VII Các kết quả kiểm toán chính
2 Kết quả đầu ra
2.4.1. Bài học chung
2.4.1.1. Bài học về nhận thức
Thực tế cho thấy, chính việc đổi mới trong nhận thức về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần giúp Trung Quốc thành công trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc tiếp tục tận dụng được nhiều cơ hội để phát triển đất nước hơn nữa và thực hiện chính sách tự do hóa thương mại của mình một cách sâu rộng và phù hợp với các quy định, quy tắc quốc tế. Trong lĩnh vực kiểm toán, khi Trung Quốc gia nhập WTO, CNAO cũng đã chủ động tiến hành các nghiên cứu những tác động của việc gia nhập WTO và đánh giá tất cả các tác động đều mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn tiêu cực và mang đến nhiều cơ hội đối với hoạt động kiểm toán nhà nước Trung Quốc. Điều này thể hiện nhận thức sâu sắc của CNAO đối với việc gia nhập WTO và vai trò của KTNN Trung Quốc. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm hoạt động kiểm toán nhà nước của Trung Quốc 20 qua (từ năm 1980-2000), phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động kiểm toán nhà nước Trung Quốc tại thời điểm Trung Quốc gia nhập WTO, CNAO đã thiết lập hệ thống các biện pháp thích ứng với yêu cầu của WTO và các thay đổi cụ thể trong hoạt động kiểm toán nhà nước nhằm đóng vai trò tích cực trong việc giữ vững định hướng kinh tế thị trường theo các nguyên tắc của WTO đồng thời đảm bảo chức năng giám sát nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.
97
2.4.1.2. Đổi mới định hướng trong hoạt động kiểm toán
Qua nghiên cứu và phân tích hoạt động kiểm toán nhà nước Trung Quốc trước và sau khi gia nhập WTO có thể thấy, định hướng phát triển hoạt động kiểm toán nhà nước bám sát và thực hiện nhất quán chức năng giám sát thông qua việc tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế. Vị trí và trách nhiệm pháp lý của KTNN Trung Quốc trong bộ máy nhà nước là nhằm tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế của đất nước, phục vụ cho công cuộc cải cách, phát triển, ổn định và hội nhập kinh tế. Kinh nghiệm gần 30 năm qua (từ năm 1980 đến nay) cho thấy hoạt động kiểm toán nhà nước Trung Quốc luôn phát triển và lớn mạnh rất nhanh nhờ việc bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước cũng như phục vụ theo yêu cầu khác nhau của công cuộc cải cách, mở cửa nền kinh tế. Tập trung xung quanh nhiệm vụ điều chỉnh và chuẩn hóa trật tự kinh tế thị trường, ngăn chặn các hành vi kế toán sai trái và chống tham nhũng, các cơ quan kiểm toán nhà nước Trung Quốc đã tăng cường điều tra và xử lý tài chính nhiều đơn vị vi phạm pháp luật. Thực tiễn kiểm toán của Trung Quốc chứng minh rằng trong quá trình tập trung xung quanh nhiệm vụ trọng tâm và phục vụ tình hình đất nước, hoạt động kiểm toán nhà nước có sự gắn kết thực sự với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Việc Trung Quốc gia nhập WTO là một trong những quyết sách của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, khi Trung Quốc gia nhập WTO nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, CNAO đã thay đổi định hướng hoạt động của mình nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mặt khác là sự tiếp nối quá trình vận động và phát triển tự thân của các cơ quan kiểm toán nhà nước Trung Quốc. CNAO đã tiến hành đổi mới định hướng hoạt động kiểm toán với quan điểm “3 đại diện”: (1) tăng cường chức năng kiểm tra và giám sát của hoạt động kiểm toán theo Hiến pháp và pháp luật; (2) thực hiện định hướng “hoạt động kiểm toán phải tuân thủ pháp luật, giải quyết tất cả yêu cầu chủ yếu của đất nước, tập trung vào kết quả thực tế” với nguyên tắc “thực hiện kiểm toán toàn diện và tập trung vào các lĩnh vực chính”; (3)thực hiện đánh giá chặt chẽ hơn tính tuân thủ, hiệu lực và hiệu quả về thu, chi ngân sách nhằm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong các định hướng trên, định hướng “hoạt động kiểm toán phải tuân thủ pháp luật, giải quyết tất cả yêu cầu chủ yếu của đất nước, tập trung vào kết quả thực tế” với nguyên tắc “thực hiện kiểm toán toàn diện và tập trung vào các lĩnh vực chính” vừa có ý nghĩa khoa học vừa phù hợp với tình hình thực tế và nguồn lực hiện tại của KTNN Trung Quốc. Thông qua việc tăng cường kiểm toán các lĩnh vực được ưu tiên như tăng cường kiểm toán các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, các bộ ngành, quan trọng, các quỹ chính và đặc biệt nỗ lực công khai, điều tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật và các quy định của Nhà nước, KTNN Trung Quốc có thể áp dụng kinh nghiệm kiểm toán lĩnh vực này đối với hoạt động
98
kiểm toán ở các lĩnh vực khác nhằm phát hiện và giải quyết các vấn đề trọng yếu có tác động đến toàn bộ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện các nguồn lực cho hoạt động kiểm toán còn hạn chế.
