VÀI NÉT VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 30)

Thứ nhất, nếu xét trên bình diện thế giới hiện nay thì phải nói rằng lý luận về nền kinh tế thị trường cho đến giờ này cũng đang trong tình trạng khủng hoảng. Bởi vì, nếu xét trong một thời kỳ lịch sử tương đối dài khoảng 3 - 4 thập kỷ, thì nền kinh tế thế giới có sự suy thoái liên tục, tốc độ tăng trưởng của những năm 1950 cao hơn 1960, 1960 cao hơn 1970, 1970 cao hơn 1980 và 1980 chắc chắn cao hơn 1990. Như vậy, nếu

mức tăng trưởng bình quân trên thế giới thời kỳ những năm 1950 khoảng 5% thì bây giờ chỉ còn trên 2%. Có thể nói rằng, các nền kinh tế của mô hình Xô Viết cũng chết vì suy thoái, cũng từ tăng trưởng 10% xuống -1% đến 2% và nó sụp đổ. Khi nghiên cứu về thời đại, tôi cho rằng mô hình kinh tế Xô Viết sụp đổ là tất yếu, nhưng cũng có nhiều đồng chí không đồng tình, cho rằng nó sụp đổ là tất yếu thì nó ra đời là không tất yếu, như vậy là phủ định. Thực ra, không phải là như vậy. Chủ nghĩa tư bản cũng ra đời là tất yếu và nó chết cũng là tất yếu, không phải vì chết là tất yếu, ra đời lại không tất yếu. Không thể có chuyện ấy. Cái cây cũng phải có ngày đổ và chết. Và cái chết già, chết cỗi của nó là tất yếu, thì không có nghĩa là sự sinh ra nó là không tất yếu? Nếu chúng ta nhìn như vậy thì phải nói rằng hiện nay nhân loại đứng trước một sự tìm tòi và lựa chọn rất gay gắt. Nếu như tốc độ tiếp tục suy thoái, những năm 1990 thấp hơn những năm 1980 và 2010 thấp hơn những năm 1990 thì nguy cơ gì sẽ đến với nhân loại? Có thể nói, những ý kiến của giới lý luận và các nhà công nghệ giờ đây chưa chặn đứng được nguy cơ suy thoái toàn cầu này. Người ta hy vọng rằng, cuối những năm 1990 sẽ kiềm chế sự suy thoái nhưng không được. Cuộc khủng hoảng vừa nổ ra đã cắt đứt niềm hy vọng đó.

Như vậy, rõ ràng là có vấn đề rất lớn. Bây giờ nếu ta nói phương Tây là lý tưởng, đâu có, Mỹ cũng tự thấy mô hình của mình hư hỏng. Hiện nay, kinh tế phương Tây suy thoái liên tục, chưa chấm dứt. Mới hồi phục chút ít, chưa thể nói là bền vững. Các nước đang phát triển có thời phát triển rất mạnh nhưng bây giờ không hẳn duy trì được lâu dài tốc độ đó. Ngay Trung Quốc, tăng trưởng liên tục 9% - 10% trong 20 năm qua, nhưng người ta nói rằng nguy cơ của Trung Quốc cũng rất lớn, có thể sẽ nổ ra khủng hoảng ở quốc gia này, thời kỳ suy thoái sẽ đến.

Lý do cơ bản là ở chỗ tất cả nền kinh tế thị trường đến nay đều có một cơ sở chung, đó là sự phát triển công nghiệp. Nền văn minh công nghiệp là một nền văn minh tận dụng tài nguyên thiên nhiên một cách triệt để mà nguồn tài nguyên ấy không phải vô hạn, rất hữu hạn và ngày càng cạn kiệt.

Thứ hai, nền văn minh công nghiệp ấy gây ô nhiễm, tàn phá môi trường rất ghê gớm.

Thứ ba, năng suất lao động không đủ để người ta có thể giải quyết tất cả các vấn đề công bằng xã hội. Dù phát triển cao như Thụy Điển, họ thu thuế đến 70% GDP, đem tất cả thuế đó vào khu vực công để đảm bảo các nhu cầu đi học, chữa bệnh và các dịch vụ công cộng không mất tiền. Nhưng mô hình ấy ở Thuỵ Điển cũng đi vào khủng hoảng.

Còn mô hình Châu Á, tưởng rằng là một mô hình ghê gớm thì đến nay cũng đang có vấn đề. Có người nói có thể nó cũng chết. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ không chết, mà cuộc khủng hoảng này đem lại hai ý nghĩa. Một là, nó cảnh tỉnh, buộc tất cả những nhà lãnh đạo của Châu Á phải cải tổ, phải đổi mới. Và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng

sau cuộc khủng hoảng này, nó sẽ tăng trưởng trở lại, thậm chí có thể cao hơn, vì nó sửa chữa được những khiếm khuyết của mô hình Châu Á. Không nên nghĩ rằng cứ khủng hoảng là hỏng.

