Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 123)

II. NHỮNG VẤN ĐỀ QUỐC TẾ CỤ THỂ CÓ THỂ TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP ĐẾN TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NƯỚC TA

7. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ

Trong thập kỷ 1990, các cuộc khủng hoảng tiền tệ, tài chính đã nổ ra ở nhiều quốc gia, bắt đầu ở các nước Bắc Âu, nổi bật là ở Thuỵ Điển năm 1992, sau đó lại nổ ra ở Mêhicô năm 1994, tiếp đến ở Đông Nam Á và Đông Á năm 1997, 1998 đang lan tới Cộng hoà Liên bang Nga, Braxin, đã và đang làm chấn động nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng này đã gây ra các hậu quả nặng nề đối với các nền kinh tế. Nó cũng thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo các chính khách, các học giả, các nhà kinh doanh. Nó bộ lộ những điểm yếu kém của các nền kinh tế quốc gia và các định chế quốc tế. Vậy, cuộc khủng hoảng này có những đặc điểm gì?

Cuộc khủng hoảng này phản ánh sự xung đột giữa xu hướng toàn cầu hoá và các lực cản nó, trước hết đó là các thể chế yếu kém và lạc hậu của quốc gia và quốc tế. Do toàn cầu hoá phát triển, các dòng hàng hoá vật thể lưu thông ngày càng mạnh, vượt qua biên giới các quốc gia. Lúc đầu, người ta dựng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để ngăn chặn các dòng hàng hoá và bảo vệ sản xuất trong nước. Nhưng càng ngày người ta càng thấy rằng các hàng rào bảo hộ này tuy tạm thời bảo vệ được sản xuất trong nước, nhưng nó đã đẩy nền kinh tế quốc gia ngày càng tụt hậu xa so với thế giới. Do vậy, bảo hộ không phải là giải pháp tốt nhất. Người ta dần dần nhận ra rằng tự do hoá thương mại, giảm dần bảo hộ là tốt nhất cho sự phát triển năng động. Đồng thời, các quốc gia ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới, làm cho cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Nguy cơ lớn sẽ đến với các công ty, các quốc gia kém am hiểu thị trường thế giới, sản xuất ra các hàng hoá không cạnh tranh được và vượt nhu cầu. Các dòng hàng hoá vật thể phát triển đã kéo theo nó các dòng hàng hóa

phi vật thể phát triển, trước hết là dòng lưu thông tiền tệ và vốn. Hiện nay, dòng lưu thông tiền tệ và vốn đã lớn gấp cả 100 lần dòng lưu thông hàng hoá vật thể. Sự khác biệt căn bản giữa dòng lưu thông hàng hoá vật thể và dòng lưu thông tiền tệ và vốn là ở chỗ: dòng lưu thông hàng hoá vật thể đổ vào một quốc gia có thể bóp chết ngay lập tức các ngành sản xuất trong nước, do vậy người ta phải dựng ngay một hàng rào che chắn, nâng đỡ các ngành sản xuất trong nước thích ứng dần với sức ép cạnh tranh của hàng bên ngoài. Còn dòng hàng hoá tiền tệ, vốn đổ vào một quốc gia nào đó ngay lập tức có thể làm cho nền kinh tế ở đó tăng trưởng cao và người ta không thấy nguy cơ gì của nó. Nhưng khi có những biến động về lãi suất ở Mỹ, Nhật, Châu Âu, sự thay đổi về tỷ giá làm cho mức sinh lợi của các đồng vốn ở Mỹ tăng cao lên và ngược lại tính sinh lợi của những dòng vốn ở các nước khác giảm thiểu, thì dòng vốn sẽ lập tức đổi chiều chảy về Mỹ. Dòng vốn rút khỏi các quốc gia sẽ làm cho các quốc gia này suy thoái nhanh chóng và cho đến nay họ chưa có một hàng rào nào ngăn chặn được sự rút chạy này. Nếu sự rút chạy của các đồng vốn lại diễn ra đồng thời với sự tồn đọng của các hàng hoá không bán được, hay là sự dư thừa công suất, thì nguy cơ suy thoái sẽ lớn hơn. Hiện nay, nguy cơ này có thể đang xuất hiện: các dòng vốn quay chiều rút chạy khỏi một số nước Châu Á và một số nền kinh tế khác và sự dư thừa hàng hoá đang tăng lên. Sự yếu kém của các nền kinh tế quốc gia thể hiện ra ở chỗ tính sinh lời của môi trường đầu tư quá thấp, độ rủi ro cao và không có khả năng phòng ngừa. Nguyên nhân trước hết thuộc về sự yếu kém của các thể chế kinh tế, đặc biệt là thể chế tiền tệ, ngân hàng, tài chính, của các quốc gia, cũng như quốc tế. Đương nhiên, các thể chế hành chính, chính trị yếu kém cũng là một nguyên nhân làm suy yếu các thể chế kinh tế. Trong thời đại toàn cầu hoá phát triển như ngày nay, nguy cơ sẽ thuộc về những quốc gia không có các thể chế thích ứng cao với quá trình toàn cầu hoá. Điều phức tạp ở chỗ hiện không ai có thể ngăn chặn được quá trình toàn cầu hoá bằng các hàng rào bảo hộ như trước, nhưng xây dựng những thể chế kinh tế của các quốc gia, cũng như quốc tế thích ứng được với quá trình toàn cầu hoá, với một nền kinh tế toàn cầu mà các đường biên giới quốc gia đang mở dần lại là một điều không dễ dàng gì.

