Vận động vay mượn từ của các ngôn ngữ tiếp xúc với tiếng Việt

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 33 - 38)

Vay mượn từ vựng là hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ. Nó phản ánh sự giao lưu tiếp xúc văn hóa giữa những người nói ngôn ngữ này với những người nói

ngôn ngữ khác. Đồng thời đây cũng là một trong những phương thức quan trọng để bổ sung nguồn từ ngữ mới phản ánh những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới mà hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ chưa có hoặc có nhưng chưa có từ biểu thị. Nằm trong dòng chảy chung đó, trong tiếng Việt, bên cạnh việc tạo ra các từ mới bằng các phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt, người ta cũng sử dụng triệt để sự vay mượn từ các ngôn ngữ có tiếp xúc. Những đơn vị từ vựng của ngôn ngữ nước ngoài mang vào sử dụng trong hệ thống từ vựng tiếng Việt được gọi là từ vay mượn (từ mượn, từ ngoại lai). Hiện tượng từ vay mượn đã được các nhà Việt ngữ học nghiên cứu và tìm hiểu trong các công trình về Từ vựng học như Đỗ Hữu Châu với “Giáo trình Việt ngữ tập 2” (1962), “Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt” (1981); Nguyễn Văn Tu với “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” (1976), Nguyễn Thiện Giáp với “Từ vựng học tiếng Việt” (1985)… và gần đây nhất là công trình chuyên sâu “Từ ngoại lai trong tiếng Việt” (2007) của Nguyễn Văn Khang.

Xét về nguồn gốc, có thể thấy các từ ngữ gốc ngoại trong tiếng Việt về cơ bản có thể tách ra thành hai nguồn chính (1) Những từ ngữ vay mượn có nguồn gốc từ tiếng Hán (từ mượn Hán) (2) Những từ ngữ vay mượn có nguồn gốc từ Ấn Âu. Tuy nhiên như Nguyễn Văn Khang có nhấn mạnh “nguồn gốc” ở đây chỉ nên hiểu một cách tương đối tức là “tạm chỉ” những từ ngữ được mượn trực tiếp từ một ngôn ngữ cụ thể bởi trong thực tế có một số từ vay mượn nếu truy nguyên về nguồn gốc thì lại là cả một vấn đề phức tạp và còn có nhiều tranh cãi.

Sự vay mượn từ tiếng Hán và các thứ tiếng Ấn Âu này là hệ quả của sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngôn ngữ có nguyên nhân từ tiếp xúc ngôn ngữ, mà rộng hơn là sự tiếp xúc văn hóa, lịch sử do các nhân tố xã hội – ngôn ngữ thúc đẩy, từ đó mới hình thành các cách mượn khác nhau.

Trước hết là từ ngữ vay mượn từ tiếng Hán. Tiếng Việt đã có sự tiếp xúc lâu dài về mặt lịch sử với tiếng Hán. Hàng nghìn năm trước đây nước ta đã bị các thế lực phong kiến phương Bắc đô hộ cũng như trong hàng trăm năm, các triều đại phong kiến Việt Nam đã lấy tiếng Hán và văn tự Hán làm ngôn ngữ chính thống. Điều đó giải

thích vì sao trong tiếng Việt số lượng đơn vị từ vựng mượn từ tiếng Hán nhiều hơn cả, chiếm tới 65%. Hơn nữa, xuất phát từ loại hình học ngôn ngữ, có thể thấy tiếng Việt và tiếng Hán tuy khác nhau về cội nguồn nhưng lại gần gũi về loại hình. Đó đều là những thứ ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, âm tiết tính. Thêm vào đó, trong quá trình vay mượn ông cha ta đã sáng tạo ra cách đọc Hán Việt, một cách đọc làm giảm đi tính ngoại lai, tăng cường tính dân tộc. Vì thế việc chuyển dịch và mô phỏng về âm và chữ của tiếng Hán khá thuận lợi thúc đẩy việc hòa nhập nhanh chóng vào tiếng Việt. Để vay mượn từ ngôn ngữ Hán, có một số phương hướng và biện pháp sau được thực hiện:

- Vay mượn trọn vẹn, giữ nguyên kết cấu ý nghĩa. Những từ được tiếp nhận theo kiểu này chiếm một tỷ lệ rất lớn trong từ vựng tiếng Việt. Nó thuộc đủ mọi lĩnh vực hoạt động như chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, luật pháp…

- Rút gọn kết cấu, chỉ giữ lại một vài yếu tố.

