Ẩn dụ chức năng

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 119 - 122)

VẬN ĐỘNG TẠO NGHĨA CỦA TỪ NGỮ KINH TẾ

3.1.1.5. Ẩn dụ chức năng

Ẩn dụ chức năng là kiểu ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về chức năng giữa các sự vật, hiện tượng. Nét nghĩa này thể hiện tính mục đích hay giá trị của các sự vật, hiện tượng trong kinh tế.

Đòn bẩy d 1. Thanh rắn chuyển động được quanh một điểm cố định (gọi là điểm tựa) nhờ đó có thể dùng một lực nhỏ cân bằng một lực lớn. Nguyên tắc đòn bẩy. 2. Đòn dùng để bẩy theo nguyên tắc đòn bẩy, thường dùng để ví cái có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ một hoạt động nào đó. Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn – đòn bẩy tăng thuế doanh thu của Abe (9/9/2013 tin 60s.vn. 3. Sự gia tăng rất nhỏ về sản lượng (hoặc doanh thu) có thể đạt được một sự gia tăng rất lớn

về lợi nhuận. Đòn bẩy tài chính, Đòn bẩy kinh doanh. Đòn bẩy kinh tế.

Nghĩa 2 được hình thành trên cơ sở nghĩa 1 với sự tương đồng về nét nghĩa chức năng “có tác dụng thúc đẩy theo nguyên lí sử dụng một lực nhỏ có thể di chuyển một vật lớn”. Nghĩa 3 về cơ bản cũng bắt nguồn từ nghĩa 2 nhưng định hình một cách rõ ràng hơn trong quản lí tài chính. Một hệ thống đòn bẩy thường được các doanh nghiệp sử dụng là đòn bẩy kinh doanh (sự kết hợp giữa chi phí bất biến (định phí) và chi phí khả biến (biến phí) trong việc điều hành doanh nghiệp, là công cụ được các nhà quản lí sử dụng để gia tăng lợi nhuận); đòn bẩy tài chính (mối quan hệ tỉ lệ giữa vốn mắc nợ và tổng số vốn hiện có, còn gọi là hệ số nợ, cụ thể là nhà đầu tư quyết định đầu tư bằng nợ vay với niềm tin tỉ suất sinh lợi trên tài sản cao hơn lãi suất vay nợ); đòn bẩy tổng hợp (phản ánh mối quan hệ giữa chi phí bất biến và chi phí khả biến)…

Hàng rào d 1. Dãy tre, nứa hoặc cây trồng… bao quanh một khu vực để che chở, bảo vệ.

Hàng rào râm bụt quanh nhà. Hàng rào dây thép gai. 2. Những quy định và tiêu chuẩn được áp dụng để hạn chế hoạt động có tính chất thông thương. Khi mở cửa hội nhập, bên cạnh hàng rào biên giới mà các nước nội khối cam kết, thỏa thuận, nhất là trong thương mại hàng hóa, ASEAN cần xóa bỏ các hàng rào bên trong biên giới ngăn cản hoạt động đầu tư thương mại – Việt Nam cầu nối tốt. Tr20. Công Thương Số 24 (208) 25/3/2010.

Nghĩa 2 của từ hàng rào bắt nguồn từ nét nghĩa về chức năng “che chở, bảo vệ” trong cấu trúc nghĩa ban đầu của từ. Từ đó trong kinh tế xuất hiện hàng loạt các hình thức “hàng rào”: hàng rào gia nhập (các yếu tố cản trở những người mới gia nhập thị trường, làm cho chi phí cung ứng của họ cao hơn các doanh nghiệp đã đứng vững trong ngành), hàng rào thương mại (những biện pháp để hạn chế lượng hàng nhập khẩu vào một nước như sử dụng thuế quan, hạn ngạch, thuế nhập khẩu tạm thu, hiệp định hạn chế xuất khẩu, kiểm soát hối đoái và các thủ tục hành chính), hàng rào kĩ thuật (những tiêu chuẩn, quy định kĩ thuật trong các hoạt động thương mại quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng về sự an toàn trong sử dụng cũng như tiêu thụ sản phẩm thông qua chất lượng sản phẩm tiêu dùng được đảm bảo).

