TỔ CHỨC KINH DOANH THAM GIA VÀO HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ĐỐI NGOẠ

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 135)

NGOẠI

Như trên đã trình bày, chủ thể của các quan hệ kinh tế quốc tế hiện nay chủ yếu là các tập đoàn xuyên quốc gia tư nhân hùng mạnh. Trung Quốc cũng đã thành lập hàng chục công ty xuyên quốc gia. Ở nước ta, chủ thể kinh doanh đối ngoại có hai đặc điểm. Thứ nhất, cho đến nay, các công ty nhà nước vẫn nắm độc quyền kinh doanh đối ngoại. Năm 1998 sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá VIII, các công ty tư nhân được phép hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhưng với những bước đi rất dè dặt. Cho đến nay vẫn có rất ít các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này một cách công khai hợp pháp. Thực tế, các công ty tư nhân nước ta vẫn hoạt động kinh tế đối ngoại, nhưng phải thông qua ô của các tổ chức quốc doanh và phải trả phí dịch vụ cho các ô bảo hộ đó. Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta lại hạn chế không cho tư nhân hoạt động kinh tế đối ngoại, tại sao lại kéo dài tình trạng “móc ngoặc”, “mượn ô quốc doanh”? Đảng ta đã có chủ trương đa dạng hoá các thành phần kinh tế, nhưng cho đến nay, chủ trương này mới được thực hiện trong kinh tế đối nội, còn trong kinh tế đối ngoại dường như chưa được thực hiện. Lý do là còn có sự e ngại quan hệ giữa các chủ tư nhân trong nước và chủ tư nhân nước ngoài, sợ rằng họ cấu kết với nhau tạo thành một tầng lớp tư sản mại bản phản động. Chúng tôi cho rằng mối e ngại này không có cơ sở, vì chúng ta đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh 100% vốn trong các doanh nghiệp hoàn toàn của họ tại Việt Nam, mà chưa thấy có biểu hiện chống đối nào. Hơn nữa, họ phải hoạt động theo luật pháp Việt Nam, và khi trái luật sẽ bị trừng trị. Nếu tư bản nước ngoài 100% vốn hoạt động ở nước ta còn được phép và thực tế cho thấy họ đã hoạt động tốt, thì không có lý do gì lại lo ngại việc chủ đầu tư tư nhân Việt Nam liên doanh, liên kết với tư bản nước ngoài, hay kinh doanh xuất

nhập khẩu. Hơn nữa, ai cũng biết các công ty quốc doanh hoạt động kém hiệu quả với nhiều hạn chế, làm sao có thể cạnh tranh được với các tập đoàn xuyên quốc gia bên ngoài được. Chúng tôi cho rằng, Đảng ta có thể và cần thiết phải thực hiện chủ trương đa dạng hoá các thành phần kinh tế trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại với các hướng sau đây:

• Cho phép các thành phần kinh tế tư nhân cả trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, kể cả dịch vụ xuất nhập khẩu lao động. Các nhà kinh doanh nước ngoài nắm giữ trong tay các thị trường khu vực và quốc tế, có kinh nghiệm tiếp cận thị trường, nếu họ được phép hoạt động xuất nhập khẩu họ sẽ khai thông thị trường Việt Nam với thế giới dễ hơn các chủ kinh doanh của nước ta. Các nhà kinh doanh tư nhân Việt Nam vốn năng động, nhạy cảm có nhiều cơ hội xâm nhập vào thị trường quốc tế hơn các doanh nghiệp nhà nước bị nhiều ràng buộc. • Cho phép mở rộng tỷ phần các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%. Các nhà đầu tư nước ngoài thích hình thức đầu tư này hơn, vì họ không bị các đối tác liên doanh phía Việt Nam gây khó khăn trong các quyết định kinh doanh; Nhà nước cần có chính sách chuyển hoá họ thành các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách gắn lợi ích của họ với lợi ích của Việt Nam, thực hiện các chính sách không phân biệt đối xử giữa các xí nghiệp trong và ngoài nước…

• Cho phép mọi chủ kinh doanh Việt Nam không kể quốc doanh hay tư nhân đều có quyền liên doanh liên kết với các nhà kinh doanh nước ngoài.

Đặc điểm thứ hai là, nước ta hiện hầu như chưa có các công ty xuyên quốc gia. Như trên đã trình bày, các công ty xuyên quốc gia đang và sẽ là chủ thể của nền kinh tế toàn cầu, nhưng nước ta hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu lại chưa có được các công ty đó. Nói chính xác hơn ở nước ta hiện đã có một số công ty xuyên quốc gia của các nước khác, chúng ta chưa xem các công ty này là những công ty của mình. Đây là nhược điểm rất căn bản hạn chế khả năng của nước ta tham gia hội nhập quốc tế. Song làm thế nào để nước ta có thể sớm tạo lập ra được những công ty xuyên quốc gia của mình. Có thể có những cách sau đây:

