệ mức độ cao, sau
đó ổn định tỷ giá kéo dài. Đồng yên Nhật vào những năm 1960 có mức giá rất thấp so với đôla Mỹ, 1đôla Mỹ có thể được đổi được trên 300 yên, sau đó ổn định tỷ giá kéo dài. Đồng yên giá thấp đã thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu của Nhật Bản, hàng hoá Nhật Bản lan tràn cả sang Mỹ và Châu Âu. Đến những năm 1970, Mỹ và Châu Âu đã ép Nhật Bản phải thả nổi đồng yên, và từ đó đồng Yên liên tục lên giá tới mức 1 đôla Mỹ chỉ còn bằng 80 - 90 yên cuối thập kỷ 1980, kinh tế Nhật Bản rơi vào thời kỳ trì trệ cả thập kỷ 1990. Trung Quốc vào năm 1994 đã phá giá đồng nhân dân tệ tới 40% - 50%, và sau đó cố định tỷ giá này. Xuất khẩu của Trung Quốc bùng nổ, hàng Trung Quốc tràn ngập thế giới với giá siêu rẻ. Mỹ và Châu Âu đã và đang ép Trung Quốc phải tăng giá đồng nhân dân tệ để giảm xuất siêu của Trung Quốc. Nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn chưa chịu tăng giá đồng nhân dân tệ, vì nếu tăng giá đồng nhân dân tệ, thì kinh tế Trung Quốc khó duy trì được mức tăng trưởng cao. Mô hình tỷ giá của Hàn Quốc không phải là cố định tỷ giá mà là thả nổi tỷ giá theo hướng đồng won liên tục hạ giá từ 389,9 won/1đôla Mỹ năm 1972 xuống 890,2 won/1 đôla Mỹ năm 1985 và 774,7 won/1đôla Mỹ năm 1995. Mức lạm phát ở Hàn Quốc luôn cao hơn ở Mỹ, do vậy khi thả nổi tỷ giá, đồng won sẽ phải vận động theo hướng hạ giá liên tục. Tỷ giá đồng Việt Nam/đôla Mỹ đã không vận động theo mô hình Nhật Bản, Trung Quốc, hay Hàn Quốc, mà theo mô hình cố định có điều chỉnh nhỏ, nghĩa là mỗi năm mất giá 1% - 2%. Lạm phát ở Việt Nam hàng năm đều cao hơn Mỹ 5% - 7%, mà chỉ điều chỉnh tỷ giá mức 1% - 2% thì chắc chắn đồng Việt Nam rơi vào tình trạng cao giá. Mức cao giá này đã tích tụ lại trong nhiều năm và đã tác động tiêu cực tới xuất khẩu và mở cửa ồ ạt cho nhập khẩu. Đây là nguyên nhân cơ bản, sâu xa tình trạng nhập siêu của Việt Nam kéo dài nhiều năm.
Có ý kiến cho rằng, dù hạ giá đồng Việt Nam cũng không thể tăng được xuất khẩu, vì Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản và nông, lâm, hải sản… Những mặt hàng này có giới hạn về trữ lượng và nguồn lực nên không dễ tăng lên. Đúng là không dễ tăng xuất khẩu các sản phẩm trên, nhưng nếu đồng Việt Nam được điều chỉnh theo hướng hạ giá, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu phát triển, các ngành công nghiệp phụ trợ xuất khẩu gia tăng. Và đây cũng là điều kiện rất quan trọng để tái cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng phát triển công nghiệp chế tạo. Mặt khác, đồng Việt Nam giá thấp hơn sẽ là một rào cản bảo hộ hữu hiệu đối với sản xuất trong nước, vì hàng nhập khẩu sẽ tăng giá, sản xuất trong nước có điều kiện cạnh tranh và phát triển. Còn với đồng Việt Nam cao giá, có ý nghĩa tương đương với việc Việt Nam tự phá bỏ các hàng rào bảo hộ, mở toang cửa cho hàng ngoại ào vào bóp chết hàng nội và sản xuất trong nước.
Có ý kiến lo ngại, nếu đồng Việt Nam hạ giá thì những món nợ bằng đôla Mỹ mà Việt Nam phải trả sẽ chịu thêm gánh nặng. Đúng như vậy, nhưng gánh nặng này không đến nỗi lo ngại vì dịch vụ trả nợ hàng năm không quá lớn, hơn nữa, phần lớn nợ đôla
Mỹ của Việt Nam là dài hạn nên sẽ được điều chỉnh sau một vài năm. Hơn nữa, Nhà nước và doanh nghiệp nợ đồng Việt Nam sẽ có lợi, nếu dùng đôla Mỹ quy đổi ra đồng Việt Nam để trả nợ. Đồng Việt Nam giá hạ sẽ khuyến khích xuất khẩu gia tăng, làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ lớn hơn. Gánh nặng trả nợ này dù có cũng xem như đó là cái giá phải trả. Nếu cân bằng lợi hại, chắc chắn những lợi ích thu được sẽ to lớn hơn nhiều.
Kinh tế thế giới năm 2010 mặc dù đã có nhiều dự báo, vẫn có thể nói rằng, dung sai của các dự báo chắc chắn sẽ không nhỏ. Vấn đề là Việt Nam phải có trong tay một công cụ để có thể “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Công cụ này là gì? Đó là “đổi mới”, mọi cái có thể luôn biến đổi, do vậy phải đổi mới trên cơ sở “lợi ích phát triển của đất nước, sự giàu có của nhân dân, sự tiến bộ của xã hội”.