- Trưởng bộ môn là công cụ số 1 của lãnh đạo giúp nhà trường nâng cao chất lượng.
ĐỔI MỚI QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Bùi Việt Phú1
Đặt vấn đề
Sự hình thành nền giáo dục đại học (GDĐH) nước ta có thể được đánh dấu bằng việc thành lập Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, theo mô hình phương Đông, tại kinh thành Thăng Long vào năm 1076, dưới thời nhà Lý. Từ đó đến nay, lịch sử GDĐH nước ta đã có những bước phát triển thăng trầm, mỗi thời kỳ được hình thành một cơ chế quản lý hiện thực: thời kỳ phong kiến, thường gọi là thời kỳ Nho học, đây là một dấu mốc quan trọng của GDĐH Việt Nam, với phương châm “Muốn có nhân tài trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là hàng đầu”. Tiếp đến thời kỳ thuộc Pháp, nền GDĐH Việt Nam chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục phương Tây, toàn bộ được du nhập từ mô hình đại học Pháp, sau Cách mạng tháng 8/1945, trong sắc lệnh 146/SL ngày 10/8/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Xây dựng nền giáo dục mới, nền giáo dục cách mạng với 3 nguyên tắc cơ bản đó là: “Đại chúng - Dân tộc - Khoa học”. Trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất đất nước, ở miền Bắc theo mô hình GDĐH Liên Xô (cũ), miền Nam hình thành mô hình kiểu Mỹ, tồn tại song song hai mô hình Pháp và Mỹ. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 trên phạm vi cả nước, GDĐH được xây dựng lại: hệ thống GDĐH theo mô hình Liên Xô được củng cố và phát triển. Hệ thống này tồn tại cho đến cuối năm 1986, nhưng bộc lộ nhiều nhược điểm gây trì trệ cho sự phát triển. Cả đất nước lúc đó gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội do hậu quả của chiến tranh và tác động tiêu cực của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Từ đầu năm 1987, Chính phủ quyết định từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, bắt đầu thời kỳ “Đổi mới”. Từ đó, cùng với kinh tế xã hội, nền GDĐH Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến. Như vậy, cho đến nay nền GDĐH hiện đại của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của ba mô hình GDĐH phương Tây: mô hình Pháp, mô hình Liên Xô (mà thực chất là hỗn hợp mô hình Pháp, Đức với sự chi phối của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung) và mô hình Mỹ.