Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Tình hình phát triển sản xuấtkhoai tâytại Việt Nam
2.2.2.1. Một số chính sách phát triển khoai tây ở Việt nam
Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn có chủ trương mở rộng và phát triển diện tích khoai tây và coi khoai tây là cây trồng vụ Đông đầy tiềm năng. Một số tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… coi khoai tây là cây trồng chính trong vụ Đông và đưa vào cơ cấu những cánh đồng 50 triệu đồng. Các tỉnh có chính sách hỗ trợ cho phát triển khoai tây như hỗ trợ giống, hỗ trợ xây kho lạnh, cụ thể hóa bằng các trương trình dự án về giống, dự án hợp tác thu mua sản phẩm nhằm:
- Thúc đẩy xây dựng hệ thống nhân giống khoai tây có chất lượng áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, cung cấp cho giống có chất lượng cho nhân dân trồng khoai thương phẩm.
- Tăng cường công tác xác nhận khoai tây giống là điều quan trọng khác mà Bộ đang thực hiện để thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam. Thông qua dự án khoai tây Việt Đức, nhằm tăng cường năng lực cho các đơn vị thành viên trong việc kiểm định, kiểm nghiệm giống cây trồng nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân sử dụng cây trồng nói chung và giống khoai tây nói riêng.
- Tăng cường công tác kiểm dịch khoai tây giống nhập khẩu, góp phần ngăn chặn việc xâm nhập sâu bệnh từ khoai nhập khẩu.
- Đẩy mạnh công tác khảo nghiệm và công nhận giống mới nhằm tìm ra nhiều giống tốt hơn cho sản xuất đặc biệt là giống cho chế biến góp phần làm giảm tỷ lệ nhập khẩu khoai tây nguyên liệu.
- Tăng cường công tác khuyến nông về khoai tây như mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng khoai tây giống và khoai tây thương phẩm, xây dựng các mô hình về hệ thống nhân giống, về giống mới và sản xuất khoai tây hàng hóa.
- Khuyến khích mối liên kết giữa các đối tác có liên quan trong ngành sản xuất khoai tây như người sản xuất, thương nhân, cơ sở chế biến, đơn vị nghiên cứu nhằm trao đổi thông tin, hợp tác và phát triển.
Nghị quyết số 15/2013/QH11 ngày 17/06/2013 về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp: miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức theo quy định của pháp luật cho từng vùng đối với hộ nông dân…, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích của hộ nghèo, hộ sản xuất nông nghiệp ở xã đặc biệt khó khăn theo quy định của chính phủ; giảm 50% số thuế sử dụng
đất nông nghiệp khi thu hàng năm đối với đất sản xuất nông nghiệp của các đối tượng không thuộc diện nêu trên và diện tích đất sản xuất nông nghiệp vượt quá hạn mức theo quy định của pháp luật đối với hộ nông dân… nghị quyết này được thực hiện từ năm thuế 2003 đến năm thuế 2010.
2.2.2.2. Thực trạng sản xuất khoai tây ở Việt Nam trong thời gian qua
Khoai tây không phải là cây trồng bản địa mà đã được trồng ở Việt Namtừ hơn 100 năm nay, được nhập nội vào nước ta từ Châu Âu do người Pháp mang vào. Trước năm 1966, diện tích trồng khoai tây chỉ đạt dưới 1 nghìn ha và được trồng rải rác ở Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt, Cao Bằng, Đông Anh (Hà Nội), Thường Tín (Hà Tây), Đồ Sơn (Hải Phòng). Từ những năm 60 đến những năm 70, nhờ cuộc cách mạng xanh ở miền Bắc nên diện tích trồng khoai tây được mở rộng. Năm 1971 có 5 nghìn ha khoai tây, năm 1980 diện tích trồng khoai tây lên tới 100.000 ha, mỗi năm tăng 12.000 ha sau đó giảm xuống còn 28.022 ha năm 2000 và hiện nay đạt 40.000 ha năm 2012.
Bảng 2.5. Tình hình sản xuất khoai tây ở Việt Nam
Năm Diện tích (ha) Năng suất (Tấn/ha) Sản lượng (tấn) 2007 36000 10,33 372000 2008 36000 10,56 380000 2009 37000 10,49 388000 2010 36683 10,76 394862 2011 39000 10,89 425000 2012 40000 11,00 440000 Nguồn: FAO (2012)
Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Vào mùa đông có nhiệt độ trung bình 15 - 25° C, thuận lợi cho khoai tây sinh trưởng và phát triển. Về năng suất, các nhà nghiên cứu cho rằng năng suất khoai tây tiềm năng ở Việt Nam có thể đạt 40 tấn/ha. Kết quả thực tế cho thấy, năng suất có thể đạt 30 tấn/ha nếu có giống tốt. Song năng suất bình quân hiện nay mới đạt khoảng 10-11 tấn/ha, mà nguyên nhân là do chất lượng củ giống. Tuy nhiên, so với các loại cây trồng khác, cây khoai tây có ưu thế hơn hẳn về thời vụ, năng suất và giá trị sử dụng cho nên việc sản xuất khoai tây của nước ta trong những năm gần đây có xu hướng tăng, mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ nông dân cũng như góp phần cho sản xuất nông nghiệp đa dạng và bền vững.
