Các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về đất đai tại thành phố uông bí tỉnh quảng ninh (Trang 51 - 54)

5. Bố cục của luận văn

3.1.3.Các nguồn tài nguyên

3.1.3.1. Tài nguyên đất

Theo số liệu thống kê năm 2017 tổng diện tích tự nhiên của Thành phố Uông Bí là 25.546,41 ha, trong đó:

- Đất nông nghiệp: 19.509,56 ha, trong đó: + Đất sản xuất nông nghiệp: 4.405,66 ha; + Đất lâm nghiệp có rừng: 13.527,79 ha; + Đất nuôi trồng thủy sản: 1.561,08 ha;

- Đất phi nông nghiệp: 5.053,71 ha, trong đó: + Đất ở: 587,11 ha.

+ Đất chuyên dùng: 2.922,96 ha; + Đất tôn giáo, tín ngưỡng: 37,89 ha; + Đất nghĩa trang, nghĩa địa: 83,05 ha;

+ Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: 1.421,24ha; - Đất chưa sử dụng: 983,14 ha.

Theo tài liệu điều tra thổ nhưỡng năm 2003 của viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, tài nguyên đất của Thành phố được chia thành 7 nhóm, 8 đơn vị đất và 11 đơn vị đất phụ sau:(1) Nhóm đất mặn (Salic fluvisols: FLs); (2) Nhóm đất phèn mặn - SM; (3) Nhóm đất phù sa - P; (4) Nhóm đất xám; (5) Nhóm đất đỏ vàng; (6) Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi; (7) Nhóm đất nhân tác.

3.1.3.2. Tài nguyên nước

Tài nguyên nước gồm các nguồn nước mặt, nước ngầm. Chế độ thủy văn của thành phố Uông Bí chịu ảnh hưởng trực tiếp của biên độ dao động thuỷ triều trung bình 0,6 m.

- Nguồn nước mặt: có 3 con sông chính chảy qua địa bàn Thành phố là sông Đá Bạc, sông Uông (sông Vàng Danh) và sông Sinh. Ngoài ra còn có các hệ thống suối, kênh mương và hồ đập cung cấp nước cho toàn Thành phố.

Trong những năm gần đây, nạn phá rừng và khai thác than lộ thiên đã làm cho nguồn nước mặt của Thành phố bị cạn dần và ô nhiễm nặng.

- Nguồn nước ngầm: do địa hình dốc nên nguồn nước ngầm hạn chế, mạch nước sâu. Hiện nay nước ngầm ở Thành phố chủ yếu dùng cho sinh hoạt.

3.1.3.3. Tài nguyên rừng

Thành phố Uông Bí có diện tích rừng khá lớn. Năm 1991 toàn Thành phố có 13.057 ha, chiếm 53,35% tổng diện tích tự nhiên. Việc khai thác rừng lấy gỗ, phá rừng lấy đất trồng cây ăn quả, khai thác than lộ thiên đã làm diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm nhanh. Năm 1993 diện tích rừng chỉ còn 7.381ha,

chiếm 30,16%, giảm 5.676 ha (43,47%) so với năm 1991. Từ năm 1994 thực hiện chương trình 327 (chương trình khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng), chương trình 661, diện tích rừng tăng lên nhanh. Đến năm 2017 diện tích rừng là 13.527,79ha.

Về trữ lượng: Rừng Uông Bí chủ yếu là rừng nghèo, rừng đạt tiêu chuẩn khai thác không đáng kể mà chủ yếu là các loại rừng gỗ, tre, nứa hỗn giao. Tuy nhiên vẫn có một số loại gỗ quý hiếm như lát hoa, lim xanh, sến, táu, ...(riêng ở rừng Quốc gia Yên Tử hiện có 8 loại cây đặc hữu). Ngoài ra rừng Uông Bí (đặc biệt là rừng Quốc gia Yên Tử) còn cung cấp nhiều loại dược liệu quý, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Động vật rừng ở Uông Bí khá phong phú, đa dạng, tập trung chủ yếu ở khu vực rừng Quốc gia Yên Tử nhưng số lượng không nhiều. Hiện có 20 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ (thú 9 loài, chim 4 loài, bò sát 7 loài).

Rừng ở Uông Bí có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nguồn nước, tạo cảnh quan, giữ gìn các di tích lịch sử - văn hoá. Vì vậy Thành phố cần có chiến lược phát triển, khai thác hợp lý và bảo vệ nghiêm ngặt nguồn tài nguyên rừng.

3.1.3.4. Tài nguyên khoáng sản

Than đá là nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nhất của Uông Bí với trữ lượng gần 1 tỷ tấn, chiếm 30% trữ lượng than của tỉnh Quảng Ninh. Ngành công nghiệp khai thác than ở Uông Bí được hình thành từ năm 1916. Sản lượng khai thác than trên vùng Yên Tử, Vàng Danh đạt hơn 3,85 triệu tấn/năm. Đây là ngành công nghiệp chủ đạo đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Ngoài than đá, Uông Bí còn có các nguồn tài nguyên làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá vôi, đất sét, ...).

3.1.3.5. Tài nguyên nhân văn

Uông Bí có Núi Yên Tử - "Đất tổ Phật giáo Việt Nam", một thắng cảnh thiên nhiên, cũng là nơi hiện còn lưu giữ một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa gắn với sự ra đời, hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm.Quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Lễ hội Yên Tử kéo dài trong 3 tháng; Lễ hội chùa Hang Son, chùa Ba Vàng, ... là những lễ hội quan trọng về tín ngưỡng và văn hóa đối với các phật tử và người Việt Nam.

Thành phố có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Các dân tộc thiểu số gồm; Tày, Hoa, Sán Dìu, Nùng, Dao, Thanh Y, .... Các dân tộc ở Uông Bí có truyền thống đoàn kết đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về đất đai tại thành phố uông bí tỉnh quảng ninh (Trang 51 - 54)