Nhu cầu của Nhà nước và nền kinh tế về Kiểm toán Nhà nước

Một phần của tài liệu Những thay đổi trong hoạt động kiểm toán nhà nước của trung quốc từ khi gia nhập wto và bài học kinh nghiệm cho việt nam_luận án tiến sĩ kinh tế (Trang 34 - 35)

Đây là điều kiện quan trọng, yếu tố khách quan làm phát sinh hoạt động kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán nhà nước. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, kiểm toán ra đời với hai điều kiện là: nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền; do vậy:

- Sự ra đời của nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền là cơ sở quan trọng đối với việc hình thành nhu cầu kiểm toán nói chung và kiểm toán nhà nước nói riêng. Vì vậy, bản thân KTNN phải trở thành công cụ phục vụ cho chính nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền.

- Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền là một quá trình lịch sử; do vậy, trong mỗi giai đoạn phát triển của nó, nó đòi hỏi KTNN với tính cách là công cụ của kinh tế và Nhà nước cũng phải được vận động và phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế và Nhà nước trong từng thời kỳ. Do đó, KTNN cũng cần được phát triển cả về quy mô, phạm vi hoạt động, các chức năng kiểm toán, các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ… phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và nhà nước trong từng thời kỳ.

Chính nhu cầu của Nhà nước và nền kinh tế về KTNN là cơ sở tạo ra các mối quan hệ qua lại giữa Quốc hội, các đơn vị được kiểm toán, công chúng đối với KTNN. Khi Nhà nước và nền kinh tế càng phát triển thì yêu cầu và kỳ vọng của Quốc hội, các đơn vị được kiểm toán và công chúng đối với chất lượng hoạt động kiểm toán nhà nước càng cao.

KTNN là công cụ phục vụ cho quản lý nhà nước về kinh tế, do vậy, hoạt động của KTNN phải đáp ứng yêu cầu về những nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý kinh tế của nhà nước trong từng thời kỳ; có thể đề cập đến những đặc trưng về yêu cầu quản lý kinh tế của nhà nước như sau:

30

Thứ nhất, thời kỳ mà Nhà nước tập trung vào chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực kinh tế công thì nhiệm vụ của KTNN phải đặt trọng tâm vào kiểm toán tuân thủ chế độ tài chính kế toán (kiểm toán báo cáo tài chính), do vậy, việc định hướng kiểm toán (xây dựng các kế hoạch kiểm toán) và tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện kiểm toán tập trung vào thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán điều tra.

Thứ hai, thời kỳ mà Nhà nước tập trung vào nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế công (tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực) để phát triển nền kinh tế thì nhiệm vụ của KTNN phải đặt trọng tâm vào kiểm toán hoạt động, do vậy, việc định hướng kiểm toán (xây dựng kế hoạch kiểm toán) và tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện kiểm toán tập trung vào thực hiện kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế công.

Thứ ba, thời kỳ mà Nhà nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia vào các tổ chức quốc tế như WTO thì yêu cầu đối với việc tổ chức và hoạt động của các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cũng thay đổi, trong đó có tổ chức và hoạt động của KTNN. Nâng cao trách nhiệm giải trình và tăng cường tính minh bạch của thông tin là yêu cầu đặt ra đối với mọi cơ quan KTNN.

Thứ tư, thời kỳ mà nền kinh tế chịu ảnh hưởng của sự khủng hoảng tài chính toàn cầu thì nhiệm vụ đặt ra đối với cơ quan KTNN là phải nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân để đề xuất giải pháp khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng thông qua hoạt động kiểm toán...; nâng cao vai trò giám sát tài chính nhà nước và các nguồn lực công.

Như vậy, yêu cầu về nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý kinh tế của nhà nước trong từng thời kỳ là nhân tố quan trọng định hướng cho quản lý và hoạt động của KTNN trong từng thời kỳ.

Một phần của tài liệu Những thay đổi trong hoạt động kiểm toán nhà nước của trung quốc từ khi gia nhập wto và bài học kinh nghiệm cho việt nam_luận án tiến sĩ kinh tế (Trang 34 - 35)