Sự phát triển của KTNN được thể hiện trên hai mặt: quy mô của tổ chức và phạm vi hoạt động; trình độ chuyên môn hóa trong quản lý và tổ chức hoạt động kiểm toán. Trong quá trình phát triển, đặc biệt là tại các nước mà cơ quan KTNN mới được thành lập (Trung Quốc, Việt Nam, các nước chuyển đổi nền kinh tế ở Đông Âu...), quy mô tổ chức và phạm vi hoạt động của các cơ quan KTNN có xu hướng phát triển dần đến ổn định, hợp lý; do vậy, để phù hợp với các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển về quy mô của tổ chức và phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức của các cơ quan KTNN cũng dần định hình, hoàn chỉnh và ổn định tổ chức. Mặt khác, một trong những xu hướng phát triển tất yếu của mỗi tổ chức là sự phân công về quản lý và hoạt động theo hướng chuyên môn hóa. Trong quá trình phát triển của mỗi cơ quan KTNN, một mặt do sự phát triển về quy mô của tổ chức và phạm vi hoạt động, mặc khác do yêu cầu của quản lý trong nội bộ mỗi cơ quan KTNN ngày càng cao, nên tổ chức bộ máy (kể cả bộ máy quản lý và bộ máy tổ chức hoạt động kiểm toán) cũng có xu hướng ngày càng chuyên môn hóa, hình thành những đơn vị mới trên cơ sở tách các đơn vị cũ hoặc hình thành các cấp quản lý chuyên môn hóa hẹp (phòng, ban) trong mỗi đơn vị, dẫn đến sự thay đổi, ngày càng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức của các cơ quan KTNN.
Năng lực quản lý và tổ chức hoạt động kiểm toán là một yếu tố quan trọng tác động đến tổ chức và hoạt động kiểm toán của các cơ quan KTNN. Trong điều kiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên nhà nước và công chức của cơ quan KTNN còn hạn chế thì phương thức quản lý và tổ chức hoạt động thường được lựa chọn mô hình tương đối đồng nhất và đơn giản; mặt khác, với trình độ chuyên nghiệp của kiểm toán viên nhà nước còn hạn chế thì phương pháp kiểm toán, nội dung kiểm toán thường
35
tập trung vào kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính. Khi tính chuyên nghiệp của quản lý và hoạt động kiểm toán của cơ quan KTNN phát triển thì phương thức quản lý, tổ chức hoạt động và phương pháp nghiệp vụ kiểm toán cũng tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, tạo nên sự vận động, thay đổi về tổ chức và hoạt động của cơ quan KTNN. Theo các quy định của INTOSAI, năng lực của một cơ quan KTNN được phân thành: năng lực thể chế, năng lực hệ thống tổ chức và năng lực chuyên môn của cán bộ thuộc cơ quan KTNN đó. Từng khía cạnh năng lực trên đều tác động đến tổ chức và hoạt động của một cơ quan KTNN.
Ngoài ra, cơ chế quản lý của KTNN như đã đề cập trong mục 1.1.6 cũng tác động đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan KTNN.
Có thể nói, khi tất cả các yếu tố trên hoặc một trong số các yếu tố trên thay đổi sẽ tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, trong số các nhân tố trên, nhóm nhân tố năng lực - năng lực của bản thân cơ quan KTNN là nhân tố quan trọng hơn cả.