VI. Phê bình nhân tà
7. Vận dụng linh hoạt phương pháp "tung hoành bài hạp" của Quỷ Cốc Tử
Quỷ Cốc Tử là nhà tư tưởng nổi tiếng thời Cổ đại Trung Quốc. Thuyết “tung hoành phân hợp” của ông được các học trò như Tô Tần, Trương Nghị, Tôn Tẫn, Bàng Quyên vận dụng thành công trong lĩnh vực chính trị quân sự thời Xuân thu - Chiến quốc (770 trước Công nguyên - 221 trước Công nguyên). Nổi bật nhất là phép biện chứng "tung hoành bài hạp": "tung" chỉ "chiều dọc", "hoành" chỉ "chiều ngang", "bài" có nghĩa là "liên hợp". Đây là hai chủ trương lớn về chính trị: Liên minh theo "chiều ngang" và phân hóa theo "chiều dọc".
Đến thời Chiến quốc, ở Trung Quốc hình thành 7 nước lớn là Tần, Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy và một số nước nhỏ là Lỗ, Vệ, Tống, Trịnh, Tiết. Thuyết "Liên hoành" của Tô Tần chủ trương liên kết các nước lớn Tề, Sở, Triệu, Hàn, Ngụy chống lại nước Tần hùng mạnh. Thuyết "Hợp tung" của Trương Nghi chủ chương phân hóa liên minh 6 nước, tiến tới tiêu diệt từng nước một. Cuối cùng thuyết "Hợp tung" đã chiến thắng thuyết "Liên hoành".
"Bài" còn có nghĩa là "mở rộng", "mở cửa", "mở rộng tấm lòng, tự do phát biểu, tích cực hành động". "Hạp" còn có nghĩa là "đóng cửa, dùng thái độ yên lặng bình tĩnh để ứng phó".
Quỷ Cốc Tử nói: "Phân chia, liên hợp là hiện tượng vận hành của vạn vật". Khái niệm âm dương, cương nhu, động tĩnh hoặc phân chia mà chống nhau, hoặc liên hợp mà thuận hoặc nghịch. Dùng phân chia hình thể thay đổi theo hình tượng, dùng liên hợp hình thể liên kết thực sự. Có thể phân chia mà được lợi, có thể liên kết mà có hại. Lợi dụng thời cơ để khống chế điều khiển, biến hóa vô cùng, giống như một cái vòng tròn không có mở đầu, không có kết thúc, phân chia đến cực điểm lại quay lại liên hợp, liên hợp đến cực điểm lại trở về phân chia, mãi mãi không kết thúc.
Nguyên lý phân chia liên hợp là do Quỷ Cốc Tử sáng tạo ra. Nguyên lý này có nguồn gốc từ "Kinh Dịch". Chương "Hệ Từ Truyện" trong "Kinh Dịch" có đoạn viết: "Khi đóng cửa lại, tất sẽ tạo ra âm u, yên lặng, tối tăm, co cụm, đó chính là quẻ khôn, đại diện cho lực lượng âm. Khi mở cửa, tất sẽ tạo ra sáng sủa, sôi nổi, mở rộng, đó chính là quẻ càn, đại diện cho lực lượng dương. Âm dương biến hóa là thông".
Nhà lãnh đạo cần phải hiểu nguyên lý đóng mở, biết rõ lúc nào cần đóng, lúc nào cần mở. Đây là vấn đề nhận thức quy luật phát triển của các hiện tượng, các lĩnh vực chuyên môn mà mình phụ trách.
