VẬN ĐỘNG TẠO TỪ CỦA TỪ NGỮ KINH TẾ
2.1.1. Vay mượn từ ngôn ngữ Hán (từ mượn Hán)
Có thể khẳng định rằng trong vốn từ tiếng Việt, từ mượn Hán là một bộ phận không thể thiếu được. So với các từ mượn khác, từ mượn Hán đang tồn tại và hoạt động trong hệ thống từ vựng với số lượng lớn nhất: chiếm từ 60 – 70 %, trong đó chủ yếu là những từ Hán Việt. Sự vay mượn này bắt nguồn từ sự tiếp xúc song ngữ Hán – Việt có nguyên do từ các nhân tố lịch sử, xã hội, ngôn ngữ. Đó là những nhân tố bên ngoài ngôn ngữ như vai trò của địa lý, của giao dịch thương mại hay chính trị, quân sự mà rõ nhất là ảnh hưởng của cuộc chiến tranh xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài hàng nghìn năm. Đó cũng là các nhân tố ngôn ngữ, nhân tố trong nội bộ ngôn ngữ như đặc điểm loại hình học (cùng loại hình hay khác loại hình), nhân tố về ngôn ngữ thành văn (có chữ viết hay không có chữ viết, sự giống nhau và khác nhau về loại hình chữ viết).
Vai trò tích cực của ngôn ngữ Hán đã được khẳng định từ lâu trong nghiên cứu tiếng Việt. Hiện nay tình hình cũng diễn ra như vậy khi hàng loạt những từ ngữ mang tải những khái niệm mới về kinh tế xuất hiện. Các thuật ngữ kinh tế mới thông dụng này được tạo bởi các yếu tố gốc Hán phần nhiều được người Việt “Việt hóa” thành lớp từ Hán Việt. Điều này phần nào phản ánh xu hướng vay mượn và mức độ đồng hóa của các yếu tố khi “chuyển” từ hệ thống cấu trúc ngôn ngữ Hán sang hệ thống cấu trúc ngôn ngữ Việt.
Sự vay mượn từ ngôn ngữ Hán bắt đầu từ các thành tố cấu thành nên thuật ngữ. Các thành tố cấu thành từ ngữ kinh tế mới phần nhiều đều là các thành tố Hán – Việt.
Các thành tố Hán – Việt từ lâu đã là những hình vị có nhiều khả năng trong việc tạo ra những đơn vị từ vựng mới. Bởi vì ngoài những phẩm chất riêng đáp ứng được mọi yêu cầu của hình vị là “không thể hoạt động độc lập trong câu”, các thành tố này còn có một vỏ ngữ âm hoàn chỉnh, có ý nghĩa và khái quát. Nhờ tính chất này, các thành tố Hán – Việt trở thành những thành tố giàu tiềm năng trong việc tạo từ.
Theo khảo sát của chúng tôi, những thành tố có tần số xuất hiện ở mức độ cao như: • Siêu: nhập siêu, xuất siêu, siêu lãi suất, siêu lạm phát, siêu trường, siêu trọng…
• Ngân: giải ngân, thu ngân, kiểm ngân, trữ ngân…
• Phiếu: cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, tín phiếu, thương phiếu…
• Đẳng: đẳng sản, đẳng lượng, đẳng phí…
• Áp: áp mã, áp thuế, áp giá…
• Nội: nội khối, nội luật. nội nhu, nội tệ, nội tuyến, nội đồng…
• Tái: tái cấu trúc, tái cơ cấu, tái ách tắc, tái định cư, tái chế biến, tái thiết kế, tái lấn chiếm, tái nhập, tái xuất…
Để tạo nên những từ ngữ kinh tế, những thành tố Hán – Việt có thể kết hợp với nhau theo mô hình Hán Việt + Hán Việt hoặc kết hợp với một thành tố thuần Việt theo mô hình Hán Việt + Việt hoặc Việt + Hán Việt.
