Xu hướng tạo từ ghép hợp nghĩa ngành kinh tế

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 85 - 88)

VẬN ĐỘNG TẠO TỪ CỦA TỪ NGỮ KINH TẾ

2.2.1.2.Xu hướng tạo từ ghép hợp nghĩa ngành kinh tế

Theo số liệu thống kê và sự phân tích số liệu thống kê, chúng tôi thấy có ba xu hướng nổi lên:

Thứ nhất là, xu hướng ghép các thành tố cấu tạo (hình vị) có ý nghĩa chỉ những sự vật, hoạt động hay tính chất có quan hệ cùng cấp (cohyponymique) với nhau. Những thành tố này thường đi đôi với nhau thành từng cặp phản ánh những sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất của một nhóm ngành kinh tế nhất định. Nó trở thành một thói quen, tập quán của người Việt đến mức khi nhắc đến sự vật, hiện tượng này mà không nhắc đến sự vật, hiện tượng kia sẽ cảm thấy như thiếu sót, hẫng hụt. Thí dụ

lồng bè (nơi để nuôi thả cá giống), lai dắt (hoạt động dùng tàu kéo đưa đốt hầm dìm đến vị trí dìm hầm đã định sẵn trên sông, đây là một hoạt động quan trọng trong việc xây dựng các công trình hầm trên sông), sàng nghiền (than) (hoạt động để phân loại vật liệu và làm cho nát vụn bằng sức ép mạnh), ươm dưỡng (hoạt động làm cho mọc thành cây non và tạo điều kiện để cây non phát triển), chèn nhét (hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng cách chêm, lèn vào kẽ hỡ, làm cho chặt), va trôi (hoạt động đụng mạnh vào cái khác và di chuyển theo dòng nước chảy), thu đổi (ngoại tệ) (hoạt động mua vào ngoại tệ hoặc bán ra ngoại tệ theo nhu cầu của khách hàng), ùn ứ (tình trạng dồn đọng làm tắc nghẽn, thường chỉ việc tắc nghẽn giao thông), đào lát (đường) (hoạt động moi đất từ dưới lên bằng máy móc hay sức người và đặt, gắn gạch hay ván gỗ thành mặt phẳng)… Có thể thấy các thành tố cấu tạo trong từ cận nghĩa hoặc đẳng nghĩa với nhau. Đây là xu hướng mà tính đồng loạt xuất hiện ở các từ khá cao. Phần lớn các đơn vị từ vựng mới trong ngành kinh tế mà chúng tôi thu thập được đều theo xu hướng này. Thứ hai là, xu hướng dựa vào những từ cũ (hình thức âm thanh đã có nghĩa) để tạo ra nghĩa mới, từ mới dựa trên quy luật liên tưởng, một quy luật tâm lý của con người. Cách thức tạo từ này trong ngôn ngữ học gọi là phương thức sao phỏng ngữ nghĩa. Ở đây cái không đổi là vỏ ngữ âm của từ, cái thay đổi là cái được biểu hiện trong vỏ ngữ âm đó. Đây là kiểu tạo từ phái sinh – phái sinh theo con đường ngữ nghĩa. Có thể hình dung như sau:

Từ cũ (nghĩa X) Vỏ ngữ âm

(A) liên tưởng

Từ mới (nghĩa Y)

Sơ đồ 2.2: Sao phỏng ngữ nghĩa

Sau đây là một số thí dụ:

- Trôi nổi: (1) Nổi trên mặt nước và trôi lênh đênh không có hướng nhất định. (2) Sống vất vưởng nay đây mai đó, không ổn định. (3) Để cho tồn tại và biến động một cách tự nhiên trên thị trường không có sự kiểm soát.

- Chặt chém: (1) Hoạt động vật lý đơn thuần (làm đứt ngang bằng cách dùng dao hoặc vật có lưỡi sắc, giáng mạnh xuống). (2) Bán giá quá đắt, giá cắt cổ.

- Truyền dẫn: (1) Chuyển, đưa từ chỗ này đến chỗ khác. (2) Truyền thông tin từ điểm này đến điểm khác hoặc ngược lại bằng các công nghệ khác nhau như dây, cáp, vệ tinh, vô tuyến…