Qua số liệu bảng 2.5 cho thấy diện tích trồng khoai tây của nước ta tăng 1000 ha từ năm 2008 đến năm 2009, nhưng đến năm 2010 lại giảm xuống còn 36683 ha.Từ năm 2010 đến năm 2012 bắt đầu có xu hướng tăng trở lại đạt 40000 ha, tăng 3317 ha so với năm 2010. Song bên cạnh sự tăng lên về diện tích thì năng suất cũng tăng giảm thất thường nhưng không đáng kể, năng suất khoai tây cao nhất vào năm 2012 là 11 tấn/ha. Sản lượng khoai tây năm 2007 đạt 372000 tấn, có biến động tăng dần đến năm 2012 đạt 440000 tấn.
Nguyên nhân dẫn đến diện tích, năng suất khoai tây của Việt Nam còn thấp và không ổn định là:
- Thiếu bộ giống thích hợp với điều kiện nóng ẩm, đặc biệt là thiếu hụt củ giống chất lượng tốt có thể trồng ở nhiều vùng sản xuất. Để trồng 1 ha khoai tây ở Việt Nam cần 1,2 – 1,5 tấn củ giống, mức hao hụt 40 – 50% trong quá trình bảo quản, lượng giống cần giữ ban đầu có thể lên tới 2,5 – 3 tấn củ tươi.Với diện tích 35.000 ha sản xuất cần 42 – 52 ngàn tấn giống do đó các giống khoai tây sản xuất ở Việt Nam chỉ đáp ứng được 20% diện tích, vì vậy 60% giống của nước ta phải nhập từ Trung Quốc, 20% giống nhập từ Hà Lan, Đức. Việc phụ thuộc vào giống của nước ngoài đã hạn chế đáng kể tới khả năng phát triển của cây khoai tây do các giống của Đức, Hà Lan thì giá quá cao (12.000 đồng/kg), còn giống của Trung Quốc tuy rẻ (2.000 đồng/kg), nhưng chất lượng lại không đảm bảo, giống không chuẩn, mang nhiều nguồn bệnh gây ô nhiễm đồng ruộng. Thông thường tất cả các giống khoai tây có độ ổn định rất ngắn, chỉ trong vòng 3-4 vụ sẽ bị thoái hoá do virus và buộc phải thay giống.
- Củ giống bị thoái hoá, không sạch bệnh và già sinh lý: Thời gian bảo quản giống ở Việt Nam rất dài (từ tháng 1 đến tháng 9). Giống phải bảo quản lâu trong thời gian nhiệt độ cao nên củ giống bị già hóa nhanh. Trồng củ trẻ sinh lý năng suất cao hơn 40% so với trồng củ già. Mặt khác hầu hết các giống khoai tây trồng trên đồng ruộng đều bị nhiễm virus với tốc độ tăng dần làm cho giống bị thoái hóa, năng suất và chất lượng giảm sút.
- Điều kiện khí hậu ở Việt Nam ít thuận lợi cho khoai tây sinh trưởng, phát triển: Nhiệt độ cao, ngày ngắn và nhiều điều kiện khí hậu không thích hợp nên khoảng cách giữa năng suất thực tế với tiềm năng năng suất là rất lớn (chỉ bằng 10%) và thời vụ gieo trồng ngắn, chỉ trồng được 1 đến 2 vụ/năm. Thời vụ gieo trồng ngắn không chỉ trồng được ít vụ mà năng suất cây trồng cũng không cao. Do điều kiện khí hậu không thuận lợi nên thời gian sinh trưởng của các
giống khoai tây nhập nội khi trồng ở Việt Nam thường bị rút ngắn, chỉ khoảng 85 – 115 ngày. Thời gian sinh trưởng ngắn là yếu tố bất lợi, hạn chế nhiều đến năng suất và phẩm chất khoai tây.
Vào đầu thập kỷ 70 với sự áp dụng rộng rãi về giống mới có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với những giống truyền thống, nông dân vùng đồng bằng sông Hồng có điều kiện trồng thêm vụ đông sau khi thu hoạch vụ lúa xuân và vụ mùa trong một năm. Trong những năm qua, diện tích trồng cây khoai tây có xu hướng tăng lên, và do đổi mới kỹ thuật một số giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt được nhập khẩu từ Đức và Hà Lan đã giúp bà con nông dân thu được năng suất đáng kể. Diện tích gieo trồng khoai tây đạt 35000 ha vào năm 2002-2003 với năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha. Năm 2009-2010 thì diện tích gieo trồng tăng lên 45-50.000 ha với năng suất bình quân khoai tây đạt 15-16 tấn/ha. Số hộ nông dân sản xuất khoai tây giống xác nhận tăng từ 1.100 năm 2003 lên ít nhất là 3.300 hộ vào năm 2009. Thu nhập từ sản xuất khoai tây của các hộ sản xuất khoai tây thương phẩm từ giống xác nhận cao hơn 25% thu nhập của các hộ không dùng khoai tây giống xác nhận. Tất cả các chủ hộ trồng khoai tây đều được học hành và có trình độ văn hóa nhất định. Điều này rất quan trọng vào tạo cho người sản xuất khoai tây tiếp thu được kỹ thuật mới trong sản xuất khoai tây.