Hán Việt + Hán Việt là mô hình khá phổ biến của từ ngữ kinh tế. Bởi bên cạnh tính chất thông dụng của yếu tố Hán Việt nói chung, trong hệ thống từ vựng tiếng Việt nó cũng là một yếu tố cấu tạo phù hợp với phong cách ngôn ngữ văn hóa, giúp biểu thị chính xác những khái niệm của lĩnh vực kinh tế đặc thù. Thí dụ như nhập siêu, xuất siêu, tiếp vận, khấu trừ, hậu mãi, phụ thu, nội tệ, phụ trội, mậu biên…
Việt + Hán Việt hoặc Hán Việt + Việt cũng là những mô hình có tính năng động, thể hiện sự Việt hóa trong việc tạo từ. Trong đó Việt + Hán Việt là mô hình thường thấy hơn cả như bán buôn, bán lẻ, bán ròng, bán tháo, bán tô, bán nợ… bẫy thanh khoản, bẫy thu nhập… gói dịch vụ, gói giải cứu, gói kích cầu, gói giải pháp hỗ trợ… dòng đầu tư, dòng sản phẩm, dòng vốn… Mô hình Hán Việt + Việt xuất hiện không nhiều như sản phẩm sạch, tiền sạch, tăng trưởng nóng, thu nhập ròng…
Từ những thành tố này, người Việt đã sử dụng phương thức ghép với hai kiểu ghép hợp nghĩa và ghép phân nghĩa để tạo từ. Trong hai kiểu này, ghép phân nghĩa là kiểu ghép
cho thấy sự Việt hóa ở mức độ cao bởi phần lớn cách kết hợp yếu tố Hán Việt trong từ ngữ kinh tế đều phỏng theo quan hệ cú pháp tiếng Việt: thành tố chính đứng trước, thành tố phụ đứng sau. Thí dụ những từ ngữ theo các mô hình cụ thể:
- Thị trường + X: thị trường ngoại tệ, thị trường nội tệ, thị trường địa ốc, thị trường giao dịch, thị trường tự do, thị trường liên ngân hàng…
- Giá + X: giá chốt phiên, giá ưu đãi, giá khởi điểm, giá thỏa thuận, giá thị trường…
- Vốn + X: vốn ưu đãi, vốn điều lệ, vốn đối ứng, vốn cam kết, vốn giải ngân, vốn khả dụng…
và hàng loạt những mô hình có số lượng từ ngữ ít hơn như hàng ngoại, hàng nội, khối ngoại, khối nội, tăng trưởng âm, suy thoái kép, giao thông tĩnh…
Như thế có thể thấy rằng những thành tố Hán Việt là những thành tố xuất hiện khá phổ biến trong từ ngữ ngành kinh tế. Tất nhiên cũng phải nói đến những trường hợp từ Hán Việt được tạo ra để sao phỏng và chuyển dịch những khái niệm mới lạ, trừu tượng từ nguyên gốc Ấn Âu. Đây là bộ phận có số lượng từ ngữ tương đối lớn như tài khoản vốn (capital account), thị trường vốn (capital market), cấu trúc vốn (capital structure), thị trường (market), thị phần (market share), vốn rủi ro (risk capital), cổ tức (dividend), thu nhập ròng (net income), tín dụng mở (open account)… Việc chuyển dịch thông qua từ ngữ Hán Việt ở đại bộ phận từ ngữ kinh tế cũng là điều dễ hiểu. Bởi chúng ta biết rằng một số ngành kinh tế mới nổi ở Việt Nam như thương mại, tài chính ngân hàng đều là những ngành kinh tế khá lâu đời ở các nước Âu Mỹ. Trong quá trình phát triển giao lưu, hội nhập kinh tế, những ngành kinh tế ở các nước châu Âu du nhập vào Việt Nam và theo đó du nhập cả một hệ thống những khái niệm mới. Để thích ứng với ngữ cảm của người Việt, những khái niệm này đã được sao phỏng và chuyển dịch thành thuật ngữ Hán Việt. Việc chuyển dịch này vừa giữ được “kết cấu lõi” trừu tượng và khái quát của thuật ngữ nói chung vừa đáp ứng thói quen của người sử dụng ngôn ngữ.
Bên cạnh việc sao phỏng thuật ngữ Âu – Mỹ qua kênh Hán Việt còn có những trường hợp từ mượn Anh – Mỹ và từ Hán Việt được sử dụng song song hoặc sử dụng trong thế cạnh tranh. Thí dụ marketing (the theory and practice of presenting, advertising and selling things) tức là những lý thuyết và kỹ năng trong việc giới thiệu quảng cáo và bán sản phẩm, được sao phỏng dựa trên mặt ý nghĩa để tạo nên một thuật ngữ Hán Việt:
chia phạm vi sử dụng: marketing được dùng trong phạm vi rộng hơn, gắn liền với những đối tượng có hệ thống cao như chương trình marketing, kỹ thuật marketing, khóa học marketing; tiếp thị dùng trong phạm vi hẹp, gắn với công việc có tính cụ thể như công tác tiếp thị, đi tiếp thị. Hay trading ngắn hạn có nghĩa là mua bán, giao dịch ngắn hạn để chỉ những chiến lược kinh doanh trong thị trường chứng khoán hoặc thị trường kì hạn, trong đó thời gian giữa xuất, nhập cảnh là trong phạm vi vài ngày đến vài tuần. Thuật ngữ
