Mỗi một đơn vị từ vựng trong lòng hệ thống bao giờ cũng phản ánh một phạm vi hiện thực khách quan nhất định. Nội dung phản ánh đó được “ngôn ngữ hóa” trở thành ý nghĩa của từ và cái ý nghĩa đó gắn chặt với từ đó trong hệ thống từ vựng. Như thế có nghĩa mỗi từ luôn luôn thuộc về một nhóm ý nghĩa nào đó. Nói cách khác nó luôn thuộc về một trường từ vựng – ngữ nghĩa. Tuy nhiên trong thực tế ngôn ngữ không phải trường từ vựng nào cũng hoàn toàn cố định, đóng kín, có ranh giới dứt khoát mà vẫn có những đơn vị từ vựng có thể vận động đi vào nhiều trường nghĩa khác nhau. Đó là thực tế không thể phủ nhận và là thực tế quyết định tính đặc thù của ngôn ngữ so với bất cứ hệ thống tín hiệu nhân tạo nào khác. Nói như Đỗ Hữu Châu “một từ có thể tiếp nhận tác động của một số “lực” (lực ngữ nghĩa) do đó có thể có mặt trong
một số trường. Nó cũng giống như hình ảnh các vùng biển trong khối nước mênh mông của đại dương. Con người có thể quy ước với nhau, vạch ra trên bản đồ ranh giới giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhưng trong thực tế nước của hai đại dương này vẫn hòa lẫn vào nhau” [8, 287] . Việc chuyển đổi từ ở trường nghĩa này sang trường nghĩa khác người ta gọi là hiện tượng chuyển trường nghĩa của từ.
Hiện tượng chuyển trường nghĩa của từ là một hiện tượng ít nhiều có tính quy luật giống như sự chuyển nghĩa của từ trong hệ thống từ vựng cho nên những từ cùng một phạm vi biểu vật hoặc cùng một cấu trúc biểu niệm sẽ chuyển biến ý nghĩa theo cùng một hướng giống nhau.
Hiện tượng chuyển trường nghĩa của từ diễn ra trên hai phạm vi: ngôn ngữ và lời nói. Hiện tượng chuyển trường nghĩa trong lĩnh vực ngôn ngữ là hiện tượng có tính chất cố định, tính chất xã hội đã được định hình trong hệ thống ngôn ngữ. Chẳng hạn như từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người chuyển sang phạm vi đồ vật, vật thể địa lý (cổ → cổ áo, cổ chai; chân → chân bàn, chân núi…) hay sang năng lực cảm quan, năng lực hoạt động trí tuệ , tính cách của con người (mắt → con mắt tinh đời; tai → cái tai rất thính…); từ ngữ từ nghĩa hoạt động sinh lý, vật lý sang hoạt động tâm lý, tình cảm của con người (say rượu → say lý tưởng; cái đinh ốc bị chờn → chúng bị chờn sau cuộc đọ sức); từ tính chất vật lý sang tính chất tâm lý, trí tuệ (nông → nghĩ nông, nhận thức nông; sâu → hiểu sâu sắc; cùn → cãi cùn…); từ hoạt động vật lý sang hoạt động nói năng (tâng → tâng đến tận giời; quạt → quạt cho một trận; bóp méo → bóp méo sự thật…)… Người ta gọi hiện tượng chuyển trường nghĩa trong lĩnh vực ngôn ngữ là các nghĩa khác nhau của từ nhiều nghĩa. Hiện tượng chuyển trường nghĩa trong lĩnh vực lời nói là hiện tượng có tính chất chưa cố định, tính chất lâm thời, nó chỉ tồn tại trong những điều kiện giao tiếp nói năng cụ thể của cá nhân. Hiện tượng chuyển trường nghĩa trên lĩnh vực lời nói chỉ trở thành hiện tượng chuyển trường nghĩa trong lĩnh vực ngôn ngữ khi nó có một cấu trúc biểu niệm cố định, độc lập. Trong luận án này, chúng tôi sẽ đi sâu xem xét hiện tượng chuyển
trường nghĩa trong lĩnh vực lời nói qua một bộ phận từ ngữ ngành kinh tế để thấy sự phong phú và đa dạng trong cách nói của người Việt.