Trung bình mỗi hộ với 4,3 nhân khẩu có thể thu được 2.210.000 đồng trong 3 tháng vụ đông trong lúc không phải thời vụ lúa. Khoai tây đóng góp khoảng 12% tổng thu nhập ròng từ nông nghiệp của hộ, giúp nông dân có thêm 4,05 triệu đồng/ha do năng suất lúa luân canh với khoai tây tăng khoảng 15%, tiết kiệm được chi phí làm đất (tiết kiệm 100% chi phí phân bón trong vụ xuân và 30% trong vụ mùa),tiết kiệm chi phí làm đất ( 24-26%) và tiết kiệm chi phí lao động (12- 24 %). Bình quân một ha khoai tây có thể tạo cho nông dân thu được 15,27 triệu đồng thu nhập và 39.800 đồng một ngày/ người.Với 95% sản lượng khoai tây sẵn có ở miền Bắc từ tháng 12 đến tháng 4, trong khi đó chỉ có 5% sản lượn khoai tây được sản xuất liên tục 2-3 vụ trong vòng 7 đến 8 tháng tại Đà Lạt – cao nguyên Trung bộ miền Nam. Sự phân bổ này đã làm cho giá khoai tây thấp lúc thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 và giá đắt trong thời gian không phải vụ khoai tây từ tháng 5 đến tháng 10.
Sản lượng khoai tây ở Việt Nam bao gồm hơn 10 giống. Giống Thường Tín vẫn còn được trồng khoảng 8,5% diện tích cả nước, nhất là các tỉnh Thái
Bình, Hải Dương, Nam Định và Ninh Bình. Các giống nhập từ châu Âu như Diamant, Mariella và Nicola đang được trồng chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng với 15,19% tổng diện tích. Đặc biệt giống VT2 của Trung Quốc chiếm tới 66% tổng diện tích khoai tây vì nó cho năng suất khá cao ( khoảng 16-20 tấn/ha). Mức giống trung bình một ha là 908 kg/ha dao động từ 747 kg tới 1077kg/ha. Đến tháng 4 năm 2003, có khoảng 79 kho lạnh với công suất bảo quản là 2.615 tấn ( 33 tấn/kho). Khoảng 54% số nông dân dùng giống được bảo quản lạnh. Hầu hết nông dân thiếu sự hiểu biết về sự tiện lợi của sử dụng giống bảo quản trong kho lạnh. Chí phí cho bảo quản lạnh chiếm từ 1.700-2.000 đồng/kg. Khoảng 75% số nông dân trồng khoai tây mua hoàn toàn hay một phần giống khoai tây. Đây là nhân tố quan trọng cho hình thành và phát triển ngành sản xuất khoai tây giống ở Việt Nam. 83% sản lượng thu hoạch được thu hoạch được dùng để bán. 5% sản lượng thu hoạch được dùng làm thức ăn cho gia súc, chủ yếu là nuôi lợn và khoảng 2% được dùng làm giống, 10% được dùng để tiêu dùng tại nhà. Tỷ lệ này khác nhau theo địa phương, điều kiện thị trường và tỷ lệ khoai tây dùng làm giống, chăn nuôi và tiêu dùng gia đình có thể cao hơn.
2.2.2.3. Một số khó khăn và thách thức đối với sản xuất khoai tây ở Việt Nam hiện nay
- Do sản xuất của nông dân chủ yếu trong điều kiện bình thường nên thời tiết, khí hậu nhiều khi gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất khoai tây, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng khoai, không đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật đề ra.
- Đất trồng khoai giữa các vùng khác nhau, quy mô về diện tích còn nhỏ, manh mún, điều kiện về thủy lợi không thuận lợi nhất là việc tưới tiêu định kì cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và năng suất.
- Giống khoai tây bị thoái hóa do nhiều nguyên nhân, hệ thống sản xuất khoai tây giống hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chi phí cao.
- Trình độ sản xuất khoai tây tại một địa phương chưa đồng đều do việc tiếp thu khoa học kĩ thuật áp dụng vào sản xuất còn hạn chế. Người nông dân còn phải vay vốn với lãi suất cao, số lượng được vay thấp.
- Công tác chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, gây lãng phí và làm giảm giá trị sản xuất khoai tây, cũng như hiệu quả kinh tế của khoai tây. Phương pháp bảo quản cổ truyền có tỷ lệ hao hụt lớn, các cơ sở bảo quản bằng kho lạnh ít.
- Việc tiêu thụ khoai tây còn gặp nhiều khó khan, chủ yếu bán lẻ cho tiêu dùng thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ khoai tây tươi trong nước còn hạn chế, không ổn định, giá cả giao động lớn. Chưa có doanh nghiệp thu mua xuất khẩu tại Việt Nam.
- Việc khoai tây Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch làm cho việc sản xuất khoai tây gặp không ít khó khăn.