• Xác định lộ trình giảm hàng rào quan thuế và phi thuế quan một cách tích cực theo các cam kết với AFTA, APEC, WTO… để tạo ra một sức ép kinh tế quốc tế, một sự cạnh tranh quốc tế thực sự ngay trên thị trường nước ta, buộc các doanh nghiệp của ta phải đối mặt với các nhà kinh doanh quốc tế, phải đua tranh với họ, đó chính là bước tiếp cận đầu tiên. Đồng thời, Nhà nước phải hỗ trợ một số công ty hùng mạnh của ta về vốn, nhân lực, thị trường… để họ có thể trưởng thành nhanh chóng đủ sức đua tranh trên thương trường quốc tế. Biện pháp này tuy rất quan trọng, nhưng phải thừa nhận là số công ty nước ta có thể trở thành công ty xuyên quốc gia có sức mạnh không thể nhiều, thời gian cần cho chúng trưởng thành không thể ngắn, lợi thế cạnh

tranh của chúng khó có thể lớn được. Do vậy, nếu chỉ bằng biện pháp này, khả năng hội nhập của nước ta vào nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ là hạn chế, con đường hội nhập sẽ kéo dài, nguy cơ tụt hậu xa hơn của nền kinh tế nước ta là khó tránh khỏi. • Thu hút các công ty xuyên quốc gia nước ngoài vào hoạt động tại nước ta. Thực tế cho thấy nếu chúng ta thực hiện đầy đủ các cam kết với AFTA đến năm 2006, thì khu vực có khả năng thích ứng với những cam kết này hơn cả chính khu vực liên doanh với nước ngoài, mặc dù cho đến nay không ít xí nghiệp liên doanh vẫn đang đòi hỏi Chính phủ phải bảo hộ họ. Điều này cho thấy nếu chúng ta thu hút nhiều hơn các công ty xuyên quốc gia nước ngoài vào hoạt động ở nước ta, có chính sách đúng chuyển hoá các công ty này thành các công ty của ta (không quốc hữu hoá), thì chúng ta có thể nhanh chóng có được một số lượng công ty xuyên quốc gia với tư cách pháp nhân Việt Nam, có khả năng đua tranh trên thị trường quốc tế. Đây là con đường hội nhập quốc tế ngắn nhất mà chúng ta có thể lựa chọn. Đương nhiên, việc thu hút những công ty xuyên quốc gia nước ngoài và chuyển hoá chúng thành các công ty của ta, không phải là một vấn đề dễ dàng nhưng cũng không phải là một việc khó đến mức không thể làm được. Thực tế, ở các nước ASEAN cho thấy không ít chi nhánh của các tập đoàn xuyên quốc gia nước ngoài ngày càng bị bản địa hoá, lợi ích của chúng ngày càng gắn chặt với lợi ích của quốc gia mà chúng hoạt động.

Đặc điểm thứ ba, các hoạt động kinh tế đối ngoại của các tổ chức kinh doanh nước ta chưa có tính đồng bộ. Ta có thể nêu ra đây nhiều ví dụ: đã một thời ta chỉ cho phép quốc doanh tham gia xuất nhập khẩu; sau đó chỉ có tư nhân tham gia xuất khẩu, cấm hoạt động nhập khẩu… Ta cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được hoạt động trong sản xuất, một số dịch vụ khách sạn…, nhưng lại không được hoạt động xuất nhập khẩu, bảo hiểm, tài chính và hoạt động hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng… Hoạt động của các công ty nước ngoài ở một nước cần có sự đồng bộ. Chúng rất khó hoạt động, hay hoạt động với rủi ro cao, nếu như chúng được hoạt động trong sản xuất, còn các dịch vụ thương mại, tài chính, bảo hiểm… lại chỉ do các công ty yếu kém và lạc hậu của nước ta được phép hoạt động. Một khách sạn 5 sao hoạt động ở nước ta cần phải được bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm nước ngoài không được phép hoạt động ở nước ta, nên buộc họ phải ký hợp đồng bảo hiểm với Bảo Việt. Nhưng Bảo Việt không đủ sức bảo hiểm, lại ký hợp đồng tái bảo hiểm bởi một công ty bảo hiểm nước ngoài ăn phí dịch vụ. Dịch vụ vòng vèo này đã làm tăng chi phí và rủi ro cho các nhà đầu tư. Các công ty xuất nhập khẩu của ta không có thị trường và không am tường thị trường, nhưng lại nắm độc quyền xuất nhập khẩu. Trong điều kiện đó, các công ty xuất nhập khẩu của ta buộc phải lấy các công ty nước ngoài làm trung gian. Các khâu trung gian này càng nhiều, càng làm tăng chi phí, giảm hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu. Nếu chúng ta cho phép các công ty nước ngoài được hoạt động xuất nhập khẩu ở nước ta, thì các khâu trung gian này sẽ bị cắt bỏ, do vậy sẽ tăng được hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu. Trong điều kiện đó, các công ty xuất nhập khẩu của ta buộc

phải hợp tác, liên kết với các công ty nước ngoài cùng hoạt động và cùng ăn chia và cùng chịu rủi ro.

Dù như chúng ta có các thể chế, chính sách đúng đắn, có cả bộ máy quản lý nhà nước tốt, mà các tổ chức kinh doanh của chúng ta hoạt động yếu kém, thì nền kinh tế nước ta vẫn khó hội nhập quốc tế, hoặc là tham gia hội nhập quốc tế với nhiều thua thiệt. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nước ta hiện nay là phải xây dựng cho được các tổ chức kinh doanh hùng mạnh, các tập đoàn xuyên quốc gia của Việt Nam với sức mạnh liên kết của các hình thức sở hữu của các chủ kinh doanh trong và ngoài nước, hoạt động đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 135)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w