NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DI CHÚC

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh (Trang 154 - 158)

73 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Sđd, tr 563.

14.2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DI CHÚC

Di chúc là một chương trình hành động đấu tranh giải phóng dân tộc, cải tạo, xây dựng, tái thiết và đổi mới đất nước sau khi thống nhất, giang sơn thu về một mối. Những luận điểm diễn đạt trong Di chúc đạt đến chiều sâu của các sáng tạo văn hoá.

Theo quan niệm của UNESCO, nếu coi văn hoá là canh tân và sáng tạo

thì Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đầy đủ của hai loại giá trị tiêu biểu này.

Di chúc của Người chứa đựng và bao quát tinh thần đổi mới, phát triển như là hạt nhân cốt lõi của phương pháp hành động biện chứng và cũng là nét đặc trưng trong phong cách tư duy của Người. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng: Quá trình cách mạng là một quá trình luôn luôn đổi mới. Bản thân thực tiễn cách mạng, cuộc sống lao động, sản xuất và chiến đấu của nhân dân luôn luôn đổi mới và phát triển; tư duy và hành động của con người, nhất là của tầng lớp lãnh đạo phải có hai phẩm chất này: Đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp là công việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Toàn bộ tinh thần của Di chúc xâu chuỗi nhận thức và hành động đổi mới trong việc xử lý các mối quan hệ, giải quyết tất cả những vấn đề phức tạp, khó khăn. Chính vì vậy, Di chúc cùng với Đời sống mới (1947), Sửa đổi lối làm việc

(1947), Dân vận (1949) là những tác phẩm của Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tư duy đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1986. Xét về mặt lý luận, công cuộc đổi mới ở Việt Nam do Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo không phải là ngẫu nhiên, mà được chuẩn bị và xuất phát từ những tiền đề tư tưởng trước đó, là sự tiếp nối hợp lôgíc dòng chảy liền mạch tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng của toàn bộ tiến trình đổi mới, mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình lý luận tổng kết với

các luận điểm độc đáo, sáng tạo và ở tầm khái quát cao độ.

Sáng tạo trong nhận định khả năng thắng lợi của nhân dân Việt Nam

trước đế quốc Mỹ hùng mạnh và giàu có nhất thế giới. Trong khi một số người nể sợ uy lực của vũ khí và đồng đô la Hoa Kỳ, khuyên ta đàm phán hoà bình thì Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm sắt đá: Nhân dân Việt Nam không sợ, dám đánh và biết cách thắng Mỹ. Người tin ở sức mạnh của nhân dân, của truyền thống oai hùng của dân tộc, ở sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản, ở sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế và cao hơn tất cả, Người tin vào sự chiến thắng tất yếu của điều thiện, chân lý, lương tri và lẽ phải. Trong lịch sử phát triển nhân loại, cái ác, cái xấu, trong những lúc, những nơi nào đó có thể nhất thời thắng thế, nhưng cuối cùng chiến thắng tất yếu sẽ thuộc về cái tốt, cái thiện, lương tri và lẽ phải, vì đó là quy luật của lịch sử, không ai ngăn trở được. Hồ Chí Minh đã đem cái văn minh đối lập với dã man, Người thấu hiểu đến tận cùng sức mạnh, vai trò động lực của đạo lý, nhân tố tinh thần, ý chí, quyết tâm của cả một dân tộc trong tiến trình vận động lịch sử.

Sáng tạo trong quan niệm về Đảng cầm quyền và xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Di chúc là tác phẩm duy nhất, trong đó Hồ Chí Minh sử dụng chính thức khái niệm Đảng cầm quyền với các tiêu chí rất cụ thể

như là các phẩm chất sống còn của Đảng: Đoàn kết thống nhất; vì nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc; thực hành dân chủ rộng rãi; tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh; đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Những phẩm chất này làm nên bản chất đặc trưng, tính ưu việt, sức mạnh và uy quyền, uy tín của Đảng trong nhân dân, đảm bảo cho Đảng nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, giữ vững vai trò cầm quyền trong toàn bộ tiến trình cách mạng nước ta.

