V. Xét trình độ thẩm mỹ
6. Không phân biệt kẻ thù cũ hoặc người thân
Các minh chủ cổ đại khi làm việc lớn không kể thù riêng, nếu thực sự là hiền tài thì cất nhắc để dùng, cốt sao lợi cho đất nước.
Kỳ Hoàng Dương nêu nguyên tắc "tiến cử người ngoài không bỏ kẻ thù riêng, tiến cử người trong họ không tránh người thân. Chuyện này viết trong chương "Tương Công tam niên" sách "Tả truyện".
Quan đại phu, trung quân uý nước Tấn - Kỳ Hoàng Dương vì già cả nên xin về. Tấn Điệu Công hỏi ông nên cử ai thay. Hoàng Dương tiến cử Giải Hồ, mặc dù Giải Hồ đã từng là kẻ thù của Hoàng Dương. Khi Tấn Điệu Công định bổ nhiệm Giải Hồ làm trung quân úy, thì Giải Hồ ốm chết. Điệu Công yêu cầu Hoàng Dương tiến cử người khác. Hoàng Dương nói, con của thần, Kỳ Ngọ có thể làm được. Đúng lúc ấy trợ lý trung quân úy Dương Thiệt chết trận, Điệu Công hỏi ai thay thế. Hoàng Dương nói, con của Dương Thiệt là Dương Thiệt Xích có thể làm được. Tấn Điệu Công liền bổ nhiệm Kỳ Ngọ làm trung quân úy, Dương Thiệt Xích làm trợ lý trung quân úy.
Rõ ràng Kỳ Hoàng Dương tiến cử Giải Hồ không phải vì lấy lòng Giải Hồ, mà cho rằng thực sự Giải Hồ có thể đảm đương được công việc. Khi tiến cử con mình không phải vì mình mà vì tài đức của Kỳ Ngọ đủ sức gánh vác trọng trách.
Si Siêu, Thị lang trung thư đời Đông Tấn cũng "không vì thù oán riêng mà bỏ sót nhân tài". Si Siêu vì ra sức tiến cử nhân tài mà được người đời sau khen ngợi. Họ Tạ và họ Si đều là hai dòng họ lớn trong triều Đông Tấn. Tạ An đã từng làm Tể tướng, còn Si Siêu cũng làm Thị lang trung thư, nhưng hai nhà vẫn nghi kỵ lẫn nhau, mâu thuẫn rất sâu. Lúc đó, thế lực Tiền Tần đang cường thịnh muốn nuốt chửng Đông Tấn, thống nhất vùng Trung Nguyên. Tình hình thiên hạ vô cùng căng thẳng. Tạ An tiến cử cháu (gọi bằng chú) của mình là Tạ Huyền dẫn quân chống giặc. Si Siêu biết tin, vui
mừng nói: “Tạ An dám tiến cử cháu của mình, chứng tỏ Tạ An thật biết người. Tạ Huyền tất không phụ lòng tiến cử, vì Tạ Huyền là một người có tài”. Si Siêu cũng giải thích cho một số quan trong triều còn nghi ngờ và đề nghị mọi người tin tưởng, ủng hộ Tạ Huyền. Do uy tín và thực quyền trong triều của Si Siêu, triều đình triệu Tạ Huyền, phong làm Kiến Vũ tướng quân, dẫn binh chống giặc. Tạ Huyền lĩnh mệnh, trong lúc nguy nan, đứng trước kẻ địch đông gấp
10 lần, thận trọng suy xét, bình tĩnh ứng phó, tạo nên kỳ tích chiến tranh. Đó chính là "trận Phì Thủy" (An Huy - Trung Quốc) nổi tiếng trong lịch sử. Trận Phì Thủy đã xoay chuyển tình thế "Bắc mạnh Nam yếu", bảo đảm vương triều Đông Tấn an toàn. Trong cuộc chiến này, Tạ Huyền không phụ tấm lòng của mọi người, biểu hiện tài năng quân sự lỗi lạc. Thế mới biết, tấm lòng hào hiệp và tài đánh giá con người của Si Siêu vô cùng cao thượng.