Vị trí, vai trò của cần, kiệm, liêm, chính

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh (Trang 136 - 139)

73 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Sđd, tr 563.

13.2.1. Vị trí, vai trò của cần, kiệm, liêm, chính

Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người, đặc biệt đối với người cách mạng. Bởi vậy, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của cần, kiệm, liêm, chính trong sự nghiệp cách mạng và đề cập đến phẩm chất này nhiều nhất, thường xuyên nhất, từ tác phẩm

Đường Kách mệnh cho đến bản Di chúc lịch sử.

Tại sao Hồ Chí Minh cho rằng: Cần, kiệm, liêm, chính là phẩm chất không thể thiếu đối với con người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên? Bởi vì, trước hết đối với mỗi con người, cần, kiệm, liêm, chính gắn liền với hoạt động hàng ngày của họ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rằng: Ngày 19-5-1946, trong dịp sinh nhật được tổ chức lần đầu tiên của Bác Hồ, các đại biểu trong Ban vận động đời sống mới đến chúc thọ Bác, xin Bác cho cuộc vận động một khẩu hiệu. Khi Hồ Chí Minh đề ra khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, các đại biểu cho là cũ, thì Người cười và nói: “Hàng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, thở khí trời mà sống. Những việc đó ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, sau này con cháu chúng ta cũng phải làm. Vậy, ăn cơm, uống nước, thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc làm không khi nào trở thành cũ cả. Cần, kiệm, liêm, chính đối với đời sống mới cũng vậy”.

Hồ Chí Minh còn ví phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính cần thiết đối với con người như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, là bốn đức tạo nên chất người ở mỗi chúng ta. Bác đã khéo gắn ba phạm trù Thiên, Địa, Nhân để nêu bật một vấn đề cốt lõi về nhân cách con người của chế độ mới. Người viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất Thiếu một đức thì không thành người”.

Với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh cho rằng cần, kiệm, liêm, chính càng đặc biệt quan trọng. Điều đó xuất phát từ vai trò, vị trí của người cán bộ,

đảng viên trong sự nghiệp cách mạng: Cán bộ là gốc của mọi công việc, đạo đức cách mạng là gốc của người cán bộ, mà cần, kiệm, liêm, chính là phẩm chất quan trọng của đạo đức cách mạng. Do vậy, theo Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính của người cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết. Mặt khác, Người cho rằng: “Cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”. Người còn nói: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Muốn tránh điều trên thì cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, gắn việc rèn luyện với công tác thực tế.

Với Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính còn là chuẩn mực, là thước đo hành vi “sống” của người cộng sản. Muốn là cán bộ, đảng viên tốt phải là người tốt, phải giữ nhân cách. Người khuyên cán bộ, đảng viên: “Muốn giữ vững nhân cách, tránh mọi hủ hóa thì phải thực hành 4 chữ mà Bác thường nói: Đó là: cần, kiệm, liêm, chính”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính còn là yếu tố quan trọng và cần thiết của xã hội mới. Sau Cách mạng Tháng Tám và trong những năm kháng chiến, nhờ cần, kiệm, liêm, chính mà nhân dân và cán bộ ta mới đánh thắng được giặc lụt, giặc dốt và giặc ngoại xâm, từng bước xây dựng đời sống mới ấm no, vui vẻ và lành mạnh. Nhờ cần, kiệm, liêm, chính mà chúng ta mới hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục, cải tạo, xây dựng miền Bắc, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu thuẫn vững chắc cho cách mạng miền Nam đánh Mỹ. Trong giai đoạn này, đồng bào, chiến sĩ miền Bắc luôn thể hiện tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, giữ vững khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”;“Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. Điều đó đã chứng minh rằng, trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng thì phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính cũng luôn có một vị trí xứng đáng trong xây dựng, rèn

luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, có ảnh hưởng to lớn tới tiến trình đi lên của dân tộc. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là thước đo văn minh tiến bộ của một dân tộc. Người nói: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Nếu những phẩm chất này đã cần thiết đối với mỗi người Việt Nam khi đất nước còn phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược do chủ nghĩa thực dân, đế quốc gây ra, thì lại càng cần thiết khi đất nước phát triển trong xây dựng hòa bình. Vì vậy, “cần, kiệm, liêm, chính còn là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc”.

Với Hồ Chí Minh, trong xã hội mới, cần, kiệm, liêm, chính còn là cái để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh và ngược với nó là biểu hiện của một xã hội suy vong.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh (Trang 136 - 139)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(167 trang)
w