Trường nghĩa bắt đầu được nghiên cứu từ thế kỷ XIX với giả thuyết sơ khai về mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ “từ và ý nghĩa của chúng không tồn tại tách rời
nhau mà liên kết với nhau trong tư tưởng chúng ta và độc lập với ý thức chúng ta thành những nhóm nhất định” (M.M Pokrovxkij 8, 273); “có những hệ thống nhất định những ý nghĩa phụ thuộc lẫn nhau và vị trí ngữ nghĩa của từng yếu tố chỉ có thể được hiểu rõ nhờ vào cấu trúc của từng hệ thống đó” (Osthoff 8, 274). Nhưng phải đến những thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX, trường nghĩa mới được một số nhà ngôn ngữ học Đức và Thụy Sĩ nghiên cứu cụ thể và trở thành một vấn đề lý thuyết trong ngôn ngữ học. Người có công rất lớn trong việc thúc đẩy sự hình thành lý thuyết về các trường là F De Saussure, nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ, người khởi xướng của ngôn ngữ học cấu trúc. Tuy ông không nghiên cứu sâu sắc về trường từ vựng nhưng nguyên lý về cấu trúc của hệ thống ngôn ngữ với hai dạng: quan hệ ngang (hay quan hệ hình tuyến, quan hệ tuyến tính, quan hệ ngữ đoạn) và quan hệ dọc (hay quan hệ trực tuyến, quan hệ hệ hình, quan hệ liên tưởng) đặc biệt là luận điểm “giá trị của bất cứ yếu tố nào cũng do những yếu tố ở xung quanh quy định” [88, 202] và “chính phải xuất phát từ cái toàn thể làm thành một khối để phân tích ra những yếu tố mà nó chứa đựng” [88, 198] là những gợi ý rất quan trọng cho các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu về trường nghĩa. Trier và L Weisgerberg (người Đức) đã nghiên cứu những trường có tính chất đối vị và có những quan điểm rất đáng chú ý. Theo Trier “trong ngôn ngữ mỗi từ tồn tại trong một trường, giá trị của nó là do quan hệ với các từ khác trong trường quyết định”, “trường là những hiện tượng ngôn ngữ nằm giữa từ (riêng lẻ) với toàn bộ từ vựng”. Một nhà ngôn ngữ học khác là Weisgerberg cho rằng “trong các trường cấu tạo từ, mỗi từ trong mỗi dãy là trung tâm của một trường cấu tạo”. Tuy Trier và L Weisgerberg đã có công trong việc đặt vấn đề nghiên cứu về trường nghĩa nhưng điểm hạn chế của họ là sự mơ hồ, không phân biệt rõ ràng giữa trường từ và trường khái niệm khi quan niệm trường nghĩa là toàn bộ các khái niệm mà các từ trong ngôn ngữ biểu thị. Sau Trier và L Weisgerberg có thể nói đến W Porzig (người Anh), tác giả đầu tiên xây dựng nên quan niệm về các trường tuyến tính và Ch Bally (người Pháp), tác giả đầu tiên của khái niệm trường liên tưởng.
Tiếp thu những thành tựu nghiên cứu về trường nghĩa của ngôn ngữ học thế giới, ở Việt Nam rất nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Người có đóng góp tích cực cho lý thuyết về trường nghĩa phải kể đến Đỗ Hữu Châu. Theo ông “do các từ có không ít sự đồng nhất về hình thức và về ý nghĩa nên căn cứ vào cái chung giữa chúng để thực hành sự phân lập toàn bộ từ của tiếng Việt thành những hệ thống nhỏ hơn để đưa vào trường nghĩa”. Khắc phục những hạn chế của những nhà ngôn ngữ học đi trước, Đỗ Hữu Châu quan niệm: trường nghĩa không phải là phạm vi các khái niệm (thuộc lĩnh vực nhận thức) mà là phạm vi tất cả các từ có quan hệ lẫn nhau về nghĩa và đưa ra khái niệm về trường: trường nghĩa là một tập hợp các đơn vị từ vựng đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa. Trên cơ sở hai dạng quan hệ mà Saussure đưa ra trong lý thuyết về hệ thống ngôn ngữ, Đỗ Hữu Châu đã phân thành hai loại trường nghĩa: trường nghĩa ngang (trường nghĩa tuyến tính) và trường nghĩa dọc (trường nghĩa trực tuyến) và kết hợp hai trường thành trường nghĩa liên tưởng. Trong trường nghĩa dọc, tác giả dựa vào tiêu chí ngôn ngữ tức những ý nghĩa ngôn ngữ mà phân ra hai loại trường từ vựng – ngữ nghĩa lớn: trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm. Mỗi loại trường này có cách chi phối riêng hoạt động của từ trong giao tiếp, trong sự tạo lập nên thông điệp.