VẬN ĐỘNG TẠO TỪ CỦA TỪ NGỮ KINH TẾ
2.1.2.3. Xu hướng mượn bằng con đường phiên chuyển
Đây là xu hướng vay mượn từ vựng bằng cách phỏng theo âm đọc của từ ngữ cho vay (tiếng Anh) để ghi lại từ ngữ đó bằng cách đọc, cách viết của ngôn ngữ đi vay (tiếng Việt). Nếu coi xu hướng này là một dạng Việt hóa từ ngữ vay mượn thì đây là sự Việt hóa ở mức độ thấp. Nhóm từ ngữ kinh tế vay mượn thuộc loại này rất ít như ma- két-tinh (marketing), đôla (dollar), công-te-nơ (container), cáp (cable – tỷ giá hối đoái giữa đồng bảng Anh và đôla Mỹ), xanh- đi- ca (syndicate – tập đoàn kinh doanh, nghiệp đoàn), xoáp (swap – việc hoán đổi, đổi một loại chứng khoán lấy một loại chứng khoán khác kể cả ngoại tệ, lãi suất), ác – bít (arbitrage – việc mua bán một tài sản hay hàng hóa ở hai hay nhiều thị trường nhằm kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa các thị trường), băng co (bancor – tên đồng tiền quốc tế mà một ngân hàng quốc tế phát hành theo khuyến nghị của Keynes. Đồng tiền này có thể được dùng để thanh toán nợ và là bộ phận của tổng phương tiện thanh toán quốc tế), các ten (cartel – thỏa thuận hợp tác chính thức về giá cả, sản lượng và những điều kiện khác giữa các doanh nghiệp trong thị trường thiểu quyền), cooc xê (corset – tiếng lóng trên thị trường để chỉ việc chính phủ Anh yêu cầu các ngân hàng thương mại gửi thêm tiền vào tài khoản đặc biệt ở Ngân hàng Anh), côn zôn (consols – một loại trái phiếu vĩnh viễn (được hưởng lãi suất vĩnh viễn) hay trái phiếu đồng niên (được hưởng lãi suất hàng năm như nhau) được chính phủ Anh phát hành từ giữa thế kỉ XVIII), ốp xơn (option – quyền mua (quyền chọn mua) hay quyền bán (quyền chọn bán) một loại hàng hóa hay một chứng khoán tài chính (cổ phiếu, ngoại tệ) với mức giá thỏa thuận vào thời điểm tương lai hoặc một khoảng thời gian định trước), cu –pôn (coupon – phần cuống của trái phiếu mà người nắm trái phiếu đưa ra để nhận lãi suất trả cho trái phiếu có lãi suất cố định)…
Số lượng không nhiều những từ ngữ ở dạng này theo chúng tôi bắt nguồn từ bản chất của xu hướng. Đây là xu hướng tiếp nhận tối đa để có thể phản ánh đầy đủ nhất mặt âm thanh trong ngôn ngữ gốc trên cơ sở “âm tiết hóa” theo quy tắc của tiếng Việt. Như thế
về cơ bản ở phương diện âm thanh đã có sự “gần gạnh” với ngôn ngữ gốc, việc “âm tiết hóa” để “thông dụng” trong cách nói và cách viết đối với người Việt không có ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt phải thấy rằng, cộng đồng người sử dụng ngôn ngữ hiện nay mà hẹp hơn là cộng đồng người làm kinh tế ngày càng có sự tiếp cận với những thuật ngữ, những khái niệm gốc. Cho nên điều này cũng phần nào lí giải xu hướng phiên âm từ ngữ kinh tế luôn có sự xung đột với xu hướng để nguyên dạng nguyên ngữ. Theo chúng tôi, đối với những từ ngữ quen thuộc với người sử dụng cả trên cách đọc và cách viết thì nên hướng tới cách viết nguyên dạng (marketing, dollar, container, coupon, option…) còn những từ ngữ chỉ quen thuộc trên cách đọc thì vẫn nên sử dụng xu hướng phiên chuyển (xanh – đi – ca, cáp, côn zôn, băng co, ác bít…). Dần dần cùng với thời gian, khi khả năng tiếp thu thông tin của người sử dụng ngôn ngữ nâng cao, chúng ta có thể hướng tới sử dụng hoàn toàn cách viết nguyên dạng.
