Những từ mới xuất hiện và sử dụng trong ngành kinh tế

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 90 - 101)

VẬN ĐỘNG TẠO TỪ CỦA TỪ NGỮ KINH TẾ

2.2.2.1. Những từ mới xuất hiện và sử dụng trong ngành kinh tế

So với từ ghép hợp nghĩa, những đơn vị từ vựng mới ngành kinh tế thuộc kiểu ghép phân nghĩa có số lượng nhiều hơn. Trong số 867 từ ghép có tới gần 618 từ ghép phân nghĩa, chiếm 71,2%. Điều này cho thấy đây là kiểu ghép có khả năng tạo ra nhiều từ cho vốn từ ngữ ngành kinh tế. Kiểu ghép này cũng có tính năng sản theo thế hệ cao nhất (từ ghép hợp nghĩa không có tính năng sản về thế hệ). Dựa trên sự đồng nhất về ngữ nghĩa và

hình thức cấu tạo của các từ mới, có thể chia từ ghép phân nghĩa ngành kinh tế thành hai loại từ ghép phân nghĩa một chiều và từ ghép phân nghĩa hai chiều.

a) Từ ghép phân nghĩa một chiều

Đây là loại từ ghép phân nghĩa mà trong cấu trúc ngữ nghĩa của nó chỉ có một hình vị chung chỉ loại lớn được phân hóa ý nghĩa. Cụ thể A là hình vị chỉ loại lớn, b là hình vị có tác dụng phân hóa nghĩa cho A. Căn cứ vào tính chất của hình vị thứ hai tức b, Đỗ Hữu Châu đã chia từ ghép phân nghĩa một chiều thành ba nhóm nhỏ: ghép phân nghĩa dị biệt, ghép phân nghĩa đồng đẳng và ghép phân nghĩa sắc thái hóa. Theo thống kê của chúng tôi, từ ngữ ngành kinh tế phần lớn thuộc nhóm từ ghép dị biệt tức là ý nghĩa của b hoàn toàn tách biệt không có sự đồng nhất nào về nghĩa với A. Từ ghép phân nghĩa một chiều là loại từ ghép có tính năng sản theo thế hệ rất lớn và có tính hệ thống rất cao.

Xét từ ghép phân nghĩa một chiều dị biệt trước hết phải xét tới vai trò của yếu tố thứ nhất – yếu tố A chỉ loại. Yếu tố này trong từ ghép phân nghĩa một chiều chủ yếu là các yếu tố độc lập, tự thân có nghĩa. Nó vốn là những yếu tố đi vào phương thức từ hóa hình vị để chuyển từ cấp độ hình vị lên cấp độ từ như giá, vốn, gói, kênh, khối, phí, phiên, quỹ, chuỗi, dòng…

Các yếu tố A này rất đa dạng. A có thể là các hình vị thuần Việt hoặc Hán Việt nhưng đã được Việt hóa khá lâu. Nó là những hình vị mang ý nghĩa thuộc trường nghĩa về kinh tế. Thí dụ giá (giá sàn, giá chốt phiên, giá ưu đãi, giá tham chiếu, giá khởi điểm, giá thanh toán, giá thỏa thuận…), vốn (vốn ưu đãi, vốn điều lệ, vốn tài trợ, vốn kích cầu, vốn giải ngân…), chợ (chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ biên giới, chợ cóc, chợ tạm, chợ người, chợ ảo, chợ điện tử…)… Nhưng phần lớn A là những hình vị thuộc trường nghĩa của vốn từ toàn dân. A trong những trường hợp này được cải biến lại và trao thêm những nét nghĩa về trường nghĩa về kinh tế như gói (gói dịch vụ, gói kích cầu, gói cước, gói sản phẩm, gói phần mềm…), rổ (rổ hàng hóa, rổ tiền tệ, rổ VN – Index…), sàn (sàn giao dịch, sàn vàng, sàn đấu giá, sàn niêm yết, sàn trực tuyến…).

