Nghĩa biểu niệm

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 41 - 42)

Ý nghĩa biểu niệm là thành phần ý nghĩa thứ hai trong ý nghĩa từ vựng của từ. Ý nghĩa biểu niệm là “hợp thể những hiểu biết được đưa vào hệ thống ngữ nghĩa của một ngôn ngữ về ý nghĩa biểu vật của từ” [8, 197]. Nó cũng là ý nghĩa “hạt nhân” thuộc cấu trúc bề sâu trong tương quan với ý nghĩa biểu vật thuộc cấu trúc bề mặt của từ. Có thể thấy ý nghĩa biểu niệm một mặt quan hệ với ý nghĩa biểu vật (và qua đó quan hệ với sự vật, hiện tượng ngoài ngôn ngữ), mặt khác lại có quan hệ với khái niệm (và qua đó mà cũng quan hệ với sự vật, hiện tượng ngoài ngôn ngữ). Sự đối lập giữa ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu vật trong ngôn ngữ có lẽ không cần bàn thêm vì nó tương đương

với sự phân biệt sự vật, hiện tượng trong thực tế với khái niệm trong tư duy về chúng nhưng giữa ý nghĩa biểu niệm và khái niệm thì cần có một cái nhìn đối lập biện chứng tức là vừa đối lập vừa thống nhất. Đối lập ở chỗ ý nghĩa biểu niệm và khái niệm thuộc hai phạm trù khác nhau cho nên chức năng và tiêu chí đánh giá chúng là không giống nhau. Khái niệm là đơn vị cơ bản của nhận thức, là sản phẩm của tư duy con người cho nên chức năng của khái niệm là nhận thức và tiêu chí đánh giá của chúng là tiêu chí chân lý (đúng / sai) còn ý nghĩa biểu niệm là đơn vị của ngôn ngữ nên có chức năng là tổ chức công cụ và tổ chức lời nói, vì thế tiêu chuẩn đánh giá của chúng là sự thuận tiện và dễ dùng. Đối lập như vậy nhưng giữa chúng luôn có sự thống nhất bởi chúng đều sử dụng những vật liệu tinh thần của tư duy và không có khái niệm thì không có ý nghĩa biểu niệm. Đến đây có thể nhận thấy sự vận động chuyển hóa biện chứng giữa hai đối tượng này “khái niệm chuyển hóa thành ý nghĩa biểu niệm trong ngôn ngữ rồi ý nghĩa biểu niệm lại chuyển hóa thành khái niệm trong giao tiếp” [8, 202]. Ý nghĩa biểu niệm của một từ là tập hợp của một số nét nghĩa. Tập hợp ấy sẽ hình thành nên cấu trúc ý nghĩa biểu niệm (nội dung này sẽ được nói kỹ ở phần sau).

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 41 - 42)