Nhiều nghĩa là hiện tượng có tính tất yếu trong ngôn ngữ học. Đó là hiện tượng một từ có nhiều ý nghĩa khác nhau có thể gọi tên nhiều sự vật và diễn đạt nhiều hiểu biết khác nhau. Xét trong quan hệ với trường nghĩa thì từ nhiều nghĩa là từ có thể đi vào nhiều trường khác nhau. Theo Đỗ Hữu Châu “nếu như hiện tượng nhiều nghĩa biểu vật có thể xem là kết quả sự giao nhau của các trường sự vật thì hiện tượng nhiều nghĩa biểu niệm cũng là kết quả của sự giao nhau giữa các trường nghĩa vị” [12, 69]. Mặt khác mối liên hệ này còn thể hiện ở chỗ, người ta có thể dự đoán được hướng chuyển nghĩa của một từ nếu biết được trường nghĩa của nó và hướng chuyển trường của từ. Bởi “những thuộc tính thường trực chi phối hệ thống ngữ nghĩa trong từ không chỉ là sự kiện của riêng từng từ mà còn chung cho những từ cùng nhóm nghĩa. Do đó những từ cùng nhóm nghĩa có thể có những nghĩa phụ giống nhau và phát triển trong trường nghĩa theo những hướng giống nhau” [12, 68].
Nghiên cứu ý nghĩa của các sự kiện ngôn ngữ nói chung đặc biệt là từ nói riêng là vấn đề phức tạp. Thông qua lý thuyết ngữ nghĩa của từ mà chúng tôi đã trình bày nói trên (thành phần nghĩa, nét nghĩa, nhiều nghĩa, chuyển nghĩa, chuyển trường nghĩa), có thể thấy người nghiên cứu ngữ nghĩa ngày càng đi sâu vào thế giới ngữ nghĩa từ để tìm hiểu và lý giải các sự kiện ngữ nghĩa. Với chúng tôi, lý thuyết này là cơ sở để xem xét các từ ngữ ngành kinh tế trên phương diện về cấu tạo (chuyển nghĩa cũng là một phương thức tạo từ), về sự thay đổi ý nghĩa, từ đó dự đoán hướng chuyển nghĩa của từ ngữ thông thường, từ ngữ trong các lĩnh vực khi chuyển sang ngành kinh tế.