Nghĩa của từ và các thành phần nghĩa của từ

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 38 - 40)

Nghĩa là một phạm trù thuộc phương diện tinh thần. Nó là toàn bộ nội dung thông tin được ngôn ngữ truyền đạt hoặc được đơn vị nào đó của ngôn ngữ thể hiện. Đây là một phạm trù bên trong, phức tạp và khá mơ hồ.

Vận dụng lí thuyết của các nhà ngôn ngữ học thế giới, giới Việt ngữ học cũng đã có những kiến giải về nghĩa. Sơ đồ tam giác nghĩa được đề cập đến đầu tiên ở Việt Nam là trong “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” (1976) của Nguyễn Văn Tu. Viện dẫn tam giác nghĩa của Zveginxev, tác giả chỉ ra rằng “Nghĩa từ vựng của từ được quy định bằng những yếu tố tác động lẫn nhau như: (1) Thuộc tính của đối tượng. (2) Khái niệm về đối tượng. (3) Hệ thống ngôn ngữ giúp cho việc diễn đạt nghĩa [111,105]. Nguyễn Thiện Giáp trong “Từ vựng học tiếng Việt” (1985) cũng đã tổng hợp khá kĩ các quan niệm về nghĩa. Tác giả nhận thấy rằng “những ý kiến cho nghĩa của từ là quan hệ (quan hệ của từ với đối tương hoặc quan hệ của từ với khái niệm – chúng tôi nhấn mạnh) gần gũi với chân lí hơn” “nghĩa của từ là một đối tượng phức tạp, bao gồm một số thành tố đơn giản hơn” như sau “nghĩa sở chỉ”, “nghĩa sở biểu”, “nghĩa sở dụng”, “nghĩa kết cấu” [22,126]. Hoàng Phê, trong tác phẩm Logic – Ngôn ngữ học (1989) quan niệm rằng “Nghĩa của từ cần được nghiên cứu trong mối quan hệ nhiều mặt, không những trong quan hệ với nhận thức và với hiện thực mà còn quan hệ với cấu trúc nội tại, cũng như trong quan hệ hệ thống và quan hệ tổ hợp với những nghĩa từ khác trong ngữ, trong câu, trong lời” [83,10]. Gần đây, Lê Quang Thiêm trong tập bài giảng “Ngữ nghĩa học” đã có những đề nghị về vấn đề nghĩa “nghĩa là một thực thể tinh thần(…) nên quan điểm chức năng phải được xem là nòng cốt trung tâm của kiến giải nghĩa” “nghĩa (từng loại) hay mỗi loại nghĩa thể hiện trong quan hệ với chức năng… song không là chức năng riêng rẽ trong hoạt động mà là một loại chức năng thể hiện qua văn cảnh. Trong phạm vi nghĩa từ vựng là các loại hình chức năng từ vựng ngữ nghĩa, trong phạm vi nghĩa ngữ pháp, ngữ dụng cũng là khái quát loại chức năng ngữ pháp và dụng học” [97,86]

Trong lịch sử nghiên cứu ngữ nghĩa học, từ là đơn vị được phần lớn các nhà nghiên cứu tập trung xem xét về phương diện ý nghĩa cho nên ngữ nghĩa học cũng

đồng nghĩa với ngữ nghĩa học từ vựng (hay ngữ nghĩa học cấu trúc). Nói khác đi nói đến ngữ nghĩa học cũng là nói đến ngữ nghĩa trong phạm vi từ (tất nhiên hiện nay ngữ nghĩa học đã mở rộng hơn sang cấp độ câu, cấp độ văn bản). Dưới đây chúng tôi chỉ tập trung làm rõ vấn đề nghĩa của từ và các thành phần ý nghĩa của từ theo quan điểm của Đỗ Hữu Châu.

Theo Đỗ Hữu Châu trong các công trình ngữ nghĩa học, ý nghĩa của từ là một khối thống nhất nhưng có thể được phân hóa thành nhiều lớp nghĩa khác nhau. Nói khác đi từ một sự kiện “đại – ngữ nghĩa”, người ta đi sâu nghiên cứu vấn đề “vi – ngữ nghĩa” của từ. Trong từ có hai lớp nghĩa lớn là lớp nghĩa cấu trúc hóa (lớp nghĩa ngôn ngữ) và lớp nghĩa liên hội (lớp nghĩa lời nói). Nếu lớp nghĩa cấu trúc có tính chất cố định, bền vững, chung cho mọi thành viên xã hội thì lớp nghĩa liên hội lại là những nghĩa chưa cố định, biến động theo sự biến động của xã hội, tùy thuộc vào cá nhân người sử dụng. Trong lớp nghĩa cấu trúc, thông thường theo quan niệm truyền thống, người ta phân hóa thành hai loại ý nghĩa là ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp. Ý nghĩa từ vựng là ý nghĩa riêng của từng từ, thể hiện mối quan hệ giữa từ với sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan, là ý nghĩa hướng ngoại. Ý nghĩa ngữ pháp là ý nghĩa chung cho nhiều từ cùng loại, thể hiện mối quan hệ giữa từ với từ trong hệ thống ngôn ngữ, là ý nghĩa hướng nội. Ý nghĩa từ vựng của từ đến lượt nó tiếp tục được chia thành ba thành phần ý nghĩa là ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái. Dưới đây là sự phân tích cụ thể về các thành phần ý nghĩa này.

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 38 - 40)