a. Cuộc khủng hoảng này không phủ định các xu hướng phát triển của thế giới, mà là sự thể hiện những xu hướng phát triển đó.

Do có hoà bình và ổn định; do các nền kinh tế trên phạm vi thế giới đang ngày càng được thị trường hoá, mở cửa hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu; do các công nghệ mới xuất hiện và được ứng dụng nhanh chóng tạo ra các xa lộ điện tử toàn cầu; do các quốc gia thay đổi các chính sách, chiến lược… thích ứng nhanh nhạy với thực tế…, nên các hàng hoá, tiền tệ, vốn, công nghệ, dịch vụ… đã vận động nhanh chóng từ quốc gia này sang quốc gia khác, tạo ra các chấn động kinh tế.., những cuộc khủng hoảng cục bộ ở một nước, hoặc một khu vực. Việc điều hoà những dòng vốn này sao cho không xảy ra các cuộc khủng hoảng cục bộ là một vấn đề cấp bách. Nhưng sự cố

gắng của một nước hoặc một số nước có thể sẽ không đi đến một kết quả nào. Ở đây cần có sự phối hợp toàn cầu, trước hết là sự phối hợp của các cường quốc kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế chủ yếu. Ta có thể nêu ra một ví dụ: Mỹ đã tăng lãi suất từ năm 1995 làm cho đồng đôla tăng giá, đồng thời làm cho đồng Yên mất giá, các đồng tiền ở Đông Á và Đông Nam Á (những nước gắn chặt đồng đồng của mình với đồng đôla Mỹ) mất giá theo, và là một nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tiền tệ, tài chính năm 1997 tại các nước này. Nhưng trong năm 1998, Mỹ lại hạ lãi suất hai lần từ 5,5% xuống còn 5%, ngay lập tức đã làm cho các đồng tiền Châu Á ổn định và lên giá trở lại. Nếu các nước Châu Á chỉ loay hoay với những cải cách thể chế của nước mình, không có sự phối hợp chính sách gì với Mỹ và Nhật chắc sẽ khó khắc phục được cuộc khủng hoảng.

b. Cuộc khủng hoảng này đã, đang tạo ra những sức ép rất mạnh buộc các quốc gia phải đổi mới những thể chế, chính sách.

c. Sức ép của cuộc khủng hoảng này mạnh tới mức buộc một loạt chính phủ bị lật đổ ở Thái Lan, Inđônêxia, Hàn Quốc, Nga… Vì các chính phủ này đã không chịu cải cách thể chế thích ứng với các xu thế phát triển của thế giới. Sự chống cự của các chính phủ trái với các xu thế phát triển của thế giới chỉ làm tổn hại cho các quốc gia và dẫn tới sự sụp đổ của chính họ. Các chính phủ Thái Lan, Hàn Quốc bị đổ do những biện pháp cải cách của họ đã không đủ chặn đứng được chiều hướng suy thoái của nền kinh tế. Các chính phủ đã làm cho cuộc cải cách trên diễn ra một cách tích cực, đa dạng hơn, do vậy tình hình kinh tế ở hai nước này được cải thiện hơn uy tín của các chính phủ được nâng cao. Các hướng cải cách ở các nước này, nói chung là tuân theo những xu hướng phát triển chung của thế giới: mở cửa nền kinh tế rộng rãi hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ; làm lành mạnh hơn, minh bạch hơn các quan hệ giữa bộ máy cầm quyền và các tổ chức kinh doanh, chống tham nhũng; hiện đại hoá hệ thống tổ chức ngân hàng, tài chính… Những cải cách này chính là nhằm phát huy nội lực của đất nước, có thể thích ứng nhanh nhạy với những biến động của thế giới.