Nghĩa thứ hai của các từ “chặt chém”, “truyền dẫn” và nghĩa thứ ba của từ “trôi nổi” là những nghĩa mới xuất hiện do sự liên tưởng tương đồng hay tương cận. Tuy rằng ở xu hướng này, số lượng từ ngữ mới xuất hiện không cao nhưng đây cũng là xu hướng đang phát triển mạnh đối với việc tạo từ, tạo nghĩa nói chung và tạo từ, tạo nghĩa mang tính thuật ngữ nói riêng. Điều này rất hợp lý bởi vì trong trạng thái hiện nay việc gán một vỏ âm thanh nào đó (âm thanh không mang nghĩa) cho một sự vật, hoạt động, tính chất mới xuất hiện trong đời sống xã hội thành tên gọi cho các sự vật, hoạt động, tính chất ấy trong ngôn ngữ đã không còn nữa. Trong khi đó các sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất mới lại hàng ngày xuất hiện cần phải gọi tên để được định hình trong tư duy, trong nhận thức của con người. Vì thế ngôn ngữ phải lấy những hình thức ngữ âm cũ (đã mang nghĩa) và gán cho các sự vật, hiện tượng, hoạt động,

tính chất mới để có những tên gọi mới dựa trên cơ sở của quy luật liên tưởng. Quá trình tạo nghĩa này chúng tôi sẽ đề cập cụ thể ở chương 3

Xu hướng thứ ba xuất hiện khá mới mẻ so với các xu hướng đã nói trên là xu hướng ghép hai đơn vị từ vựng song tiết biểu thị hai sự vật, hiện tượng gần nhau hoặc đi đôi với nhau nhưng trước khi ghép lại đã rút đi một yếu tố trong từng đơn vị. Xu hướng này chúng tôi tạm gọi là xu hướng rút gọn bao gộp (gọi là hiện tượng nói tắt [94,34], gọi là phương thức phức hợp [22,306]). Đó là những từ như tiết giảm, duy tu, ùn ứ, dự ứng, sàng tuyển, bao tiêu, biên mậu, thẩm thu, thỏa dụng, giao thương …

Trong cuốn “Phát triển từ vựng bằng con đường cấu tạo từ”, tác giả Hà Quang Năng đã đưa ra 8 kiểu mô hình của xu hướng này. Theo quan sát của chúng tôi, đối với từ ngữ kinh tế mới tạo ra theo xu hướng này có ba kiểu mô hình. Cụ thể, nếu gọi các hình vị trong hai từ ghép bậc một theo số thứ tự từ 1 đến 4, ta có kết quả ghép theo các dạng thức rút gọn sau: Bảng 2.7: Các dạng thức rút gọn bao gộp để tạo từ ghép bậc 2 • Mô hình 1: Hình vị được chọn là 1 và 3 Từ ghép bậc 1 (hình vị 1 và hình vị 2) Từ ghép bậc 1 (hình vị 3 và hình vị 4) Từ ghép bậc 2 (hình vị 1 và hình vị 3)

Duy trì Tu sửa Duy tu

Ùn tắc Ứ đọng Ùn ứ

Dự trù Ứng phó Dự ứng

Sàng lọc Tuyển chọn Sàng tuyển

Bao gồm Tiêu thụ Bao tiêu

Biên giới Mậu dịch Biên mậu

Thẩm định Thu nhận Thẩm thu • Mô hình 2: Hình vị được chọn là 1 và 4 Từ ghép bậc 1 (hình vị 1 và hình vị 2) Từ ghép bậc 1 (hình vị 3 và hình vị 4) Từ ghép bậc 2 (hình vị 1 và hình vị 4) Thỏa mãn Sử dụng Thỏa dụng Cung cấp Đáp ứng Cung ứng

Khởi công Xây dựng Khởi dựng

• Mô hình 3: Hình vị được chọn là 2 và 3 Từ ghép bậc 1 (hình vị 1 và hình vị 2) Từ ghép bậc 1 (hình vị 3 và hình vị 4) Từ ghép bậc 2 (hình vị 2 và hình vị 3)

Điều tiết Giảm thiểu Tiết giảm

Việc rút gọn để giữ lại một yếu tố trước khi gộp lại tạo từ ghép mới là phụ thuộc vào những nhân tố ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ. Trong đó, tầm quan trọng về ý nghĩa (ý nghĩa chỉ loại) của từng yếu tố theo chúng tôi là cần thiết hơn cả. Yếu tố nào có lượng nghĩa được nhấn mạnh thì được giữ lại và trở thành “đại diện tiêu biểu” của đơn vị song tiết. Thế nên trong cấu trúc nội bộ của từ ghép theo xu hướng này, quan hệ giữa các thành tố cấu tạo chưa thật “chặt”, tính thành ngữ chưa cao cho nên trong sử dụng người ta dễ dàng tách ra thành hai đơn vị độc lập. Sự xuất hiện của các từ được sử dụng trong kinh tế theo xu hướng này có tính đồng loạt khá cao, phần nào phản ánh tính “năng động” của mô hình cấu tạo. Chắc chắn, qua thời gian sử dụng cùng với sự can thiệp tích cực của người sử dụng, các từ ghép này sẽ hoàn chỉnh về hình thức và ý nghĩa để tham gia vào hệ thống từ ghép trong hệ thống từ vựng tiếng Việt.

Một phần của tài liệu Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại (Trang 85 - 88)