Về nội dung và loại hình kiểm toán

Một phần của tài liệu Những thay đổi trong hoạt động kiểm toán nhà nước của trung quốc từ khi gia nhập wto và bài học kinh nghiệm cho việt nam_luận án tiến sĩ kinh tế (Trang 120 - 122)

VII Các kết quả kiểm toán chính

2 Kết quả đầu ra

3.2.5. Về nội dung và loại hình kiểm toán

Trong giai đoạn trước khi có Luật KTNN, KTNN chủ yếu thực hiện loại hình kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ; các nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN cũng được quy định phù hợp với chức năng kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ.

Nội dung kiểm toán chủ yếu là các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, báo cáo quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) và việc tuân thủ pháp luật về tài chính, ngân sách, XDCB của các đơn vị được kiểm toán. Việc kiểm toán theo phương thức hậu kiểm, tức là chỉ kiểm toán quyết toán; chưa thực hiện tiền kiểm (kiểm toán dự toán) và kiểm toán trong quá trình thực hiện.

Thực hiện quy định của Luật KTNN, từ năm 2007, KTNN đã từng bước mở rộng nội dung kiểm toán được Luật quy định. KTNN đã tăng cường kiểm toán cả về chiều rộng và chiều sâu, thực hiện đầy đủ cả 3 loại hình kiểm toán: báo cáo tài chính, tuân thủ và hoạt động, chú trọng đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó chỉ rõ sai phạm, địa chỉ sai

116

phạm, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, kiến nghị cụ thể với các cơ quan liên quan xử lý theo quy định của pháp luật. KTNN kiểm toán, xác nhận các chỉ tiêu chủ yếu về tổng thu, tổng chi, bội chi NSNN để cung cấp thông tin xác thực và đảm bảo chất lượng cho Chính phủ, Quốc hội trong việc xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN và quyết định dự toán NSNN; cung cấp thông tin cho Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm. KTNN cũng thực hiện kiểm toán và xác nhận báo cáo quyết toán vốn đầu tư của các dự án XDCB, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức kinh tế nhằm cung cấp thông tin khách quan, trung thực và nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế từng bước phát triển theo chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được chú trọng, dựa trên nền tảng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, KTNN đã có những tiến bộ mới trong kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, trước hết là đối với các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia, các gói giải pháp của Chính phủ chống lạm phát, kích cầu.

Cùng với sự đa dạng các loại hình kiểm toán, các phương thức kiểm toán dự toán (tiền kiểm), bắt đầu từ năm 2006, thực hiện quy định của Luật KTNN, KTNN đã thực hiện thẩm định và trình bày ý kiến về dự toán NSNN hàng năm Chính phủ trình Quốc hội. Đây là hình thức tiền kiểm trong lĩnh vực NSNN. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia cũng được kiểm toán từ khi khởi công đến khi kết thúc đầu tư như: Trung tâm Hội nghị quốc gia, Dự án Cầu Vĩnh Tuy, Dự án Đường 5 kéo dài, Dự án nhà máy xi măng Thái Nguyên, Dự án Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 ... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của một số Bộ, ngành, địa phương. Phương thức kiểm toán chuyên đề cũng được triển khai mở rộng từ khi thực hiện Luật KTNN nhằm đi sâu kiểm toán, giải đáp các vấn đề thực tiễn trong công tác quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đang được dư luận quan tâm và đã đề xuất được nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, chế độ quản lý. Năm 2012, với nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ quản lý, điều hành, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, KTNN tập trung đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...; tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng đất, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; quản lý nhà ở, phát triển đô thị, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...

117

Một phần của tài liệu Những thay đổi trong hoạt động kiểm toán nhà nước của trung quốc từ khi gia nhập wto và bài học kinh nghiệm cho việt nam_luận án tiến sĩ kinh tế (Trang 120 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)