2.4.1.3. Thay đổi nội dung và lĩnh vực kiểm toán
Cơ quan Kiểm toán nhà nước Trung Quốc đã hình thành và phát triển cùng với quá trình cải cách và mở cửa nền kinh tế, do đó, hoạt động kiểm toán nhà nước phải thích nghi với tình hình thực tế của nền kinh tế. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, môi trường kiểm toán đã thay đổi khá nhiều, theo đó các đối tượng kiểm toán cũng thay đổi. CNAO đã chủ động tìm phương thức kiểm toán mới để phục vụ tốt hơn cho công cuộc cải cách và xây dựng kinh tế trong khi đạt được những sự đổi mới và cải tiến của mình. Về nội dung kiểm toán, các cơ quan kiểm toán nhà nước đã mở rộng hoạt động thông qua việc tập trung điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ và hoạt động kinh tế của các đơn vị được kiểm toán… để ngăn chặn các hành vi gian lận liên quan đến việc thu, chi tài chính và ngân sách nhà nước trên cơ sở đảm bảo tính trung thực; và khẳng định tầm quan trọng của kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Về lĩnh vực kiểm toán, các cơ quan kiểm toán Trung Quốc chuyển dần từ kiểm toán doanh nghiệp và kiểm toán các hoạt động công ích sang “kiểm toán các cơ quan tài chính cùng cấp”, kiểm toán an ninh xã hội, kiểm toán trách nhiệm kinh tế và kiểm toán môi trường.
2.4.1.4. Nâng cao tính minh bạch của các kết quả kiểm toán
Theo Điều 36 của Luật Kiểm toán Trung Quốc, Cơ quan Kiểm toán có quyền công khai các số liệu kiểm toán. Nhưng do mức độ minh bạch về các xử sự mang tính quốc gia bị hạn chế nên việc công khai các kết quả kiểm toán của Trung Quốc đã không được thực hiện trong vòng 8 năm - trước khi Luật Kiểm toán Trung Quốc có hiệu lực. Sau khi gia nhập WTO, CNAO đã đề xuất thiết lập một Hệ thống công khai hoá các kết quả kiểm toán. Cơ quan quản lý cao nhất của CNAO đã hoàn thành Nghiên cứu khả thi về Hệ thống này và trình Quốc vụ viện phê duyệt. Nội dung chính của Nghiên cứu này là nhằm thiết lập một Hệ thống công khai hoá các kết quả kiểm toán thuộc CNAO và đề xuất rằng CNAO sẽ công khai hoá các Báo cáo chính thức về kết quả kiểm toán trong việc thực hiện ngân sách Trung ương; Báo cáo về thu nhập và chi tiêu khác thuộc tài chính công; Báo cáo toàn diện về kết quả kiểm toán trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế; Báo cáo đặc biệt về các kết quả kiểm toán của các Bộ, ban, ngành chủ chốt và Báo cáo về tình trạng hoạt động của các lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng. Như một sáng kiến khẳng định tầm quan trọng của CNAO, Hệ thống công khai hoá kết quả kiểm toán được thiết lập nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về hoạt động kiểm toán và thông qua đó, hiệu lực của hoạt động kiểm toán ở Trung Quốc cũng được nâng cao hơn.
99
2.4.1.5. Xây dựng và phát triển năng lực của Cơ quan KTNN
Xây dựng năng lực đang là sự quan tâm chính của các cơ quan KTNN. Việc xây dựng năng lực của một cơ quan KTNN thể hiện trên ba khía cạnh: (1) năng lực thể chế; (2) năng lực tổ chức và (3) năng lực nhân sự. Sau khi gia nhập WTO, trước thách thức của môi trường kiểm toán thay đổi, bên cạnh việc cải thiện và tăng cương chức năng giám sát và phục vụ của mình, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc vẫn quan tâm rất lớn đến sự phát triển nội bộ thông qua việc: xây dựng đội ngũ kiểm toán viên, thiết lập hệ thống pháp lý và hiện đại hóa các phương thức, kỹ thuật kiểm toán. Để nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, các cơ quan kiểm toán nhà nước đã nỗ lực đào tạo nhân sự hiện tại; đồng thời có chính sách quản lý nhân sự một cách nghiêm khắc nhằm tạo ra một hình ảnh tốt về cán bộ kiểm toán viên nhà nước. Về xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán, bên cạnh Luật Kiểm toán, các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, CNAO đã xây dựng tương đối đầy đủ các chuẩn mực, quy trình kiểm toán và các tài liệu hướng dẫn nhằm thiết lập hệ thống pháp lý kiểm toán đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Về phương thức và kỹ thuật kiểm toán, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc đã chuyển từ công tác kiểm tra kế toán giản đơn sang áp dụng các kỹ thuật hiện đại như phân tích hoạt động kinh tế, thử nghiệm kiểm soát nội bộ cũng như chọn mẫu kiểm toán từ phương pháp thủ công sang phương pháp có sự trợ giúp của máy tính.