Rõ ràng hình vị “gói” không còn nét nghĩa “bao kín trong một tấm mỏng (giấy, vải, lá…) thành hình khối nhất định, để bảo quản hoặc để tiện mang đi, chở đi” mà chỉ còn

nét nghĩa “trọn vẹn, gọn” gợi lên nhờ liên tưởng mà thôi. Cũng vậy, “rổ” không còn nghĩa “đồ đan thưa bằng tre hay làm bằng nhựa, tròn và sâu lòng, có nhiều lỗ nhỏ, dùng để đựng” mà chỉ mang theo nét nghĩa “tập hợp” được gợi ra từ nét nghĩa “dùng để đựng”. “Sàn” cũng chỉ còn lại nét nghĩa “nơi để thực hiện hoạt động nào đó”. Đặc biệt những yếu tố có nghĩa này được phân hóa nhờ yếu tố b thành những loại nhỏ độc lập để gọi tên những sự vật hoặc những phạm vi sự vật trong kinh tế mang màu sắc chuyên ngành rõ ràng hơn.

Yếu tố A có khi là những từ được cấu tạo lại để tạo ra những đơn vị định danh mới như mua bán ngoại tệ, thu đổi ngoại tệ, chi trả kiều hối, sao kê tài khoản… Dạng cấu tạo này không nhiều nhưng cũng cho thấy tính chất đa dạng của yếu tố A chỉ loại.

Yếu tố A là các yếu tố vay mượn mới du nhập gần đây. Đây là những nguyên liệu cấu tạo mới cho kiểu ghép phân nghĩa một chiều. Phần lớn các yếu tố vay mượn này có nguồn gốc từ ngôn ngữ Anh – Mỹ nhưng được sao phỏng qua con đường Hán Việt. Thí dụ: kênh (kênh vốn, kênh phân phối, kênh đầu tư, kênh mua hàng, kênh thanh toán, kênh giao dịch…), mã (mã cổ phiếu, mã chứng khoán, mã niêm yết, mã chủ chốt…), thị trường (thị trường ngoại tệ, thị trường lao động, thị trường giao dịch, thị trường ngoại hối, thị trường tự do…), cầu (cầu thị trường, cầu vàng, cầu ngoại, cầu nhiên liệu, cầu đầu tư…).

Yếu tố A có khả năng khái quát ý nghĩa rất lớn. Chính khả năng này khiến yếu tố A trở thành loại lớn được phân nghĩa. Điều này có thể được minh chứng thông qua các yếu tố A mà từ trước đến nay ít có khả năng tạo từ. Thí dụ yếu tố “chốt”. Trước đây “chốt” chỉ được sử dụng như một từ đơn nhưng trong từ ngữ của ngành tài chính, chứng khoán, nó đã trở thành một hình vị được phân nghĩa như “chốt lời”, “chốt lãi” (khoản tiền lãi được xác định cuối cùng), “chốt phiên” (giá chứng khoán cuối cùng trong một phiên giao dịch). Trường hợp yếu tố “gọi” cũng vậy. “Gọi” là hoạt động phát tín hiệu để người nghe đáp lại. Trong đời sống đây là yếu tố thường sử dụng độc lập nhưng trong ngành tài chính, thương mại nó thường đi trong những kết hợp “gọi vốn”,

“gọi thầu”, “gọi đầu tư”… Hay yếu tố “dư” thường đi trong kết hợp “dư bán”, “dư mua”, “dư nợ”…

Nếu như yếu tố A có chức năng loại thì yếu tố b có chức năng phân hóa loại lớn thành loại nhỏ. Đây là yếu tố phong phú và phức tạp nhất của từ ghép phân nghĩa một chiều dị biệt. Tìm hiểu nó chúng ta sẽ thấy được những hệ quả bổ ích cho việc nghiên cứu cấu tạo từ, nhất là những từ ngữ trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và các ngành khoa học kĩ thuật nói chung.