Những phẩm chất của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền không từ trên trời rơi xuống, không tự nhiên mà có; chúng được hình thành, dần dần, được củng cố làm thành nội dung văn hoá Đảng trong thực tiễn hoạt động cách mạng vô cùng phong phú, khó khăn nhưng cũng rất oanh liệt, hào hùng, thông qua việc làm thường xuyên: Tự xây dựng, tự chỉnh đốn Đảng. Tự xây dựng, tự chỉnh đốn làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh lo lắng đến tương lai, tiền đồ của dân tộc, sự tha hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên khi đã có chức, có quyền. Bởi vậy, Người chỉ rõ: "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, theo Hồ Chí Minh, phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện trên cả bốn nội dung: Tư tưởng, chính trị, tổ chức - cán bộ và đạo đức.

Sáng tạo ở quan niệm phát triển toàn diện, đồng đều mọi mặt đời sống xã hội. Đó là sự gắn kết kinh tế với chính trị, xã hội, đạo đức, văn hoá trong tiến trình phát triển của đất nước. Có thể coi đây là sự tiếp nối tư duy mong muốn làm cho xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Phát triển đồng đều, toàn diện các mặt đời sống xã hội thể hiện tính ưu việt của

mô hình xã hội mà Hồ Chí Minh lựa chọn và chính đây mới là mô thức phát triển bền vững.

Sáng tạo trong quan niệm về vai trò quyết định của nhân tố con người, quần chúng nhân dân trong xây dựng và chấn hưng đất nước. Người xác định đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau “là nhiệm vụ rất quan trọng và rất cần thiết”, nghĩa là bắt buộc và có tính quy luật; là phải biết phát huy mọi nguồn lực vốn có trong nhân dân, trong mọi giai tầng xã hội làm cho nước mạnh, dân giàu, luôn luôn sánh bước cùng thời đại.

Sáng tạo ở khát vọng hình thành một lọai hình văn hoá mới bảo đảm cơ sở tự nhiên bền vững cho cuộc sống con người: Văn hoá sinh thái. Loại hình văn hoá này đã được Hồ Chí Minh bắt đầu nói đến vào cuối những năm năm mươi đầu những năm sáu mươi. Trong Di chúc, Người trở lại vấn đề này với một sắc thái tình cảm rất đỗi riêng tư mà thành dòng chảy tư duy của thời đại. Thật sâu sắc và cảm động khi đọc lại những dòng đầy tâm huyết được viết ra từ tận tâm can, đáy lòng Hồ Chí Minh: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ chân.

Nên có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Đối với Hồ Chí Minh, cái chết là sự hoá thân, không phải mất đi một cách vô ích mà là một sự bắt đầu mới và là một hành động làm tái sinh sự sống cho các thế hệ tương lai.

Theo quan niệm của UNESCO, nếu văn hoá mang bản chất nhân bản, là một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần phản ánh trình độ người của các quan hệ xã hội thì Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng các giá trị văn hoá sâu sắc làm nên chủ nghĩa nhân văn hành động.

Tinh thần nhân văn xuyên thấu từ dòng đầu tiên cho đến dòng cuối cùng của bản Di chúc với nội hàm rất rộng và rất sâu: Đó là niềm tin vào bản chất tốt đẹp, sức mạnh vĩ đại của con người, của nhân dân; là sự quan tâm, chăm lo cho con người: Không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống, khoan thư sức dân (nhất là nông dân), việc làm, học tập thông qua bảy loại chính sách xã hội đối với bảy loại người cụ thể: Thương binh; liệt sỹ; gia đình thương binh, liệt sỹ; những người trẻ tuổi đã tham gia kháng chiến; phụ nữ; các nạn nhân của chế độ cũ; nông dân. Các chính sách xã hội được Hồ Chí Minh nêu ra với nhiều nội dung chi tiết, cụ thể nhằm làm cho con người có đủ các điều kiện được khẳng định, phát huy hết năng lực của mình trong công cuộc kiến thiết, bảo vệ Tổ quốc.

Di chúc thể hiện tình thương yêu vô bờ bến của Hồ Chí Minh đối với tất cả mọi người, lan toả đến tất cả mọi người dân đất Việt và những người có lương tri trên trái đất. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, Hồ Chí Minh viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế”.

Hồ Chí Minh mong muốn trên trái đất này chỉ có lòng thương yêu và nhân ái để không còn điều ác, điều xấu, không còn chiến tranh, chỉ còn ngự trị hoà bình và tình hữu ái giữa những con người đang sống với con người!

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh (Trang 154 - 158)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(167 trang)
w