71 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Sđd, tr 563.
9.2.2. Vai trò của lý luận và tổ chức thực tiễn
Nói đến lý luận và tổng kết thực tiễn là nói đến các yếu tố làm nên trí tuệ của Đảng. Trong "Sửa đổi lối làm việc", Hồ Chí Minh hiểu lý luận là "đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính". Lý luận có vai trò rất to lớn, nó như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế; không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Đối với Đảng, cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh yêu cầu phải nâng cao hiểu biết cả về lý luận và thực tiễn, nối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Người nói: "Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ", "lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được
hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không đem ra thực hành thì khác nào một cái hòm đựng sách". Lý luận và thực hành có quan hệ qua lại: Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhìn theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên.
Đánh giá cao vai trò của lý luận và thực hành, Hồ Chí Minh đi đến kết luận: Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế; phải gắng học, học thì phải hành; phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông. Bên cạnh học lý luận, người cán bộ phải có ý thức biết tổng kết kinh nghiệm trong công tác. Phê bình và tổng kết kinh nghiệm công tác là quy luật tiến bộ trong sự nghiệp cách mạng.