Chỉ tính riêng số từ ghép phân nghĩa ở thế hệ thứ nhất thì các yếu tố b đã rất đa dạng. Biểu hiện trước hết là ở hình thức cấu tạo của nó. Dạng cấu tạo của b có khi là những hình vị có nghĩa, độc lập cũng có khi là những từ được “hình vị hóa”. Thí dụ:

nợ công, nợ xấu, nợ đọng… quỹ đầu tư, quỹ đầu cơ, quỹ nhà ở… Một số ít yếu tố b là những hình vị không độc lập, thường xuất hiện trong những kết hợp hạn chế. Thí dụ hình vị ngân với nghĩa “tiền do cơ quan thu vào hay phát ra” ta có kết hợp mới giải ngân, thu ngân, trữ ngân, kiểm ngân… Một số ít yếu tố b là những hình vị ít xuất hiện như ròng với nghĩa “thuần khiết, không xen loại khác” ta có những kết hợp mới: mua ròng, bán ròng, lãi ròng, lợi nhuận ròng, thu nhập ròng…

Một điểm thú vị nữa là bên cạnh những yếu tố b là những hình vị mang ý nghĩa thuộc trường nghĩa về kinh tế cũng có những yếu tố b là những hình vị thuộc trường nghĩa của vốn từ toàn dân được chuyển sang. Do nhu cầu tạo từ ngữ có tính chuyên ngành từ các hình vị đã có, những hình vị này đã bị “hút” về trường nghĩa kinh tế bằng việc cải biến lại ý nghĩa trên cơ sở nét nghĩa ban đầu. Thí dụ giá trần, giá sàn, tăng trần, giảm sàn, lên sàn, chào sàn, chuyển sàn, thông sàn…Yếu tố “trần” trong giá trần, tăng trần chỉ còn mang theo nét nghĩa vị trí “phía trên cùng” còn hoàn toàn loại bỏ nét nghĩa “chỉ mặt phẳng nằm ngang” và nét nghĩa biểu vật thông thường “của gian phòng hay toa xe”. Với nét nghĩa vị trí đó, giá trần là giá tối đa mà tại mức đó người ta cho rằng nhu cầu đủ nhiều để mức giá không tăng (trong chứng khoán nhà đầu tư không được phép đặt lệnh cao hơn mức giá này). Tăng trần là hiện tượng làm cho mức giá cổ phiếu tăng đến mức trần (cao hơn giá hiện tại). Tương tự giá sàn hay giảm sàn

cũng vậy. Mang theo nét nghĩa vị trí “chỗ thấp nhất”, giá sàn là giá tối thiểu mà tại đó người ta cho rằng nhu cầu đủ nhiều để mức giá không giảm (nhà đầu tư không được phép đặt lệnh dưới mức giá này). Giảm sàn là hiện tượng giá giảm đến mức sàn hoặc dưới mức sàn. Yếu tố “sàn” trong các từ lên sàn, chào sàn, chuyển sàn hay thông sàn

lại mang theo nét nghĩa chỉ địa điểm: thực hiện một hoạt động nào đó ở một địa điểm. Với ý nghĩa như vậy, lên sàn có nghĩa là một cổ phiếu nào đó hoặc nhà đầu tư nào đó xuất hiện hoặc tham gia vào việc mua bán trên thị trường chứng khoán; chào sàn có nghĩa là cổ phiếu xuất hiện lần đầu tiên trên sàn giao dịch; chuyển sàn là sự thay đổi về sàn giao dịch theo một tiêu chuẩn quy định; thông sàn là sự liên thông về triển khai giao dịch giữa Sở giao dịch Chứng khoán với các công ty chứng khoán thành viên. Như vậy, các yếu tố b với những đặc trưng khác nhau đã sản sinh ra nhiều từ ghép phân nghĩa mới.

