Từ ngữ kinh tế

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 53 - 59)

2005 AGRICULTURAL PROD-LIVESTOCK & ANIMAL SPECIALTIES 7009 AGRICULTURAL SERVICES

1.3.2.Từ ngữ kinh tế

Từ vựng là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội một cách rõ rệt nhất. Là một hệ thống mở, từ vựng luôn luôn biến đổi, phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn. Từ vựng phản ánh sự phát triển của kinh tế cũng vì vậy mà không ngừng biến đổi về số lượng cũng như chất lượng.

Theo quan niệm luận án của chúng tôi, từ ngữ kinh tế ở đây được hiểu là hệ thống từ ngữ phản ánh mọi đối tượng, hoạt động, tính chất thuộc về các ngành nghề khác nhau trong lĩnh vực kinh tế. Hệ thống từ ngữ này có thể là những từ ngữ thông thường đang sử dụng trong đời sống, các từ nghề nghiệp, các thuật ngữ khoa học. Nó

được tạo ra từ các phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt cũng như vay mượn từ các tiếng nước ngoài.

Ngoài những từ ngữ thông thường được sử dụng trong các văn bản kinh tế, thuật ngữ khoa học và từ nghề nghiệp là những lớp từ đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ bàn đến từ lâu. Trong các công trình nghiên cứu “Giáo trình Việt ngữ tập 2” (1962), “Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt” (1981) của Đỗ Hữu Châu, “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” (1976) của Nguyễn Văn Tu, “Từ vựng học tiếng Việt” (1985) của Nguyễn Thiện Giáp, các tác giả đã đưa ra những quan niệm chung nhất về thuật ngữ và từ nghề nghiệp cũng như thấy rõ mối quan hệ giữa chúng, đồng thời minh chứng bằng những thí dụ qua các ngành cụ thể. Trên đại thể các tác giả đều cho rằng từ nghề nghiệp là những từ dùng để chỉ những công cụ lao động, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Nó chỉ được dùng trong số những người (nhóm hoặc tập đoàn) cùng làm nghề đó. Cho nên đây là lớp từ vựng hạn chế về mặt xã hội. Ở Việt Nam, từ ngữ nghề nghiệp rất phong phú và đa dạng như lớp từ thuộc nghề nông, nghề dệt, nghề làm trống, nghề làm lược bí, nghề làm nón, nghề hát tuồng… Do gắn với những hoạt động sản xuất hoặc hành nghề cụ thể trực tiếp cho nên từ vựng nghề nghiệp có tính cụ thể, gợi hình ảnh cao. Nó là một “sáng tạo về ngôn ngữ của đại đa số nhân dân lao động”, là “bước tập dượt của toàn bộ những người làm chủ chân chính của một ngôn ngữ để tiến lên xây dựng hệ thống thuật ngữ khoa học cho mình” [5, 254]

Gắn liền với từ nghề nghiệp là thuật ngữ khoa học. Thuật ngữ khoa học là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong từ vựng của ngôn ngữ học hiện đại. Bộ phận này đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ bàn đến từ lâu không chỉ trên phương diện lí thuyết “như một phương tiện ngôn ngữ để điều khiển một cách hợp lí với nhu cầu trao đổi kinh nghiệm trong xã hội loài người” (Kapanadze) mà còn trên thực tế công tác xây dựng hệ thống thuật ngữ của các ngành khoa học khác nhau. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng về bản chất của thuật ngữ với tư cách một đơn vị từ vựng đặc biệt.

Kapanadze trong bài báo “Về khái niệm thuật ngữ và hệ thống thuật ngữ” khi đưa ra vấn đề bản chất của thuật ngữ đã cho rằng “phần lớn các nhà ngôn ngữ học đều nhất trí cho rằng thuật ngữ là một nhóm từ khác xa với những từ khác của ngôn ngữ văn hóa” [40,2]. Thuật ngữ là những từ chuyên môn được quy định những nhiệm vụ đặc biệt, những từ hướng tới tính một nghĩa như là một cái biểu đạt chính xác các khái niệm và gọi tên các sự vật” [40,5]. Tác giả bài báo cũng đồng quan điểm với Viện sĩ Viện Hàn lâm Vinogradov “Thuật ngữ không gọi tên khái niệm như một từ thông thường mà khái niệm được quy vào nó như thể khái niệm bị áp đặt vào thuật ngữ”. “Ý nghĩa của thuật ngữ là định nghĩa khái niệm, là lời định nghĩa được quy vào cho thuật ngữ” [40,6]. Điều này có nghĩa là nếu như ý nghĩa của từ vựng thông thường là ý nghĩa của việc gọi tên khái niệm, là ý nghĩa được mọi người trong xã hội thừa nhận về từ đó thì ý nghĩa của thuật ngữ lại là ý nghĩa được biểu đạt trong định nghĩa. Từ chỗ khác biệt này, tác giả bài báo khẳng định các từ văn hóa nói chung mang ý nghĩa từ vựng, có hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa và được hình thành, thay đổi trong quá trình phát triển lịch sử còn thuật ngữ không có những “gần nhau về nghĩa” và vì thế nó tỏ ra “lãnh đạm” với tính lịch đại, tính biểu cảm và tính tình thái.

