VẬN ĐỘNG TẠO TỪ CỦA TỪ NGỮ KINH TẾ
2.1.2.1. Xu hướng mượn nguyên dạng của nguyên ngữ
Đây là xu hướng sử dụng nguyên cách viết chính tả của ngôn ngữ đi vay, chủ yếu là tiếng Anh. Nhưng nếu như ở các lĩnh vực khác của đời sống như giải trí, công nghệ điện tử, thời trang, ẩm thực, quan hệ giao tiếp, tình cảm… xu hướng này bao gồm lượng từ ngữ lớn thì trong lĩnh vực kinh tế, lượng từ ngữ lại khá ít. Có thể nói đến những từ marketing (tiếp thị), dollar (đồng đôla, đồng tiền của Mỹ, Úc, Canada và các quốc gia khác), container (côngtenơ, một loại phương tiện như xe tải, tàu thủy… chuyên chở thùng kim loại lớn), pick - up (xe tải nhỏ, không mui, thành thấp cho các nhà xây dựng), repo (chứng khoán) (giao dịch mua hoặc bán lại chứng khoán có kỳ hạn được sử dụng trên thị trường tài chính), online (trực tuyến), quota (hạn ngạch),
blue chip (cổ phiếu của công ty lâu đời, uy tín, có thu nhập ổn định, cổ tức thấp và độ rủi ro thấp), penny (cổ phiếu chất lượng cao do công ty lớn phát hành), index (chỉ số),
(số) trace (số để nhận dạng, thường dùng trong ngành ngân hàng), stoploss (lệnh bán chứng khoán được sử dụng để khách hàng chốt lãi/ cắt lỗ tự động), trading (giao dịch),
intraday (giao dịch trong ngày), low (mức thấp), cat (đòn kéo neo (sử dụng trong hàng hải)), coupon (phiếu chứng khoán), banking (nghiệp vụ điều hành ngân hàng), sale off
(hạ giá), account (tài khoản), sticker (nhãn hiệu), (tin) telex (tin nhắn cập nhật), make – up (tiền lãi chênh lệch sau khi trừ chi phí), lay – off (sa thải nhân viên), check – out
(làm thủ tục ra khỏi sân bay/ tính tiền tại siêu thị)… Việc sử dụng các từ ngữ theo xu hướng nguyên dạng này có hai lí do. Thứ nhất, đây là những từ ngữ thông dụng đối với những người làm việc trong các ngành kinh tế. Thứ hai, có những trường hợp các thuật ngữ nước ngoài không thể chuyển dịch sang tiếng Việt một cách hoàn toàn chính xác và nếu giải thích bằng những cụm từ tự do thì hình thức thuật ngữ không được đảm bảo. Từ ngữ kinh tế vay mượn nguyên dạng từ tiếng Anh không nhiều là vì những từ ngữ này mang những khái niệm
mới chuyên sâu về kinh tế, chẳng hạn như những từ thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng xuất hiện trong khoảng dăm năm gần đây. Nhờ những phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình… hiện nay người ta mới đang dần “thích ứng” với những từ ngữ này. Có lẽ phải khoảng mươi năm nữa những thuật ngữ “gốc” mới đi sâu và tác động trực tiếp đến đời sống giao tiếp của người Việt (tất nhiên ở chỗ này chúng tôi không xét những trường hợp người nói, người viết cố tình sử dụng nguyên dạng từ ngữ vay mượn nhằm mục đích khác). Việc mượn nguyên dạng của nguyên ngữ xuất hiện nhiều nhất trong những nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu hàng hóa nhằm mục đích quảng cáo về loại hình dịch vụ và sản phẩm. Thí dụ Internet Banking (dịch vụ ngân hàng điện tử), SMS banking (dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động giúp khách hàng truy vấn thông tin ngân hàng), Phone Banking (dịch vụ ngân hàng mà khách hàng sử dụng điện thoại di động hoặc cố định để gọi vào số máy của ngân hàng để nghe các thông tin sản phẩm dịch vụ ngân hàng), thẻ E – Partner (dòng thẻ thanh toán do ngân hàng phát hành cho chủ thẻ để thực hiện rút tiền mặt và một số giao dịch tại các ATM, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ tại mạng lưới các cơ sở chấp nhận thẻ trên cơ sở tiền gửi của khách hàng), thẻ Fast Access (loại thẻ thanh toán nội địa do Techcombank phát hành),
dịch vụ Smartlink (dịch vụ chuyển mạch ATM và POS cho phép khách hàng thực hiện giao dịch hoặc chi tiêu tại các ATM và POS của các ngân hàng thành viên trong liên minh)… Có thể coi đây là những tên riêng của nhãn hiệu trong thương mại vì thế việc sử dụng chính tả nguyên gốc là cần thiết.