Trong tương quan với yếu tố chỉ loại A, yếu tố b luôn có chức năng loại biệt về nghĩa tức là nhờ yếu tố b mà từ ghép phân nghĩa một chiều dị biệt gọi tên một sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất cụ thể trong thế giới khách quan. Sự loại biệt này theo những chiều hướng và mức độ khác nhau, có loại biệt triệt để ở mức độ cao và có loại loại biệt ở mức độ thấp. Sau đây là một số thí dụ về loại loại biệt ở mức độ cao. Cây công trình là từ không gọi tên một loại cây cụ thể nào mà để gọi tên tất cả các loại cây thường được trồng trong các khu công nghiệp, xây dựng; cũng như vậy hàng điện tử là những sản phẩm được chế tạo theo các phương pháp điện tử học hoặc theo các nguyên lý của điện tử học bao gồm tivi, máy lạnh, máy giặt, lò vi sóng…; hàng xách tay là những sản phẩm được cá nhân mang từ nước ngoài về với số lượng ít (không chịu thuế); máy văn phòng là những loại máy móc thường sử dụng cho văn phòng, công sở như máy tính, máy in, máy fax… Sự loại biệt theo hai chiều hướng trên phản ánh nhận thức của con người trước sự vật hiện tượng trong thế giới. Nhận thức ấy nằm trong hai hướng loại biệt và khái quát của tư duy con người. Sự phát triển của tiếng Việt nói chung và từ vựng tiếng Việt nói riêng phần nào cũng nằm trong quy luật này. Vì thế

chúng ta cũng chẳng lạ khi thấy ngôn ngữ đặt tên riêng cho từng loại đồng thời lại đặt tên chung cho các loại.

Xem xét những yếu tố xuất hiện ở vị trí b và vị trí A có thể thấy, có những yếu tố xuất hiện ở vị trí b nhiều nhưng ở vị trí A lại ít và ngược lại. Điều này nói lên các yếu tố b vừa có khả năng loại biệt ý nghĩa vừa có khả năng khái quát ý nghĩa (tất nhiên sự loại biệt và khái quát không đồng đều nhau). Thí dụ yếu tố b “thầu” xuất hiện tới 7 lần trong các từ gói thầu, mời thầu, gọi thầu. dự thầu, đấu thầu, bao thầu, đóng thầu

nhưng xuất hiện khá ít ở vị trí A như thầu chính, thầu phụ. Cũng vậy, yếu tố b “ròng” chỉ xuất hiện ở vị trí b như mua ròng, bán ròng, lãi ròng, lợi nhuận ròng, doanh thu ròng, thu nhập ròng… chứ hoàn toàn chưa có khả năng trở thành ý nghĩa loại lớn ở vị trí A. Tất nhiên cũng có những yếu tố xuất hiện nhiều ở cả hai vị trí và tạo ra được nhiều từ ngữ mới. Thí dụ “giá” khi đứng ở vị trí b ta có các từ đấu giá, định giá, trượt giá, rớt giá, bỏ giá, trợ giá, áp giá, bão giá, phá giá, khi đứng ở vị trí A, có các từ giá vốn, giá chuyển nhượng, giá trần, giá sàn, giá dịch vụ, giá hỗ trợ, giá thỏa thuận… Sự không đồng đều của các yếu tố tham gia cấu tạo từ ở hai vị trí có thể lý giải được là do thuộc tính bản thể của chúng. Nếu là các hình vị độc lập thì có thể tự do kết hợp theo vị trí và ý nghĩa, ngược lại nếu là các hình vị hạn chế thì thường chỉ xuất hiện ở vị trí b. Theo cơ chế cấu tạo của từ ghép phân nghĩa dị biệt, yếu tố b phân nghĩa mang những đặc trưng của yếu tố A chỉ loại. Yếu tố b loại biệt hóa ý nghĩa cho yếu tố A để tạo ra những từ ghép có quan hệ cùng cấp đối với nhau và dưới cấp so với loại lớn mà yếu tố A biểu thị. Dưới đây chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu đặc trưng ngữ nghĩa của yếu tố b trong quan hệ ngữ nghĩa – ngữ pháp với yếu tố A.

