Mối quan hệ của cần, kiệm, liêm, chính

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh (Trang 146 - 148)

73 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Sđd, tr 563.

13.2.3. Mối quan hệ của cần, kiệm, liêm, chính

Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính là phẩm chất có ý nghĩa rất quan trọng đối với con người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cùng với

việc giải thích nội dung của cần, kiệm, liêm, chính, Người còn chỉ ra mối quan hệ giữa chúng.

Hồ Chí Minh cho rằng “cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người”. Cần mà không kiệm thì làm chừng nào xào chừng ấy, cũng như một cái thùng không có đáy, nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức là phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày nó sẽ hao hụt dần cho đến khi khô kiệt. Cần mà không kiệm thì khác nào gió vào nhà trống. “Cần để không ngừng nâng cao năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất. Kiệm mà không cần thì cũng vô ích. Cần mà không kiệm thì tay không lại hoàn tay không”. “Vì vậy, từ người cán bộ cấp trên cho đến cán bộ giao thông, đều phải siêng năng, đều phải tiết kiệm…, cần và kiệm, hai điều đó đi đôi với nhau”.

Người cho rằng, một bên cần, một bên kiệm ở nước ta cho là mới, nhưng thực ra nó rất xưa. Sách Đại học có câu: “Làm cho nhiều tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đầy đủ”, “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm.” Người cũng dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Người sản xuất nhiều, người tiêu xài ít. Làm ra mau, dùng thì chậm thì của cải luôn đầy đủ”. Cho nên, Người khuyên chúng ta phải cần, phải kiệm. “Không cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất ít”. Một mặt, chúng ta thi đua kiệm. Một mặt, chúng ta thi đua cần. Kết quả của cần cộng với kiệm là: “Bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau chóng thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiền tiến trên thế giới”. Chính vì vậy, cần, kiệm là con đường ngắn nhất đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Kết quả của cần, kiệm sẽ tạo ra cơ sở vật chất cho nền kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, thì: Liêm lại phải đi đôi với kiệm, cũng như kiệm phải đi đôi với cần. Ta hiểu thêm: Liêm phải đi với cần. Không siêng làm thì không biết quý công người, do đó mà không kiệm, và rồi có thể không liêm. Trong xã hội sở dĩ còn có bóc lột là vì ích kỷ, chỉ ham lợi mình, chưa biết lao động vì mọi người. Hồ Chí Minh cho rằng, có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ thì ắt tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen chợ đỏ, thụt két buôn lậu”. Vì thế, Người chỉ rõ: “Mọi người đều phải trong sạch, không tham lam. Không đem của công vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải liêm”.

Đối với người cán bộ cách mạng, khi đã có cần, kiệm, liêm thì phải có chính nữa mới đầy đủ. Hồ Chí Minh cho rằng: “Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính”. Trong đó “cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn”. Cần, kiệm, liêm, chính là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Bồi dưỡng phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính sẽ làm cho con người vững vàng trước mọi thử thách “Giàu sang không thể quyến rũ. Nghèo khó không thể chuyển lay. Uy vũ không thể khuất phục”.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh (Trang 146 - 148)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(167 trang)
w