- Đổi yếu tố hoặc đảo vị trí các yếu tố cho phù hợp với quy tắc nói năng của người Việt.

- Thu hẹp ý nghĩa của từ nhiều nghĩa, đổi nghĩa hoặc mở rộng nghĩa, thêm ý nghĩa cho riêng với người Việt.

- Chuyển đổi màu sắc tu từ (có ý nghĩa đánh giá biểu cảm) - Dùng từ Hán (đơn tiết) tạo ra từ mới riêng của tiếng Việt

- Dùng yếu tố Hán đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với yếu tố Việt để tạo ra các từ mới của tiếng Việt

- Dịch, suy phỏng về nghĩa [22, 187]

Đồng thời với quá trình chuyển dịch Hán Việt là quá trình Việt hóa các yếu tố Hán Việt làm cho các từ vay mượn mang màu sắc bản địa, giảm đi màu sắc ngoại lai. Đây là quá trình diễn ra lâu dài và được nhà nước ta coi là một chính sách ngôn ngữ, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người đã nêu một tấm gương sáng về việc dùng từ, vay mượn từ ngữ Hán. Ngày nay việc mượn các từ ngữ Hán vẫn tiếp tục diễn

ra nhưng với một tinh thần mới, ý thức mới, vì thế nó được chính xác hóa, khoa học hóa mang tính chuyên ngành và tính thuật ngữ.

Nguồn vay mượn thứ hai là từ các ngôn ngữ Ấn Âu mà chủ yếu là tiếng Pháp (trước đây) và tiếng Anh (hiện nay). Sự vay mượn từ tiếng Pháp (từ mượn Pháp) gắn với đợt tiếp xúc văn hóa thứ hai trong lịch sử dân tộc là tiếp xúc văn hóa Việt – Pháp. Hơn tám mươi năm đô hộ của thực dân Pháp, cùng với sự ảnh hưởng của văn minh, văn hóa phương Tây – văn hóa Pháp, tiếng Pháp đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tiếng Việt. Đặc biệt tiếng Pháp còn là phương tiện giảng dạy và thi cử ở trường học, là công cụ của viên chức, công chức nước ta dưới thời thuộc Pháp. Điều này đã để lại trong tiếng Việt một số lượng lớn các từ ngữ mượn Pháp mang tải những khái niệm mới về khoa học kỹ thuật và văn hóa văn minh phương Tây. Tất nhiên sự hòa nhập vào tiếng Việt của từ mượn Pháp không thuận lợi như từ mượn Hán mà phải trải qua một quá trình “đồng hóa” phức tạp do có sự khác nhau về loại hình học giữa hai ngôn ngữ. Đối với từ mượn Pháp, thông thường trong quá trình vay mượn chúng ta nhận thấy có hai cách chuyển dịch. Đó là sự chuyển dịch theo âm và chuyển dịch theo ý nghĩa.

- Chuyển dịch theo âm là sự chuyển dịch giữ nguyên cách phát âm của ngôn ngữ tiếp xúc còn chữ viết thì được “âm tiết hóa” như thêm thanh điệu: cà rốt (carotte), phét – ti – van (festival), xắc – cốt/ xà – cột (sacoche), xốt – vang (sauce au vin), áp – phe (affaire)…bỏ bớt phụ âm kép: lốc (bloc), lát xê (glacé); bỏ các âm câm: kem (crème)…; thay đổi âm: bate (paté), van (valse), vô – lăng (volant), xà lan (chaland), cop –pi (copier)…[22, 290]

- Chuyển dịch theo ý nghĩa là sự chuyển dịch dùng hình vị thuần Việt để dịch nghĩa của từ gốc Pháp như đường sắt (chemin de fer)… nhưng thường thì dùng thông qua những từ Hán Việt như triết lí, triết học (philosophie), văn hóa (culture), cộng hòa (republique)… Cũng có một số từ mới vào tiếng Việt được Việt hóa theo mô hình cấu tạo từ đã có của tiếng Việt như radio → máy thu thanh (máy + X), fri-gi-de → tủ lạnh (tủ + X), television → máy thu hình (máy + X)…