Một xã hội không có khủng hoảng chưa chắc đã tốt. Người ta nhìn trong lịch sử loài người có sự kỳ quặc là, nếu không có sức ép xã hội nguy hiểm nào đẩy đến chỗ chết thì không ai muốn đổi mới. Xã hội tư bản cũng thế. Phải có một sức ép xã hội rất mạnh, những xí nghiệp của tư bản mới buộc phải bỏ công nghệ cũ của mình, các nhà lãnh đạo mới buộc phải bỏ tư duy cũ, bỏ tính chất lỗi thời của mình. Nếu không có sức ép, cuộc đời phát triển phơi phới thì dại gì thay đổi và những cái cũ vẫn tồn tại, cho nên trong lịch sử nhân loại người ta thấy rằng những cuộc khủng hoảng luôn tồn hai mặt. Một mặt nó tàn phá và phản ánh xã hội ấy có nhiều bế tắc, còn mặt thứ hai là mặt thúc đẩy xã hội tiến bộ. Cho nên, tôi không nghĩ rằng cuộc khủng hoảng Châu Á vừa nói chỉ có mặt bế tắc, mà nó có mặt thúc đẩy phát triển.

Trong tình hình như vậy, chúng ta phải chuyển sang một nền kinh tế thị trường, đó là một điều hoàn toàn không dễ gì cho sự lựa chọn của chúng ta.

Vấn đề thứ hai là khái niệm về “kinh tế thị trường”. Có người phân biệt “nền kinh tế thị trường” và “kinh tế thị trường”. Thực ra, chúng đều được dịch từ “economy”. “Nền kinh tế” không thể khác “kinh tế”. Chắc là hơi khó để phân biệt như vậy. Nhưng có một vấn đề, lâu nay trong giới lý luận của chúng ta vẫn viết và giảng rằng nền kinh tế thị trường là chung của mọi chế độ xã hội, không chỉ của chủ nghĩa tư bản. Nhưng nhìn trong lịch sử, theo cách phân tích của C. Marx đó là sự sáng tạo, nhưng ông dùng riêng cho chủ nghĩa tư bản. Vì sao? Trước chủ nghĩa tư bản đã có quan hệ hàng hoá - tiền tệ, có sản xuất hàng hoá, có thương mại, có buôn bán. Nhưng theo quan niệm của C. Marx thì tất cả những quan hệ hàng hoá - tiền tệ trước chủ nghĩa tư bản chỉ tồn tại trong các lỗ chân lông của xã hội, không phải là một nền kinh tế thị trường. Vì sao? Vì hai điều quan trọng: Một là tư liệu sản xuất chưa biến thành hàng hoá phổ biến, đặc biệt là đất đai. Hai là, sức lao động chưa phải là hàng hoá. Mà C. Marx nói rằng sức lao động trở thành hàng hoá là cái riêng của chủ nghĩa tư bản. Chỉ khi sức lao động trở thành hàng hoá thì mới có tư bản. Sức lao động chưa trở hành hàng hóa thì không thể có tư bản, không thể có nhà tư bản. Mà nếu sức lao động không phải là hàng hoá thì không có kinh tế thị trường. Đó là nền sản xuất hàng hoá giản đơn, những quan hệ hàng hoá tồn tại trước chủ nghĩa tư bản, cái đó không phải là kinh tế thị trường. Cho nên, chúng ta hiểu nền kinh tế thị trường với đúng nghĩa của nó thì phải nói rằng từ khi sức lao động và tư liệu sản xuất trở thành hàng hoá phổ biến, mà đặc biệt như C. Marx nói, sức lao động trở thành hàng hoá phổ biến. Nghĩa là xuất hiện hai giai cấp tư sản và vô sản. Khi đó, kinh tế thị trường mới thực sự xuất hiện. Điều đó có nghĩa, nếu ta thiết lập một nền kinh tế thị trường mà đất đai không

phải là hàng hoá, sức lao động không phải là hàng hoá, thì tôi khẳng định không thể có kinh tế thị trường dù chúng ta muốn.

Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta gọi là hàng hoá hay thị trường gì đi nữa cũng rất hạn hẹp. Bởi vì, bất động sản, đặc biệt là ruộng đất chưa phải là hàng hoá, ở nước ta cũng chưa có thị trường lao động. Cho nên, kinh tế thị trường của chúng ta hiện nay hoàn toàn là manh nha, tôi gọi nó là tiền kinh tế thị trường, hoặc nói đúng hơn là tiền tư bản chủ nghĩa. Bởi vì, hai thứ đó chưa có nên không thể gọi là kinh tế thị trường. Chúng ta cũng không nên nhìn mặt xấu của nền kinh tế thị trường một cách chủ quan. Bởi vì, nền kinh tế thị trường xét trong lịch sử, các giai đoạn cực kỳ dã man như thời tích luỹ nguyên thuỷ mà bộ Tư bản của C. Marx đã chứng minh. Và nó cũng qua một giai đoạn phát triển tàn bạo nhưng văn minh hơn, đó là giai đoạn phát triển công nghiệp hiện nay đang chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp, có người gọi là nền kinh tế trí tuệ hay thông tin vì bộ mặt văn minh của nó cao hơn. Điều này không ai có thể phủ nhận, gọi là nền kinh tế tri thức bởi hiện nay người ta tính rằng ở Mỹ và ở Nhật 50% giá trị hàng hoá đã là tri thức.

Do đó, ai nghĩ rằng nền kinh tế thị trường của chúng ta sẽ hình thành như thời C. Marx, tức là một nền kinh tế thị trường vào hàng tàn bạo, thì chắc chắn chúng ta không thể chấp nhận, nhưng chúng ta có thể chấp nhận một nền kinh tế thị trường văn minh. Nó có mặt trái, tôi sẽ nói sau. Mặt trái, điều gì cũng có. Nền kinh tế thị trường có mặt hết sức tích cực của nó, đó là vẻ đẹp, nó kích thích tăng trưởng, phát triển và nó cũng khá tiến bộ. Nền kinh tế thị trường càng văn minh thì sự bất công xã hội càng giảm. Tuy vậy, mặt trái của nó vẫn tồn tại. Ta có thể hạn chế nó, nhưng nếu nói là xoá bỏ hoàn toàn thì chắc chắn là không thể. Hơn nữa, nếu ta tuân thủ đúng quy luật của cơ chế thị trường thì mặt trái ấy sẽ bị hạn chế, nhưng không phải cứ kinh tế thị trường là tốt. Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng có nhiều nước cũng chuyển sang kinh tế thị trường nhưng vẫn phát triển chậm trễ, thậm chí thảm hại như Philippin một thời, hoặc Ấn Độ cũng chậm. Có nước phát triển, đi theo cơ chế thị trường, vẫn tụt hậu so với nước khác. Ví như, nước Anh đứng đầu thế giới, nay tụt xuống thứ mười. Mỹ vượt lên thứ nhất và Nhật Bản vươn lên thứ hai. Có nghĩa cùng là một nền kinh tế thị trường nhưng sự vận hành của nó ở mỗi nơi tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể mà có sự khác biệt rất lớn. Khác biệt ấy chủ yếu ở chỗ người ta vận dụng nó như thế nào? Sự ra đời "bàn tay hữu hình" của các nước đã bóp méo và tạo ra một cơ chế thị trường, một nền kinh tế thị trường sai lầm. Và chính nền kinh tế thị trường sai lầm ấy đã dẫn đến những hậu quả về cả tăng trưởng, cả xã hội, về tất cả các vấn đề. Bản thân nền kinh tế thị trường chỉ có tốt và cũng không chỉ có xấu. Nó có nơi tốt, có nơi xấu, có mặt tốt, có mặt xấu. Nhà nước của chúng ta nếu dùng nó một cách tích cực, tạo ra một nền kinh tế thị trường lành mạnh, văn minh, tôi chắc chắn nó sẽ tốt và những mặt xấu sẽ bị hạn chế. Còn nếu ngược lại, chúng ta đẻ ra một nền kinh tế thị trường mà chúng ta

ngăn chặn nó, bóp méo nó, nặn nó ra một thứ kỳ quái, thì chắc chắn chúng ta sẽ chịu đủ hậu quả. Đó là ý thứ hai tôi muốn nói.