Sau này V.M. Leichik trong công trình “Thuật ngữ học: đối tượng, phương pháp, cấu trúc” lại cho rằng cách diễn đạt kiểu như thuật ngữ xác định khái niệm, thuật ngữ biểu đạt khái niệm, thuật ngữ gọi tên khái niệm là không chính xác bởi vì nó không phân biệt khái niệm logic và khái niệm chuyên ngành về khoa học, kĩ thuật, kinh tế… được miêu tả trong lí thuyết về các lĩnh vực đó. Do vậy Leichik đi đến kết luận rằng “thuật ngữ là một phức thể đa tầng gồm tầng nền là ngôn ngữ tự nhiên và tầng thượng thuộc về logic. Tầng thượng (superstratum) ở trên và tầng nền (substratum) ở dưới, bao bọc hạt nhân thuật ngữ ở giữa, gồm cấu trúc hình thức, cấu trúc chức năng và cấu trúc khái niệm chuyên ngành. Ba cấu trúc này lại tương tác với tầng nền ngôn ngữ và tầng thượng logic” (dẫn theo 76,15).

Về vấn đề thuật ngữ, các nhà ngôn ngữ học cũng đã nhấn mạnh một số điểm quan trọng sau đây:

Thứ nhất là tính hệ thống của thuật ngữ. Tính chất này được thể hiện ở sự phụ thuộc chặt chẽ của các đơn vị bên trong hệ thống. Nói khác đi hệ thống thuật ngữ là một hệ thống khép kín và có tính toán, không thể tự động thay đổi các bộ phận bên trong hệ thống này. Trước đó Reformatskij (1959) cũng đã đưa ra lí thuyết về “trường thuật ngữ”. Trường thuật ngữ được hiểu là một hệ thống thuật ngữ của một ngành khoa học, kĩ thuật nhất định trong đó mỗi thuật ngữ có một giá trị cụ thể, phụ thuộc chặt chẽ vào trường thuật ngữ đó. Tính đơn nghĩa của thuật ngữ cũng xuất hiện từ sự phụ thuộc của thuật ngữ vào một trường thuật ngữ cụ thể nào đó.

Thứ hai là sự xuyên thấm, trao đổi lẫn nhau giữa các hệ thống thuật ngữ và ngôn ngữ phổ thông. Điều đó có nghĩa là từ ngôn ngữ văn hóa nói chung, một bộ phận các từ trở thành các thuật ngữ. Ngược lại nhiều thuật ngữ tiếp thu ý nghĩa từ vựng và trở thành từ. Thế nên “tính chất thuật ngữ” hoàn toàn không xa lạ với ngôn ngữ văn hóa nói chung, trong ngôn ngữ văn hóa chung cũng tồn tại những hệ thống tương quan chặt chẽ và khép kín.

Thứ ba về những tính chất của thuật ngữ, Kapandze quan niệm: nội dung thuật ngữ được biểu đạt trong định nghĩa; thuật ngữ phải mang tính hệ thống chặt chẽ, chúng luôn luôn có quan hệ qua lại với các đơn vị của trường thuật ngữ. Đặc biệt tính đơn nghĩa trong giới hạn của hệ thống thuật ngữ cũng là tính chất cần thiết của thuật ngữ. Reformatskij quan niệm “xu hướng tiến tới một nghĩa” là xu hướng thường xuyên của các thuật ngữ. Điều này hợp lí bởi ý nghĩa của thuật ngữ là định nghĩa một cách logic khái niệm nên phẩm chất cảm xúc, biểu cảm là không có trong đó. Khi đã trở thành thuật ngữ, từ bị mất đi tính hình tượng và tiếp thu một mối liên hệ mới (so sánh giữa grass (cỏ) với “sự nhiễu trên màn ảnh rađa”, grayout (mặt màu xám) với “tình trạng rối loạn tạm thời của thị giác do tác động của làm việc quá sức”). Tất nhiên điều kiện cần ở đây là phải xét trong một phạm vi hệ thống của một thuật ngữ nào đó.