trading được sao phỏng là giao dịch. Xuất hiện trong cụm trading ngắn hạn và giao dịch ngắn hạn có thể thấy một tình hình như sau: hai cụm từ này được sử dụng song song và có tính cạnh tranh. Tuy nhiên trading ngắn hạn thường được sử dụng trong những văn bản chuyên môn, báo chí chuyên ngành còn giao dịch ngắn hạn thường xuất hiện trong lời ăn tiếng nói của dân chứng khoán hoặc người sử dụng thông thường. Tình hình sử dụng này cũng tương tự với trường hợp intraday – giao dịch trong ngày. Intraday là một dạng giao dịch mà người giao dịch sẽ thực hiện một vài lệnh trong ngày và các lệnh này sẽ đóng trước khi kết thúc ngày bởi người giao dịch không muốn giữ lệnh qua đêm. Sử dụng nguyên dạng từ mượn từ tiếng Anh – Mỹ chỉ thường xuất hiện trong những văn bản báo chí chuyên ngành như “dao động intraday cho thấy độ hồi nhẹ” (Blog chứng khoán: tiền lớn vào đã đủ để cầm máu – 28/8/2013, thứ 4, economy.vn) còn phần lớn người sử dụng vẫn thường dùng từ Hán Việt sao phỏng là giao dịch trong ngày để dễ dàng trong sử dụng. Cũng vậy, hiện tại trong ngành chứng khoán index là một thuật ngữ được sử dụng thường xuyên. Index (a figure showing the relative level of prices or wages compared with that of a precious date) nghĩa là con số cho thấy sự biến động của giá cả so với ngày hôm trước, được dịch là chỉ số. Hai từ này được dùng song song nhưng cũng có những khác biệt: dùng nguyên dạng index trong những kết hợp như VN – Index, HNX – Index, UPCom – Index còn từ “chỉ số” được dùng rộng hơn trong các kết hợp như chỉ số niềm tin nhà đầu tư, chỉ số Dow Jones, chỉ số giá cả tiêu dùng, chỉ số năng lực cạnh tranh…
Những từ ngữ ngành kinh tế được cấu thành từ các yếu tố Hán Việt có nhiều ưu điểm. Thứ nhất nó đảm bảo tính chặt chẽ về cấu trúc, tính chính xác về khái niệm. Hãy so sánh thuật ngữ cổ đông với cụm từ “người có cổ phần”, cổ tức với “lợi tức của cổ đông”, biên mậu với “hoạt động mậu dịch ở vùng biên”, thoái vốn với “vốn suy giảm”… có thể thấy những thuật ngữ bao giờ cũng có hình thức hoàn chỉnh và xác định hơn so với cụm từ tự do, vì vậy đáp ứng tâm lý người dùng. Thứ hai từ ngữ được tạo ra từ yếu tố Hán Việt luôn tạo nên những hệ thống chặt chẽ với những yếu tố cấu tạo và mô hình cấu tạo nhất định như
kiểm ngân, giải ngân, thu ngân, trữ ngân… tài khoản vốn, tài sản vốn, thị trường vốn, cấu trúc vốn, thuế vốn, giá vốn… cầu ngoại, cầu đầu tư, cầu nhiên liệu, cầu thị trường… Thứ ba yếu tố Hán Việt có thể tạo ra những thuật ngữ biểu thị khái niệm trừu tượng, khái quát cao. Thí dụ “mã” trong mã cổ phiếu, mã chứng khoán, mã niêm yết, mã chủ chốt rồi mã tăng, mã giảm, mã đứng giá… “siêu” trong siêu tốc, (xe) siêu trường, (xe) siêu trọng, siêu lãi suất, siêu khuyến mãi, siêu lợi nhuận… “quỹ” trong quỹ đầu tư, quỹ đầu cơ, quỹ nhà ở, quỹ đất… Tương tự đối sánh tiếp thị / bán hàng; tổng thu nhập / thu nhập gộp; ngân lưu / luồng tiền, dòng tiền; khấu hao/ sụt giảm giá trị… cũng thấy được những ưu thế của các yếu tố Hán Việt này. Điều này giải thích vì sao lượng từ ngữ Hán Việt được sử dụng trong ngành kinh tế một cách trực tiếp cũng như gián tiếp (thông qua thuật ngữ Anh – Mỹ) chiếm số lượng lớn. Với việc sử dụng các yếu tố Hán Việt này, người ta sẽ giảm bớt được công sức trong việc tìm những yếu tố thuần Việt tương đương nhất là trong những trường hợp không tìm được những yếu tố thuần Việt hợp lý thì chọn cách sử dụng yếu tố Hán Việt sẽ “khả dĩ” và có “độ an toàn” cao hơn. Tất nhiên trong việc sử dụng từ ngữ, nếu “ưu tiên” đến mức thái quá thì sẽ gây ra tình trạng lạm dụng những yếu tố Hán Việt.
Hiện nay, trong thời đại toàn cầu hóa, thiết nghĩ chúng ta không nên coi lớp từ vay mượn Hán Việt nói chung, từ vay mượn Hán Việt kinh tế nói riêng là từ ngoại lai mà phải nhìn nhận đây là lớp từ hữu cơ của tiếng Việt có gốc ngoại nhưng đã được Việt hóa nhờ sự sáng tạo của người Việt (Nguyễn Đức Tồn)