Xét các từ ghép phân nghĩa một chiều dị biệt ở thế hệ thứ nhất trong nhóm ngành tài chính, chúng tôi tạm thời chia thành hai nhóm lớn căn cứ vào ý nghĩa của yếu tố A: nhóm gồm những từ ghép phân nghĩa có ý nghĩa sự vật, hiện tượng và nhóm các từ ghép phân nghĩa có ý nghĩa chỉ hoạt động, quá trình.

Thứ nhất là nhóm từ ghép phân nghĩa có ý nghĩa chỉ sự vật, hiện tượng. Ở nhóm từ này, yếu tố b phân nghĩa cho yếu tố A bởi những đặc trưng sau:

- Loại – chức năng (hay nhiệm vụ) của loại như sàn đấu giá, sàn giao dịch, sàn niêm yết… kênh dẫn vốn, kênh mua hàng, kênh thanh toán, kênh đầu tư, kênh phân phối… phiên điều chỉnh, phiên giao dịch… quỹ bình ổn, quỹ đầu cơ… gói đầu tư, gói kích cầu, gói giải cứu, gói hỗ trợ… vốn lưu động, vốn ủy thác, vốn kích cầu, vốn thu hồi, vốn cam kết, vốn giải ngân, vốn ưu đãi, vốn tài trợ, vốn quy đổi … giá thanh toán, giá thỏa thuận, giá chuyển nhượng…phí vận hành, phí giao dịch, chợ đầu mối, dòng đầu tư…

- Loại – đặc trưng (tính chất) của loại như nợ xấu, nợ khó đòi, nợ đọng…cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông chiến lược, cổ đông nội bộ, cổ đông hiện hữu…chợ dân sinh, chợ ảo, chợ đêm OTC, vốn nhàn rỗi…

- Loại – đối tượng hàng hóa giao dịch, trao đổi như chợ lao động, chợ người… sàn vàng, sàn chứng khoán, sàn bất động sản…thị trường địa ốc, thị trường nội tệ, thị trường ngoại hối… dòng điện thoại, dòng máy tính, dòng thẻ, dòng tiền… gói nội thất, gói phần mềm, gói tín dụng…

Ở nhóm từ ghép phân nghĩa chỉ sự vật, hiện tượng này, chúng tôi thấy nét nghĩa chức năng hay nhiệm vụ của loại do yếu tố b biểu thị được sử dụng nhiều nhất rồi đến nét nghĩa về tính chất và đối tượng tác động. Điều này có thể lý giải bằng nguyên nhân “phi ngôn ngữ” sau đây. Một sự vật, hiện tượng tồn tại trong thực tế khách quan vốn có nhiều thuộc tính. Thuộc tính nào được bộc lộ để gọi tên sự vật là tùy thuộc vào người sử dụng nó. Cho nên có trường hợp một sự vật, hiện tượng lại có nhiều tên gọi khác nhau. Tuy thế trong số những tên gọi khác nhau đó vẫn có những tên gọi mà được nhiều người ưa dùng. Những tên gọi đó là kết quả nhận thức những “thuộc tính có giá trị về mặt cấu trúc ngôn ngữ” (Đỗ Hữu Châu) của sự vật ở người sử dụng. Vì thế đối với người sử dụng thì nhận thức trước tiên là chức năng của đối tượng sau đó mới đến những đặc điểm cụ thể của đối tượng đó.

Nhóm thứ hai là nhóm các từ ghép phân nghĩa có ý nghĩa hoạt động hoặc quá trình. Ở nhóm này, yếu tố b phân nghĩa cho yếu tố A theo những đặc trưng sau:

- Loại – cách thức hoạt động của loại như bán ròng, bán phá giá, bán phát mại, bán cắt lỗ, bán buôn, bán lẻ… mua vét, mua ròng, thu nhập ròng, cầu gộp, cầu dự bị…

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 90 - 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w