VI. Phê bình nhân tà
8. Biện pháp "cực đoan"
Cuối thời Tần, đại tướng Trần Dư - thủ hạ của Hạng Vũ chiến đấu với quân Tần ở Cự Lộc. Quân Sở thắng ít, thua nhiều. Trần Dư xin viện binh. Hạng Vũ quyết định đích thân cầm quân đi cứu quân Sở ở Cự Lộc. Sau khi vượt sông Hoàng Hà, Hạng Vũ quyết định đánh chìm thuyền, vứt hết nồi xoong, đốt sạch lều trại, mỗi người chỉ đem 3 ngày lương khô, quyết một trận tử chiến với quân Tần. Sau 9 trận, quân Sở đã chặn đường rút lui của quân Tần, giết đại tướng Tần là Tô Giác, bắt sống Đại tướng Vương Ly. Trận Cự Lộc khiến thanh thế Hạng Vũ vang lừng thiên hạ, để lại điển tích "Đập nồi phá thuyền" độc đáo.
Năm 283 trước Công nguyên, Tần Chiêu Vương nghe tin nước Triệu có ngọc quý, liền giả vờ lấy 15 thành đổi ngọc. Nước Triệu lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Hoạn quan Mục Hiền tiến cử Lạn Tương Như đi sứ. Lạn Tương Như mang ngọc đến nước Tần cung kính dâng ngọc cho vua Tần. Vua Tần vui mừng nhận ngọc rồi đưa cho các đại thần cung nữ thưởng thức. Tương Như thấy vua Tần không có thành ý đổi thành lấy ngọc bèn nói: "Viên ngọc này tuy đẹp, song vẫn còn có vết, hãy để cho hạ thần chỉ cho mọi người thấy". Tần vương mắc mưu đưa trả ngọc cho Tương Như.
Tương Như cầm chắc viên ngọc, lùi mấy bước dựa vào cột điện, lửa giận bừng bừng nói: "Thần thấy thái độ đại vương ngạo mạn, không có thiện chí đổi thành lấy ngọc. Nếu đại vương ép thần, thần sẽ đập nát ngọc và đầu vào cột điện này. Tần vương sợ vỡ ngọc quý, liền đưa bản đồ ra chỉ. Lạn Tương Như biết vua Tần lừa dối, bèn nói vua Tần phải trai giới 5 ngày, sau đó mới được nhận ngọc. Sau khi về nhà khách, Tương Như cho người cầm ngọc đi đường tắt mang về Triệu. Sau 5 ngày, vua Tần không nhận được ngọc, sợ mất chữ tín với thiên hạ, đành phải cho Tương Như về nước.
Hành vi quyết liệt "đập nồi phá thuyền" của Hạng Vũ, thái độ liều chết bảo vệ ngọc của Lạn Tương Như xảy ra trong những trường hợp đặc biệt. Chỉ khi nào tình thế cấp bách mới sử dụng biện pháp cực đoan, để xoay chuyển tình thế, tìm lối thoát hoặc giành thắng lợi triệt để.
II. Độ lượng
Người bình thường, bụng dạ có thể hẹp hòi, nhưng là nhà lãnh đạo, bụng dạ không được hẹp hòi. Lãnh đạo phải là tấm gương của cách sống tử tế và bao dung. Khoan dung là tư cách quan trọng của người trên, cũng như kính trọng là tư cách quan trọng của kẻ dưới.
1. Phải có tấm lòng bao dung, độ lượng
Trong "Ngụ ngôn Aerop" có một câu chuyện như sau: Mặt trời và gió Bấc đánh cuộc, xem ai có thể làm cho người đi đường cởi bỏ áo khoác. Mặt trời dùng ánh nắng dễ dàng làm cho người đi bộ cởi bỏ áo khoác. Gió Bấc ra sức thổi, người đi bộ càng giữ chặt áo khoác. Câu chuyện này chứng tỏ: nhà lãnh đạo nếu dùng tình người cảm hóa cấp dưới thì cấp dưới sẽ cởi mở tấm lòng. Nếu cưỡng bức cấp dưới, thì cấp dưới sẽ phải đối phó lại. Nhà lãnh đạo cũng là con người, vì vậy quan hệ giữa lãnh đạo và cấp dưới cũng phải tuân theo quy luật tâm lý.
Thời đại Xuân Thu chiến quốc, thành tựu của nước Tề hầu như dựa vào các chính sách khôn khéo của Tể tướng Quản Trọng. Trước đó, trong việc kế thừa ngôi báu, Quản Trọng ủng hộ công tử Củ chống lại Tiểu Bạch, tức Tề Hoàn Công sau này. Quản Trọng đã từng dùng tên bắn Tề Hoàn Công nhưng không trúng. Khi Quản Trọng trở về, nhờ có Bão Thúc Nha khuyên bảo Tề Hoàn Công: "Đại vương muốn xưng bá thiên hạ, thì phải dùng Quản Trọng", nên Quản Trọng mới được phong làm
Tể tướng. Để báo ơn, Quản Trọng đã trổ tài, giúp Hoàn Công trở thành bá chủ. Nếu Tề Hoàn Công không có tấm lòng bao dung độ lượng thì có lẽ sự nghiệp xưng bá của Tề Hoàn Công không thể tạo dựng được.
Nghị sỹ Kanon đến từ bang Illinois - Mỹ khi vừa nhậm chức, đã có kẻ chế giễu: "Vị nghị sỹ đến từ bang Illinois này, e rằng trong túi áo của ông ta có lúa mạch". Ý của câu này ám chỉ Kanon vẫn chưa bỏ được dáng dấp và suy nghĩ nông dân. Kanon không hề tức giận, ung dung trả lời: "Tôi không những có lúa mạch trong túi mà trong tóc còn có rơm nữa. Người miền Tây chúng tôi khó tránh khỏi có hơi hướng quê mùa, nhưng lúa mạch ở chỗ chúng tôi lại rất tươi tốt". Bạn bè của Kanon khuyên ông nên đi gặp kẻ chế giễu kia, song ông đã từ chối: "Việc gì phải tranh luận với ông ta". Điều này chứng tỏ Kanon biết điều chỉnh tâm trạng của mình và có tấm lòng bao dung độ lượng.