Bẫy I.d. 1. Dụng cụ thô sơ để lừa bắt, giết loài vật hoặc kẻ địch. Chim sa vào bẫy. Gài bẫy. Bẫy chông. 2. Cái bố trí sẵn để lừa cho người ta mắc vào. Tên cướp bị sa bẫy. 3. Sự khó khăn về một phương diện nào đó trong kinh tế. VN – Index tăng hơn 4

điểm khi mở cửa sau đó chựng lại vào khoảng giữa phiên do tâm lí sợ bẫy giá khiến chỉ số này có lúc lại bị nhuốm đỏ. (Chứng khoán ngày 18/3/2010 NNVN số 56 – 19/3/2010)

Nghĩa chuyển của từ “bẫy” trong kinh tế bắt nguồn từ nghĩa thứ hai “cái bố trí sẵn để lừa cho người ta mắc vào” và lấy nét nghĩa “bị mắc vào” tức là gặp khó khăn, làm cơ sở cho sự chuyển đổi. Thí dụ: bẫy thanh khoản là tình huống trong đó lãi suất giảm xuống mức quá thấp làm cho mọi người thích giữ tiền hoặc tài sản dễ thanh toán (không sinh lợi) hơn giữ trái phiếu hay các tài sản sinh lợi khác. Như thế trong trường hợp này vì lãi suất không giảm, nhu cầu đầu tư, sản lượng, việc làm không tăng nên chính sách tiền tệ không có hiệu quả thậm chí bất lực. Hoặc bẫy thu nhập trung bình là tình hình trong đó một nước đạt được mức thu nhập trung bình nhờ tài nguyên thiên nhiên, viện trợ phát triển chính thức, đầu tư nước ngoài và các lợi thế ban đầu khác nhưng sau đó không vượt qua được mức này.

Rổ d.1. Đồ đan thưa bằng tre hay làm bằng nhựa, tròn và sâu lòng, có nhiều lỗ nhỏ, dùng để đựng. Rổ rau. 2. Vòng sắt tròn có mắc lưới, gắn vào mặt bảng, dùng làm đích để ném bóng vào trong môn thể thao gọi là bóng rổ. Ném bóng vào rổ. 3. Sự tập hợp các loại tiền tệ, sản phẩm trên thị trường như rổ VN – Index (nơi tập trung các loại cổ phiếu trên thị trường), rổ tiền tệ (nơi tập trung các đồng tiền mạnh của những quốc gia có tiềm lực kinh tế, tài chính như USD, Bảng Anh, Euro, Yên Nhật…), rổ hàng hóa (nơi tập trung các loại mặt hàng sản phẩm)

Nghĩa mới đặc trưng trong kinh tế của “rổ” được tạo ra từ liên tưởng tương đồng về chức năng: dùng để đựng trong cấu trúc biểu niệm ban đầu.

Tương tự, các trường hợp khác như chợ (chợ điện tử, chợ trên mạng…), hành lang (hành lang pháp lý), rào cản (rào cản kĩ thuật), kênh (kênh bán hàng, kênh dẫn vốn, kênh đầu tư, kênh giao dịch, kênh phân phối, kênh thanh toán, kênh tiền gửi…) … cũng có sự tương đồng với nghĩa gốc trên cơ sở nét nghĩa chức năng.

Tuy nhiên không phải hiện tượng chuyển nghĩa nào cũng chỉ dựa trên cơ sở một nét nghĩa đơn thuần, hoặc về hình thức hoặc về cách thức hoặc về tính chất hoặc về kết quả hoặc về chức năng. Nhiều hiện tượng chuyển nghĩa do một vài nét tác động cùng một lúc. Thí dụ sàn giao dịch là nơi để nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua hay bán chứng khoán. Nghĩa của “sàn giao dịch” vốn bắt nguồn từ “sàn” trong “sàn nhà” tức là

“mặt bằng có láng xi măng hoặc lát gạch, gỗ… để làm mặt nền của một tầng nhà”. Nét nghĩa tương đồng ở đây là nét nghĩa về đặc điểm (có mặt phẳng) và chức năng (dùng làm việc gì đó). Cũng vậy, hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại vốn bắt nguồn từ hàng rào (tập hợp tre, nứa hoặc cây trồng… bao quanh một khu vực để che chở bảo vệ). Nét nghĩa cơ sở ở đây là nét nghĩa hình thức: tạo sự ngăn cách đồng thời là nét nghĩa chức năng: che chở, bảo vệ. Hay lốc nợ (khoản nợ tăng cao và mạnh), lốc tài chính (giá cả biến động theo chiều hướng tăng nhanh) cũng vậy. Nghĩa của những từ ngữ này vốn bắt nguồn từ nghĩa gốc của “lốc” trong “gió lốc, cơn lốc” tức là “gió xoáy mạnh trong phạm vi nhỏ (thường là bất lợi) xảy ra và kéo dài trong thời gian không lâu”. Sự tương đồng về nghĩa ở đây là nét nghĩa đặc điểm (cường độ mạnh) và kết quả (gây ra những ảnh hưởng xấu).

Như vậy có thể thấy hiện tượng chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ trong từ ngữ ngành kinh tế khá đa dạng và phong phú. Hai kiểu ẩn dụ có số lượng từ ngữ nhiều nhất là ẩn dụ hình thức và ẩn dụ cách thức, ít hơn là ẩn dụ tính chất, ẩn dụ kết quả và ẩn dụ chức năng.

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 119 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w