Tiếp theo các từ mượn tiếng Pháp là sự xuất hiện của các từ tiếng Anh trong tiếng Việt. Sự xuất hiện này bắt nguồn từ đợt tiếp xúc thứ ba là tiếp xúc văn hóa Việt – phương Tây trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Với xu hướng giao lưu quốc tế “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, công cuộc đổi mới đất nước với sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi, phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, hàng loạt từ ngữ tiếng Anh mang những khái niệm mới ồ ạt tràn vào tiếng Việt. Vì thế, ngày nay việc biết và sử dụng tiếng Anh là điều kiện để người Việt có thể nắm bắt được mọi vấn đề xuất hiện trong đời sống như cách dùng các thiết bị sản phẩm, sử dụng máy tính, mạng internet, xem chương trình quảng cáo, thể thao, ca nhạc bằng tiếng Anh và đặc biệt là những khái niệm mới trong lĩnh vực kinh tế. Các từ tiếng Anh xuất hiện trong tiếng Việt dưới các hình thức sau đây

- Dùng nguyên dạng cách viết tiếng Anh. Thí dụ những từ ngữ dùng nguyên dạng đã quen với đại đa số người Việt như chat, computer, dollar, download, e-mail, fairplay… hay dùng nguyên dạng nhưng chỉ được người Việt nhận biết theo lối bắt chước, theo cách nói như côc –tai (cocktail), đai – rếch (direct), đi-dai (design), hat – trich (hat – trick), hét – phôn (headphone)…

- Một số từ được sử dụng theo cách phỏng âm và viết bằng chính tả tiếng Việt như cao bồi (cowboy), sô (show), anbum (album), công – te – nơ (container)…

- Một số từ được dịch ra tiếng Việt tức là cái “hình thái bên trong” là của từ Anh còn vỏ ngữ âm là từ Việt như cổ điển (classic; nhạc), chuột (mouse; máy tính), thị trường hối đoái (exchange market), giá trần (ceiling price)…

Trong các hình thức này, hiện nay hình thức thiên về việc sử dụng nguyên dạng tiếng Anh có xu hướng tăng mạnh. Bởi người ta cho rằng điều này sẽ tạo ra sự quốc tế hóa từ vựng và nhất quán trong cách dùng. Đó cũng là lý do làm cho khái niệm “Việt hóa” – một khái niệm được nhắc đến mỗi khi xem xét một từ nước ngoài đã là từ mượn hay chưa trở nên không đơn giản.

Trong lĩnh vực kinh tế, những từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Anh có vai trò quan trọng, nó mang theo những khái niệm mới về kinh tế thị trường, về sự giao lưu giữa

các quốc gia, có tư cách là những thuật ngữ. Tất nhiên phần lớn các từ kinh tế gốc Anh này đều thông qua từ Hán – Việt để đi vào cuộc sống của các tầng lớp xã hội . Như vậy, có thể thấy vay mượn từ ngữ vừa là một hiện tượng tất nhiên, không tránh khỏi vừa là biện pháp tích cực làm phong phú thêm tiếng nói của dân tộc. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ thì người sử dụng ngôn ngữ cần phải giải quyết được mâu thuẫn giữa tiếng nói của dân tộc với các từ nước ngoài ồ ạt tràn vào để hướng tới công cuộc vừa giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt vừa cập nhật với xu hướng phát triển mang tính toàn cầu. Về vấn đề này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm của mình trong tác phẩm “Chống thói ba hoa”, đó là phải “dựa vào bản thân tiếng Việt” để phát triển là chính “vay mượn là phụ”, phải mượn “có chừng mực”, “… chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”.

1.2. VẬN ĐỘNG TẠO NGHĨA CỦA TỪ

Ý nghĩa của từ là thành phần “cốt tủy” làm nên diện mạo của từ. Cho nên xét đến cùng, quá trình tạo từ chính là tạo nghĩa. Vận động tạo nghĩa của từ ngữ là quá trình sản sinh nghĩa mới của từ trong lòng hệ thống đồng thời cũng là quá trình xem xét sự thay đổi, phát triển về nghĩa của từ qua thời gian. Như thế sự vận động ở đây cũng được nhìn nhận trên hai hướng: hướng nghiên cứu đồng đại và hướng nghiên cứu lịch đại.

Trong khuôn khổ của luận án này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc xem xét quá trình vận động tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế theo cách nhìn đồng đại tức là xem xét cách thức tạo ra nghĩa mới của từ ngữ kinh tế - nghĩa có tính chất thuật ngữ, từ đó khái quát về một xu hướng tạo từ ngữ kinh tế mới hiện nay.

Tuy nhiên, để có một cái nhìn toàn diện và chính xác hóa về vận động tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế, chúng ta cần nhìn nhận lại những vấn đề cơ bản về nghĩa.

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w