Kết luận

Những xu hướng phát triển của thế giới trên đây đã tác động đến nước ta trên nhiều mặt.

Trước hết, trong tình hình quốc tế và khu vực đang gia tăng xu hướng đối thoại, hợp tác và ổn định, nước ta có điều hiện đặt sự phát triển kinh tế lên ưu tiên hàng đầu, xem đó là nhiệm vụ trung tâm. Nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, đối ngoại, văn hoá, xã hội… phải nhằm vào việc phát triển kinh tế. Phải đổi mới hệ thống chính trị, mở đường cho phát triển kinh tế, tất cả những gì cản trở sự phát triển kinh tế phải được xoá bỏ. Công tác an ninh, quốc phòng phải nhằm

vào việc bảo vệ sự phát triển kinh tế của đất nước, giữ gìn sự ổn định và an toàn của xã hội. Toàn bộ hoạt động đối ngoại phải góp phần bảo đảm sự ổn định của khu vực, khai thông thị trường thế giới, thu hút được các nguồn vốn đầu tư và công nghệ mới… Các hoạt động giáo dục, khoa học, văn hoá, y tế… phải nhằm vào việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực nước ta phục vụ cho sự phát triển kinh tế. Một khi nền kinh tế nước ta phát triển và được hiện đại hoá hơn, đó sẽ là cơ sở vững chắc nhất cho quốc phòng an ninh, đối ngoại, văn hoá, khoa học… Đương nhiên, chúng ta không xem thường công tác an ninh, quốc phòng, mà chỉ đặt một định hướng rõ ràng cho các lĩnh vực này là nhằm phát triển kinh tế. Đồng thời, việc đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế lên ưu tiên hàng đầu cũng là một đặc trưng phân biệt thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước với thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước.

Thứ hai, hội nhập khu vực và toàn cầu phải là một định hướng chiến lược lâu dài, cơ bản bao trùm của nước ta trong những thập kỷ tới. Hội nhập khu vực và toàn cầu không chỉ có nghĩa là Việt Nam tham gia vào ASEAN, APEC mà còn có nghĩa là Việt Nam phải phát triển các quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, các NIES, Nga, Ấn Độ... Như trên đã trình bày, toàn cầu hoá và khu vực hoá là xu hướng phát triển cơ bản của thế giới trong thế kỷ XXI; tất cả các quốc gia muốn hay không cũng sẽ bị cuốn hút vào xu hướng này. Do vậy, nước ta phải chủ động hoạch định chiến lược hội nhập khu vực và toàn cầu và xem đó là chiến lược cơ bản của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Căn cứ vào yêu cầu của chiến lược hội nhập khu vực và toàn cầu mà định ra các chính sách đối ngoại và đối nội của nước ta cho các thập kỷ tới. Sở dĩ xem chiến lược hội nhập là cơ bản, vì nó bao gồm hầu như toàn bộ quá trình chuyển đổi kinh tế, công nghệ... của nước ta. Nước ta phải chuyển sang kinh tế thị trường mở cửa, phải có nguồn nhân lực có chất lượng cao, phải có một hệ thống chính trị tiến bộ vững mạnh… mới có thể hội nhập được.

Chúng tôi cho rằng, những xu hướng phát triển của thế giới trong những thập kỷ tới đây buộc nước ta phải chuyển đổi chiến lược, chính sách của theo hai hướng cơ bản trên đây. Sự chuyển đổi kịp thời; hiệu qủa theo các hướng trên đây chính là sự đảm bảo chắc chắn nhất cho sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 123)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w