Các thành tố cấu tạo trong từ ghép hợp nghĩa

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 88 - 90)

VẬN ĐỘNG TẠO TỪ CỦA TỪ NGỮ KINH TẾ

2.2.1.3. Các thành tố cấu tạo trong từ ghép hợp nghĩa

Có thể thấy sự phong phú, đa dạng và tăng trưởng nhanh chóng của số lượng từ ghép hợp nghĩa trong ngành kinh tế là do tính “năng động” và thích ứng của phương thức cấu tạo từ. Song điều quan trọng là phải có các thành tố cấu tạo (các hình vị) thích hợp với mô hình. Để tạo ra các thành tố (hình vị) cấu tạo mới, tiếng Việt tạo ra bằng cách biến đổi ngữ nghĩa bản thân các hình vị đã có, cụ thể là làm thay đổi ý nghĩa biểu vật, thường là mở rộng phạm vi biểu vật, tạo ra ý nghĩa loại. Nhờ tạo ra ý nghĩa loại mới mà các thành tố này có thể dễ dàng kết hợp với các thành tố khác để tạo ra nhiều từ ghép hợp nghĩa mới. Theo thống kê của chúng tôi, sự lặp đi lặp lại các thành tố cấu tạo trong nhiều từ mới chiếm gần 50 %. Điều này cho ta kết luận khả năng tham gia vào các mô hình cấu tạo từ ghép hợp nghĩa của các thành tố cấu tạo từ là rất lớn. Có thể dẫn ra đây một số thành tố cấu tạo có khả năng tạo ra nhiều từ mới. Ở vị trí thứ nhất như tồn (tồn chứa, tồn dư, tồn lưu, tồn trữ...); mua (mua giao, mua trữ, mua

gom…); truy (truy thu, truy nhập, truy vấn...); bóc (bóc tách, bóc xóa, bóc gỡ, bóc dỡ…); bơm (bơm tưới, bơm rửa…); ươm (ươm dưỡng, ươm tạo…); rà (rà quét, rà dò…)… Ở vị trí thứ hai như lấp (bồi lấp, san lấp, chôn lấp…); nối (đấu nối, khớp nối, ráp nối…); dỡ (phá dỡ, xếp dỡ…); giữ (găm giữ, kìm giữ)… Có những thành tố nằm ở cả hai vị trí như bắt (đe bắt, rập bắt, bắt diệt…); chiết (sang chiết, chiết nạp, chiết suất…); sụt (trồi sụt, sụt trượt, lún sụt, sụt giảm…). Chúng tôi cho rằng đây là những thành tố có “tính tiềm năng” tức là có năng lực sản sinh ra các từ mới, năng lực tạo từ và xét đến cùng khi đánh giá giá trị của một thành tố cấu tạo (hình vị) cũng là đánh giá ở năng lực này.

Bên cạnh những thành tố cấu tạo độc lập đã dẫn ở trên, ta còn thấy những thành tố ít dùng độc lập nhưng nhờ sự thay đổi về ý nghĩa biểu vật lại xuất hiện trong nhiều từ mới như đấu (đấu nối, đấu trộn), kê (kê khai, sao kê), ứng (cung ứng, dự ứng)… Số lượng những thành tố này rất ít chủ yếu là những thành tố Hán Việt. Trong từ ghép hợp nghĩa mới, ý nghĩa của nó đã mờ đi để san sẻ lượng nghĩa cho thành tố còn lại. Như vậy để tạo ra những từ ghép hợp nghĩa mới thì những thành tố cấu tạo (độc lập và không độc lập) phải có sự mở rộng về ý nghĩa biểu vật nhưng cũng có những thành tố ý nghĩa bị thu hẹp làm cho khi ghép với các thành tố khác, ý nghĩa mới của cả từ trở nên cụ thể. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chính xác hóa, khoa học hóa, chuyên môn hóa của những từ ngữ ngành kinh tế. Ngành nông nghiệp có một hệ thống từ đặc trưng như gieo trỉa, ấp nở, ương nuôi, phun xịt, nhổ vùi, thả nuôi, phơi sấy, úm gột… Ngành tài chính ngân hàng cũng có một hệ thống từ xác định như thu đổi, chi trả, sao kê, kê khai, chuyển nhượng, mua giao, rách rời, găm giữ…

Trong quá trình cấu tạo từ ghép hợp nghĩa cũng có rất nhiều từ ghép hợp nghĩa được “hình vị hóa” để trở thành đơn vị cấu tạo mới tiếp tục tham gia vào các kiểu cấu tạo và tạo ra các đơn vị từ ngữ mới làm cho vốn từ ngữ ngành kinh tế thêm phong phú và diện mạo từ vựng tiếng Việt ngày càng đa dạng hơn. Khi được “hình vị hóa” như vậy, các từ ghép hợp nghĩa lại trải qua một quá trình chuyển đổi ý nghĩa: từ ý nghĩa loại, ý nghĩa khái quát trở thành ý nghĩa cụ thể gắn với phạm vi biểu vật cụ thể. Các

đơn vị này có thể đứng ở vị trí thứ nhất trong từ như sang chiết gas, sao kê tài khoản, chi trả kiều hối, thu đổi ngoại tệ, lưu ký chứng khoán, bình ổn tỷ giá, cắt giảm lãi suất… hoặc ở vị trí thứ hai như đường mậu biên, nút giao cắt, giá chuyển nhượng

Như vậy, cùng với sự “năng động” của phương thức tạo từ, việc tạo ra các thành tố cấu tạo mới bằng sự biến đổi ý nghĩa của bản thân các thành tố cấu tạo đó đã làm cho từ ghép hợp nghĩa ngành kinh tế ngày càng phát triển, đáp ứng những yêu cầu mới của con người trong một xã hội đang đổi mới và phát triển.

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w