Thứ tư là vấn đề cấu trúc hình thức của thuật ngữ. Việc miêu tả cấu trúc hình thức của thuật ngữ (hay phân tích ngôn ngữ học thuật ngữ) được thể hiện ở đặc điểm cấu tạo từ. Đây là “những từ hoặc cụm từ biểu đạt chính xác một khái niệm của một lĩnh vực chuyên môn nào đó” [116,277]

Thuật ngữ Việt Nam đã được một số người nghiên cứu từ rất sớm. Theo các tài liệu mà chúng tôi đọc được thì khoảng đầu thế kỷ XX ở nước ta đã có những bài báo nói

về vấn đề phiên âm tiếng nước ngoài và đặt thuật ngữ mới. Khoảng những năm 1940 – 1942 ở ta đã có những tập sách tập hợp các danh từ khoa học của một số ngành học. Từ đó đến nay, đặc biệt là từ sau cách mạng tháng Tám, khi tiếng Việt đã trở thành thứ ngôn ngữ chính thức và được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì thuật ngữ ngày càng phát triển mạnh. Ai cũng phải thừa nhận rằng trong hệ thống từ vựng tiếng Việt thì bộ phận thuật ngữ chuyên môn phát triển nhanh nhất. Theo tài liệu của Vân Lăng và Như Ý đến năm 1971, chỉ hơn 10 năm ở ta đã xây dựng được hơn 40 tập sách với 90 vạn thuật ngữ của hầu hết các ngành chính [55, 44]. Đến nay, người ta cũng đã tập hợp một hệ thống thuật ngữ trong các ngành nghề như quân sự, xây dựng, y tế, tài chính… góp phần cho thấy sự đa dạng và phong phú về thuật ngữ.

Ngày nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhiều thuật ngữ mới đã ra đời. Đặt thuật ngữ mới theo quy tắc cấu tạo từ tiếng Việt, dùng yếu tố Hán Việt hoặc dịch trực tiếp từ các ngôn ngữ Ấn Âu là ba phương thức xây dựng thuật ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên hiện nay thuật ngữ của nhiều ngành khoa học cũng còn nhiều nhược điểm [22,319]. Vì thế vấn đề xây dựng, chuẩn hóa và thống nhất thuật ngữ là vấn đề cần phải làm. Việc làm này nằm trong khuôn khổ của việc chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đó cũng là công việc của nhiều ngành khoa học, nhiều người làm công tác chuyên môn và tất cả những ai trực tiếp gắn bó với ngành nghề đó. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Bây giờ càng đi sâu vào khoa học và kỹ thuật, chúng ta càng thấy rằng ngôn ngữ khoa học – kỹ thuật là rất quan trọng và phải có cách đối đãi với nó sao cho đúng. Đây là một thứ công cụ cần phải rèn thế nào cho nó đem lại kết quả mong muốn. Rèn nó tốt thì nó đem lại kết quả tốt. Rèn nó không tốt, chúng ta sẽ chịu những điều không tốt đối với sự phát triển của tư duy khoa học, sự phát triển của chính bản thân nền khoa học của nước ta”.

TIỂU KẾT

1. Tìm hiểu vận động tạo từ, tạo nghĩa là tìm hiểu những con đường làm phong phú từ ngữ cho hệ thống từ vựng. Trong đó việc sử dụng các phương thức tạo từ, đặc biệt là phương thức ghép hình vị, sử dụng các thành tố cấu tạo từ, sử dụng cách thức chuyển nghĩa, chuyển trường nghĩa trở nên có ý nghĩa quan trọng.

Tổng kết quan điểm của các nhà nghiên cứu về lí thuyết cấu tạo từ, lí thuyết ngữ nghĩa của từ, lựa chọn quan điểm nghiên cứu của Đỗ Hữu Châu, những vấn đề lí thuyết cấu tạo từ, ngữ nghĩa của từ là cơ sở giúp chúng tôi xem xét và tìm hiểu vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ ngành kinh tế trong các chương sau.

2. Từ ngữ kinh tế có một bộ phận không nhỏ là từ vay mượn từ các ngôn ngữ có tiếp xúc. Với ý nghĩa đó, lí thuyết từ vay mượn giúp chúng tôi đánh giá một cách xác đáng và có một cái nhìn toàn diện về bộ phận từ ngữ kinh tế. Lí thuyêt về thuật ngữ khoa học và từ nghề nghiệp cũng là những lí thuyết quan trọng giúp tác giả luận án có cơ sở để đưa ra những kết luận về từ ngữ ngành kinh tế.

3. Luận án của chúng tôi không tham gia vào việc biện giải và tranh luận những vấn đề lý thuyết về cấu tạo từ, nghĩa của từ và những vấn đề khác như từ vay mượn, thuật ngữ khoa học và từ nghề nghiệp mà chỉ dựa trên những kết luận tương đối thống nhất của các nhà nghiên cứu đi trước và dựa vào cứ liệu thực tế ngôn ngữ hiện nay mà chúng tôi thu thập được để tìm hiểu sự phát triển của lớp từ ngữ kinh tế (ưu tiên những từ ngữ “sống” chưa đi vào hệ thống). Chúng tôi chọn quan điểm của Đỗ Hữu Châu, một quan điểm tương đối rõ ràng và dễ ứng dụng vào thực tế ngôn ngữ để tìm hiểu bộ phận từ ngữ này. Những nhận xét nghiên cứu tập trung ở chương 2 và chương 3 sẽ làm sáng rõ một số điểm mà phần mục đích của đề tài nghiên cứu đã đặt ra.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 53 - 59)