Tăng trưởng với tốc độ cao có hiệu quả và bền vững có thể xem là một yêu cầu cấp bách số một để Việt Nam có thể tránh được các nguy cơ: tụt hậu xa hơn, chệch hướng chủ nghĩa xã hội, diễn biến hoà bình... Nếu chúng ta chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp dưới mức hoặc bằng mức tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực (7% - 8% năm) thì khoảng cách về trình độ phát triển giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực sẽ tăng lên và chúng ta khó tránh khỏi các nguy cơ trên đây.
Có thể áp dụng các phương án sau đây cho tốc độ tăng trưởng:
• 12% - 15% năm. Đây là một tốc độ lý tưởng cho Việt Nam trong vài ba thập kỷ tới. Phải giả định rằng nếu các nước ASEAN chỉ sẽ tăng tốc độ bằng 1/2 của Việt Nam, thì khoảng cách về trình độ phát triển có thể thu hẹp lại rõ rệt từ nay đến năm 2020. Nếu nước ta chỉ tăng cao hơn họ 1% - 2% năm, thì khoảng cách này chưa có thể thu hẹp.
Tốc độ tăng trưởng 12% - 15% có hiện thực hay không? Hoàn toàn là hiện thực nếu Việt Nam hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thị trường toàn cầu, có các chính sách thích ứng với nền kinh tế toàn cầu, khẳng định trọng tâm xuất khẩu của công nghiệp hoá và hiện đại hoá, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và trong nước, tất cả các dự án phát triển (bao gồm các công trình xây dựng do ngân sách vay nước ngoài cấp) phải có hiệu quả, xây dựng được một Nhà nước mạnh về trí tuệ, luật pháp và khả năng thực hiện... Nếu nhìn vào những cố gắng hiện nay, chưa thấy có khả năng này.
• 8% - 9% năm. Đây là một khả năng tương đối hiện thực hơn, vì thực tế 4 năm vừa qua chúng ta đã đạt được tốc độ này. Song phải nói rằng tốc độ 8% năm trong 4 năm vừa qua là tốc độ trong giai đoạn hưng thịnh của một chu kỳ kinh tế. Giai đoạn hưng thịnh này có những đặc trưng mà các giai đoạn sau khó có thể đạt được: dự trữ của nền kinh tế mệnh lệnh bao cấp để lại còn lớn, công suất của các nhà máy trước đây được sử dụng quá thấp, nhiều công trình xây dựng trong những năm trước đây nay phát huy tác dụng: điện, dầu mỏ, một số cơ sở hạ tầng, cơ chế thị trường mới được áp dụng đã có tác động mạnh mẽ... Có thể những dự trữ này vẫn còn tác dụng tuy ngày càng giảm trong những năm cuối thập kỷ 1990. Nhưng những hoạt động của
chúng ta trong những năm cuối thế kỷ XX sẽ quy định tốc độ cho các năm 2010 - 2020. Do vậy, nếu các dự án phát triển của những năm 1990 kém hiệu quả thì tốc độ tăng trưởng của những năm 2010 - 2020 có thể sẽ thấp hơn mức 7% - 8% năm, thậm chí có thể thấp hơn nữa.
• 5% - 6% năm. Đây là phương án có thể xảy ra, nếu chúng ta dốc sức lực, tiền của vào các công trình thế kỷ, các khu vực kinh doanh kém hiệu quả như các xí nghiệp quốc doanh, các khu vực mà cơ sở hạ tầng lạc hậu hướng nội. Nếu chúng ta không coi trọng đúng mức những ngành xuất khẩu và thu hút vốn nước ngoài, chưa kể đến việc chúng ta lâm vào một cuộc chiến tranh biên giới như ở Biển Đông chẳng hạn... thì với tốc độ tăng trưởng này, chúng ta sẽ tụt hậu xa hơn nữa và kèm theo tất cả các nguy cơ.
Tôi hy vọng chúng ta có thể phấn đấu theo phương án 1 và 2, tránh được phương án 3. Đó cũng là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá Việt Nam có đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa hay không.