Thứ tư, là trong văn học Mác - xít không có khái niệm “kinh tế thị trường”. C. Marx dùng khái niệm "nền kinh tế hàng hoá". Chúng ta không nên bắt bẻ, khái niệm “kinh tế hàng hoá” mà C. Marx dùng đó chính là kinh tế thị trường. Khái niệm “kinh tế thị trường” là về sau này, và tôi cho rằng nó chính xác hơn “kinh tế hàng hóa”. Bởi vì thời C. Marx có một hạn chế rất lớn: hàng hoá chỉ là hữu hình, tuyệt đại đa số hàng hoá thời C. Marx là hữu hình, không có hoặc rất ít hàng hoá vô hình. Nhưng ngày nay, khi nói đến hàng hoá thì không chỉ là cái bàn, tủ, ấm, chén, mà còn những thứ không nhìn thấy gì cũng là hàng hoá. Có những thị trường không thấy gì, mà chỉ ở trên máy vi tính. Thế giới giờ đây đã và đang hình thành một nền thương mại điện tử. Nó không mang tính hữu hình, mà chỉ là những thông tin trao đổi mua bán, vậy mà mỗi một ngày nó thu về tới 1.500 tỷ đôla.

Cũng theo quan niệm của C. Marx, đến chủ nghĩa cộng sản, kinh tế thị trường không còn nữa, không còn giai cấp, không còn Nhà nước... Nhưng có điều ta lưu ý là trong tất cả các tác phẩm của C. Marx mà tôi đã đọc thì thấy không có chỗ nào ông viết là xoá bỏ kinh tế thị trường. Xoá bỏ giai cấp thì ông có nói, còn nhà nước vô sản thì không bao giờ ông nói xoá bỏ cả, mà chỉ tự tiêu vong. Mà nền kinh tế thị trường cũng là tự tiêu vong. Khi nó còn tồn tại, còn sức mạnh thì không thể và không nên hạn chế, không nên xoá bỏ. Nếu theo đúng quan niệm của C. Marx cái không có trong xã hội cộng sản như hàng hoá, thị trường... thì sẽ tự tiêu vong trong giai đoạn quá độ. C. Marx có một điều kiện rất rõ cho sự tiêu vong này, tức là sự phát triển của công nghiệp. C. Marx quan niệm rằng chế độ tư hữu mất đi là kết quả của sự phát triển công nghiệp, không phải là kết quả từ một hành vi của Nhà nước, không phải kết quả của một cuộc đập phá mà là Kết quả của sự phát triển công nghiệp (C. Marx). Cơ sở của kinh tế thị trường là công nghiệp. Chỉ đến khi nền văn minh công nghiệp phát triển thành nền văn minh khác, văn minh trí tuệ… thì kinh tế thị trường có thể tiêu vong. Vậy, nó phát triển rất tự nhiên. Nền công nghiệp đang phát triển thì đương nhiên nó là kinh tế thị trường. Anh định khác đi có nghĩa là đã chống lại lịch sử và chống lại cái tất yếu của xã hội. Có một thời đã tồn tại sản xuất hàng hoá giản đơn phù hợp với kỹ thuật thủ công. Nó tự phát triển, tự phủ định khi xuất hiện công nghiệp, đại công nghiệp, không cần đến Nhà nước tư bản xoá nó.

Chủ nghĩa xã hội Xô Viết đã một thời xoá bỏ kinh tế hàng hoá nhưng nói chung là thất bại. Về tiền tệ, nhìn lại lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, ta thấy rằng V.I. Lenin thời đó đã ra lệnh cho một nhóm nghiên cứu bỏ đồng rúp, bỏ tiền tệ. Đã có cả một kế hoạch xoá đồng rúp, dùng vàng để xây hố xí trong tương lai. Đó là một ảo tưởng. Nhưng không phải chỉ có V.I. Lenin, C. Marx cũng ảo tưởng, vì ông cho rằng khi đường sắt ra đời, nó sẽ như không khí, tồn tại vĩnh cửu, cho nên người ta có thể sử

dụng không mất tiền và ông tưởng tượng rằng đấy có thể là cơ sở vật chất của xã hội cộng sản. Ông muốn rằng trong xã hội cộng sản, những gì làm ra thì chi phí phải rẻ như sản phẩm của tự nhiên, ông tưởng rằng đường sắt có thể như vậy, nhưng đường sắt chạy thử 5 - 7 năm thì khấu hao, chi phí bảo trì quá lớn, nó không phải là không khí. Chính C. Marx đã lầm tưởng như vậy và sau này ông phải đính chính điều ấy. Cho nên, chúng tôi thấy rằng trong quan niệm của C. Marx và F. Enghen, không có ý xoá bỏ các quan hệ kinh tế vẫn còn cơ sở phát triển. Mà quan niệm của các ông là kinh tế phát triển tự nhiên. Sự phát triển tự nhiên ấy sẽ phủ định những cái lỗi thời, còn một cuộc cách mạng xã hội thay đổi chế độ lại là chuyện khác. Về các quan hệ kinh tế, C. Marx xem như nó phát triển tự nhiên.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w