Trên cơ sở ba xu hướng đã trình bày, chúng tôi thấy để tạo ra những từ ngữ kinh tế tiếng Việt thì ghép là phương thức quan trọng góp phần tạo ra số lượng lớn các từ ngữ. Các từ ngữ được tạo ra từ phương thức ghép có thể là ghép theo quan hệ đẳng lập hoặc ghép theo quan hệ chính phụ. Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy, số lượng từ ngữ ghép theo quan hệ chính phụ vẫn chiếm đa số. Điều này hoàn toàn có thể lí giải bởi vì “từ những thuật ngữ cơ bản có thể tạo nên rất nhiều các thuật ngữ phái sinh” (Hà Quang Năng). Đặc biệt trong phương thức ghép thì cách kết hợp có tính chất hỗn hợp giữa các yếu tố thuộc các nguồn khác nhau được vận dụng triệt để. Bên cạnh dạng hỗn hợp thông thường như Việt – Hán, Hán – Việt từ ngữ ngành kinh tế còn được tạo ra bằng phương thức “ghép lai” (phương thức ghép theo lối hỗn hợp các yếu tố Hán – Việt hoặc thuần Việt kết hợp với các yếu tố gốc Ấn Âu (có thể được phiên âm hay nguyên dạng). Thí dụ độ trễ Almon, hiệu ứng Averch – Johnson, kĩ thuật Bayes, mô hình Brookings, thuế Carbon, tiêu chuẩn Condorcet, chỉ số Dow Jones, kế hoạch White, đường Engel, tỉ số Von Neumann… Hiện tượng “ghép lai” này có thể xảy ra dưới nhiều dạng thức khác nhau. Thứ nhất là sự lai ghép giữa một yếu tố Hán Việt hoặc thuần Việt với một yếu tố là tên riêng như chỉ số Dow Jones (chỉ số chứng khoán đo lường biến động giá của 30 cổ phiếu công nghiệp hàng đầu của Mỹ, chỉ số này liên tục loại bỏ và bổ sung thêm các mã cổ phiếu với mục đích mang lại một thước đo rõ
ràng và trực tiếp với thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Mỹ. Người sáng lập ra chỉ số này là Charles Henry Dow và Edward Davis Jones), hiệu ứng Averch – Johnson (sự phản ứng tối đa hóa lợi nhuận của các hãng bị kiểm soát khi phải đạt được tỷ lệ lợi tức xác định về vốn có động lực để lựa chọn kết hợp đầu vào nặng về vốn hơn có thể không được sử dụng khi không phải đạt tỷ lệ lợi tức xác định đó. Hiệu ứng này cũng bắt nguồn từ hai nhà sáng lập là Harvey A Averch và Leland L Johnson)… Dạng thức ghép lai này khá phổ biến và nó trở thành những cụm từ có tính chất cố định để phản ánh một khái niệm thuộc về kinh tế. Thứ hai là sự lai ghép giữa một yếu tố Hán Việt hoặc thuần Việt với một yếu tố là tên chung như dao động intraday, trading ngắn hạn, mức low, giá low, tổng vol… Dạng lai ghép này thông thường chỉ tồn tại trong lời ăn tiếng nói của những người làm kinh tế chứ chưa có sự định hình một cách cố định để mang tải khái niệm. Thứ ba là sự lai ghép giữa một yếu tố Hán Việt hoặc thuần Việt với một dạng thức viết tắt như dự báo ARIMA (kết quả dự báo được tạo ra từ mô hình dãy số thời gian của “số bình quân tích hợp tự tương quan”; ARIMA là tổ hợp viết tắt từ Autoregressive Integrated Moving Average), giá cif (giá bao gồm chi phí, tiền bảo hiểm và cước vận chuyển tức toàn bộ chi phí cung ứng hàng hóa; cif là từ viết tắt từ cụm cost insurance and freight)…
Có thể rút ra một số nhận xét về sự vay mượn từ ngữ kinh tế từ các ngôn ngữ tiếp xúc trong giai đoạn hiện nay:
a) Cùng với các phương thức tạo từ khác, để tạo nên những từ ngữ ngành kinh tế, việc vay mượn từ vựng được tận dụng ở mức độ cao. Từ ngữ vay mượn về kinh tế có hai nguồn chính: vay mượn từ ngôn ngữ Hán và vay mượn từ ngôn ngữ Anh – Mỹ được biểu hiện dưới hai dạng. Thứ nhất mượn nguyên dạng của ngôn ngữ gốc tức là “bảo lưu” hình thức cấu trúc và ý nghĩa như trong nguyên ngữ. Thứ hai là Việt hóa từ ngữ mượn ở các mức độ khác nhau (Việt hóa bộ phận hoặc hoàn toàn) và những bình diện khác nhau (ngữ âm, cấu trúc, ngữ nghĩa và chữ viết). Trong hai nguồn vay mượn này, có thể thấy nguồn vay mượn từ ngôn ngữ Anh – Mỹ có số lượng lớn hơn bao gồm cả sự Việt hóa bằng việc sử dụng các yếu tố thuần Việt và sử dụng các yếu tố Hán Việt.
