Nghĩa biểu vật

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 40 - 41)

Ý nghĩa biểu vật là “thành phần nghĩa của từ liên quan đến sự vật hoặc phạm vi sự vật trong thế giới mà từ gợi ra khi ta tiếp xúc với nó” [12, 199]. Đây là thành phần nghĩa gọi tên các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan. Thực tế khách quan ấy bao gồm hiện thực thực có được nhận biết bởi các giác quan của con người, chiếm một khoảng không gian nhất định trong hiện thực và hiện thực của tư tưởng, của tinh thần con người mà nói như Đỗ Hữu Châu là “nơi khởi phát các quá trình và nơi gắn vào các thuộc tính” [8, 157]. Về mối liên hệ giữa ý nghĩa biểu vật và sự vật, hiện tượng trong

thế giới khách quan cũng phải được hiểu một cách đúng đắn. Ý nghĩa biểu vật liên quan đến các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan nhưng không phải là chính các sự vật, hiện tượng đó. “Ý nghĩa biểu vật của các từ là các ánh xạ của sự vật, thuộc tính, vận động ngoài ngôn ngữ vào ngôn ngữ, ánh xạ có nghĩa là không hoàn toàn đồng nhất, là có sự cải tạo lại, nói tổng quát là có sự ngôn ngữ hóa, sự cấu trúc hóa” [8, 159]. Bởi sự vật tồn tại trong thế giới ở những dạng khác nhau trong đó dạng cơ bản là vật chất, trong khi đó ý nghĩa biểu vật của từ thuộc về phạm trù tinh thần của ngôn ngữ. Mặt khác sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan chỉ tồn tại ở những dạng thức cá thể, cụ thể trong khi đó nói đến ý nghĩa biểu vật của từ là nói đến phạm trù loại sự vật có tính chất khái quát. Hơn nữa thực tế khách quan ngoài ngôn ngữ là một dải liên tục và về cơ bản là thống nhất giữa các dân tộc nhưng khi đi vào ngôn ngữ lại được chia cắt thành những phần, đoạn không giống nhau. Vì thế ý nghĩa biểu vật của các từ ở các dân tộc khác nhau cũng không hoàn toàn trùng nhau. Có hiện tượng cùng thể hiện một phạm vi sự vật mà ngôn ngữ này có nhiều từ, ngôn ngữ khác lại có ít từ, có ngôn ngữ có từ, có ngôn ngữ lại không có từ, có ngôn ngữ nhấn mạnh vào đặc điểm này, có ngôn ngữ nhấn mạnh vào đặc điểm khác. Tất cả những điều trình bày ở trên một lần nữa khẳng định ý nghĩa biểu vật của từ và sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan là hai phạm trù khác nhau. Ý nghĩa biểu vật thuộc phạm trù ngôn ngữ còn sự vật, hiện tượng thuộc phạm trù thực tế khách quan.

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 40 - 41)