Như vậy theo nguyên tắc, giữ nguyên cách viết tiếng Anh hướng đến “quốc tế hóa từ vựng” là một xu hướng nhằm chính xác hóa thuật ngữ. Nó phù hợp khi những từ ngữ này là những từ ngữ chuyên ngành được dùng trong các văn bản chuyên môn. Thế nhưng với những thuật ngữ kinh tế này, đặc biệt những thuật ngữ trong các ngành kinh tế mới nổi ở Việt Nam như tài chính ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh, kinh tế đối ngoại… thì sự chính xác hóa lại chịu sự chi phối bởi khả năng tiếp thu thông tin của đại đa số người sử dụng. Vì thế phương thức sao phỏng từ ngữ từ nguyên ngữ là phương thức được sử dụng khá phổ biến. Nói cách khác giữa phương thức để nguyên dạng của nguyên ngữ với phương thức sao phỏng (phương thức xây dựng từ ngữ dựa trên “nội lực” của tiếng Việt) vẫn có những trường hợp song song tồn tại hoặc sử dụng trong thế cạnh tranh như marketing – tiếp thị, intraday – giao dịch trong ngày, trading – giao dịch, account – tài khoản, apply – yêu cầu chính thức… Cho nên theo chúng tôi,
nếu chúng ta sử dụng những từ ngữ ngành kinh tế theo xu hướng nguyên dạng thì phải làm một cách thận trọng và có định hướng.
Cũng phải nói rằng trong xu hướng này, người dùng ngôn ngữ cũng vay mượn nguyên dạng từ ngữ đã được viết tắt của nước ngoài. Đó là thuật ngữ viết tắt chỉ tên gọi một khái niệm về kinh tế như CAR (Capital Adequacy Ratio) – hệ số an toàn vốn, CPI
(Consumer Price Index) – chỉ số giá tiêu dùng, CSI (Customer Satisfaction Index) – chỉ số mức độ hài lòng của khách hàng, IPO (Initial Public Offering) – phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, PE (Price / Earnings Ratio) – hệ số giữa thị giá một cổ phiếu trên thu nhập của nó, OTC (Over the counter) – cổ phiếu chưa niêm yết, POS (Point of sale) – dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ số Topix (Tokyo Stock Price Index) – chỉ số đo lường giá cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, lệnh ATC
(At the close) – giao dịch tại giá đóng cửa… hoặc tên gọi một tổ chức kinh tế nhờ sự “tắt hóa” những từ ngữ vay mượn riêng lẻ như HNX (Hanoi Stock Exchange – Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội), HOSE (Hochiminh Stock Exchange – Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh), PVN (Petro Vietnam - Tập đoàn dầu khí Việt Nam), EVN
(Vietnam Electrichty - Tập đoàn điện lực Việt Nam), VSA (Vietnam Steel Association - Hiệp hội thép Việt Nam)… Người ta thường lấy những chữ cái đầu tiên trong các từ của khái niệm về kinh tế để thực hiện sự “tắt hóa”. Nó được coi là “thông số kĩ thuật” giúp cách nói và cách viết của người dùng trở nên ngắn gọn hơn. Có điều trong mỗi tên tắt này, mỗi chữ cái đại diện cho một từ có nghĩa cho nên độ chính xác về chữ viết đóng vai trò quan trọng. Hơn nữa việc đọc các từ ngữ tắt này theo âm tiếng Việt hay âm tiếng Anh cũng có những điểm chưa thống nhất. Sự ra đời và việc sử dụng các thuật ngữ viết tắt có tính chuyên ngành hẹp cho thấy cùng với sự phát triển không ngừng của các ngành kinh tế trên thế giới, kinh tế Việt Nam cũng đang dần thích ứng và hội nhập với trạng thái biến động như vũ bão này.