Quỷ Cốc Tử nói: "Xem xét lịch sử từ xưa đến nay, những thánh nhân khả tri sống giữa trời đất chính là những nhà dẫn dắt dân chúng. Thông qua quan sát biến hóa âm dương, thánh nhân đánh giá sự vật, nắm chắc lý luận tồn vong của sự vật. Dự tính quá trình phát triển của vạn vật, hiểu rõ quy luật tư duy của con người, vạch ra triệu chứng của sự vật, từ đó khống chế mặt có hại, lợi dụng mặt có lợi của vạn vật. Cho nên, thánh nhân ở trên đời là người tuân theo quy luật phát triển nguyên lý âm dương của tự nhiên, dùng nó để điều khiển vạn vật. Sự biến hóa của sự vật, tuy vô cùng vô tận (song chỉ là lặp đi lặp lại) nhưng đều có quy luật riêng của mình: Hoặc thuộc dương (đi lên, phát triển) hoặc thuộc âm (đi xuống, tàn lụi), hoặc suy yếu hoặc hùng mạnh, hoặc mở hoặc đóng, hoặc chặt chẽ hoặc lỏng lẻo. Xem xét tuần tự biến hóa của vạn vật, đưa ra mưu kế, định ra năng lực, so sánh ưu khuyết của sự vật. Còn đối với hiền lương và ác nghiệt, trí tuệ và ngu đần, dũng cảm và nhút nhát, thánh nhân đều phân biệt rõ ràng. Mọi việc có thể mở, có thể đóng; có thể thăng tiến có thể thoái lui; có thể tôn trọng có thể khinh thường. Thánh nhân chỉ cần dựa vào những điều đó để nhận thức, khảo sát vạn vật. Khảo sát hư thực, hữu vô của chúng, thông qua phân tích sở thích và dục vọng của con người để biết được ý nghĩ nguyện vọng của con người. Làm giảm giá trị (chê bai) những lời của đối phương, sau khi họ "mở ra", lại tiếp tục khảo sát để tìm ra sự thật".
Quỷ Cốc Tử lại nói: "Mở và đóng là để hai mặt âm dương đối lập của sự vật biến hóa. Bốn mùa trong năm luân phiên thay đổi, cuối cùng là để thúc đẩy vạn vật thay
đổi. Từ đó có thể thấy, vạn vật biến hóa, bất kể là xa rời, trở về, phản kháng, đồng thuận đều được thực hiện thông qua nguyên lý đóng mở".
"Tung hoành bài hạp" tức nguyên lý "ngang dọc phân hợp" không những vận dụng để giải thích mọi hiện tượng tự nhiên mà còn để lý giải các quan hệ xã hội như quan hệ bạn bè, quan hệ địch ta...
Thời Bắc Tống - Trung Quốc, quan hệ ngoại giao rất phức tạp. Ngoài Tống, Liêu đối địch còn có Tây Hạ tham dự. Vua Tây Hạ là Nguyên Hạo đã dùng thuật "tung hoành bài hạp" của Quỷ Cốc Tử để yên ổn tồn tại ở giữa 2 nước lớn Tống, Liêu. Khi Nguyên Hạo lên ngôi, chính là lúc nước Tống phải ký kết hiệp ước nhục nhã, hàng năm cống vàng cho nước Liêu để cầu hòa. Nguyên Hạo áp dụng phương châm "Liên Liêu chống Tống", lấy công chúa Hưng Bình họ Da Luật của nước Liêu làm vợ, thân chinh ra tận biên giới đón dâu. Tuy vẫn nhận sắc phong của nhà Tống, nhưng khi nhận chiếu thư không quỳ và coi thường sứ giả nhà Tống. Sau mấy trận đánh lớn, Tây Hạ suy yếu, quân Liêu thừa cơ xâm nhập, mua chuộc dân chúng ở biên giới, giương chiêu bài "quan hệ Tây Hạ - Liêu" là "quan hệ cậu cháu" để áp chế Nguyên Hạo. Nguyên Hạo cũng không chịu thua kém, dụ hàng các bộ tộc biên giới nước Liêu, đàm phán liên kết với nhà Tống khiến quan hệ Liêu Hạ căng thẳng. Nước Liêu muốn xuất quân hỏi tội, Nguyên Hạo thấy tình hình không hay, để tránh bị đánh 2 mặt, lập tức ký hòa ước với Tống, không còn có thái độ khinh thường nhà Tống nữa. Năm 1044 sử dụng kế "dụ địch vào sâu", Nguyên Hạo đã đánh bại quân Liêu ở núi Hạ Lan, sau đó ưu đãi tù binh Liêu, phái sứ giả nghị hòa với Liêu, xin cống nạp như cũ, khiến cho 3 nước Tống - Liêu - Hạ ở vào thế chân vạc.
Quân sự phụ giúp ngoại giao, sau nhiều lần đánh thắng địch, Nguyên Hạo đều nghị hòa, chứng tỏ Nguyên Hạo là người linh hoạt, biết co duỗi đóng mở theo đạo Quỷ Cốc Tử. Mưu lược "đóng mở" dùng nhiều trong đấu tranh chính trị quốc tế, song cũng được dùng nhiều trong cuộc sống, cạnh tranh, công tác. Vấn đề quan trọng là nhà lãnh đạo có biết và có dùng đạo Quỷ Cốc Tử hay không.