b) Khác với những từ ngữ vay mượn ở các lĩnh vực khác, đối với những từ ngữ ngành kinh tế, dạng thức sao phỏng ý nghĩa để tạo ra những từ ngữ mới có nội dung là khái niệm có tính chất quốc tế và hình thức là các yếu tố cấu tạo của ngôn ngữ đi vay là dạng thức vay mượn chính, phát triển nhất. Trong tương lai, theo chúng tôi dạng thức này vẫn giữ được vai
trò chủ yếu (dẫu rằng ở các lĩnh vực khác của đời sống người ta vẫn hướng đến cách sử dụng thuật ngữ nguyên dạng). Tất nhiên đối với dạng thức sao phỏng ý nghĩa này, người sử dụng cần phải lưu tâm trong việc tạo ra sự nhất quán giữa thuật ngữ gốc và thuật ngữ mượn (theo mối quan hê 1 – 1) bởi nếu nhầm lẫn về hình thức cấu trúc trong thuật ngữ mượn sẽ dẫn đến nhầm lẫn về nội dung khái niệm trong thuật ngữ gốc.
c) Theo điều tra thực tế của chúng tôi, việc sử dụng từ ngữ vay mượn theo ba xu hướng không có sự đồng nhất ở các tầng lớp người trong xã hội. Vay mượn nguyên dạng chỉ tồn tại ở lớp người có trình độ cao và thông thạo về ngoại ngữ như chuyên gia, nhà phân tích đầu tư, kĩ sư thuộc những ngành nghề nhất định… Sử dụng xu hướng phiên chuyển thường là người làm kinh tế có trình độ ngoại ngữ thấp hơn, là đại đa số người dân, những người không thuộc những ngành nghề kinh tế chuyên biệt này. Xu hướng sao phỏng được phần lớn người làm kinh tế nói chung và người không thuộc những ngành nghề kinh tế này ưa sử dụng. Đây cũng là xu hướng mà các nhà phân tích, bình luận, các chuyên gia kinh tế ưa thích khi phát biểu trước công luận.
c) Sự vay mượn từ ngữ từ ngôn ngữ Hán và ngôn ngữ Anh – Mỹ đã tạo ra một lớp từ ngữ mới về kinh tế cho hệ thống từ vựng tiếng Việt. Lớp từ ngữ này có thể đã có tính chất cố định (thuật ngữ) cũng có thể mới chỉ là những biến thể sử dụng khác nhau. Những biến thể này có trở thành thuật ngữ hay không phụ thuộc rất lớn vào quá trình lựa chọn của cộng đồng xã hội. Dẫu vậy xét ở trạng thái hiện nay, những từ ngữ mượn này không chỉ làm thay đổi số lượng từ vựng ngôn ngữ mà còn góp phần làm biến đổi chất lượng kho từ vựng nói chung. Vấn đề cần đặt ra hiện nay đối với lớp từ vay mượn này là người sử dụng ngôn ngữ cần phải có cách tiếp nhận và sử dụng từ vay mượn sao cho vừa “giữ được bản sắc ngôn ngữ phù hợp với điều kiện ngôn ngữ - xã hội ở giai đoạn hiện nay lại vừa cập nhật với xu hướng phát triển mang tính toàn cầu”. Nói khác đi trong giai đoạn hiện nay cần có sự thống nhất, chuẩn hóa các từ vay mượn trong cộng đồng người sử dụng.