0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (137 trang)

Bài học kinh nghiệm rút ra đối với thành phố Uông Bí trong công tác

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TẠI THÀNH PHỐ UÔNG BÍ TỈNH QUẢNG NINH (Trang 32 -35 )

5. Bố cục của luận văn

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.2. Bài học kinh nghiệm rút ra đối với thành phố Uông Bí trong công tác

quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn

Từ việc nghiên cứu tình hình Quản lý đất đai ở một số tỉnh, thành phố lớn trong nước (như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, TP. Thái Nguyên), bài

học kinh nghiệm rút ra cho công tác quản lý nhà nước về đất đai đối với tỉnh Quảng Ninh nói chung và cho Thành phố Uông Bí nói riêng là:

(1) Hệ thống các văn bản pháp luật phải được nghiên cứu sâu sắc, khoa học và được ban hành đồng bộ, kịp thời, mang tính chất ổn định (tuy chỉ là tương đối nhưng vẫn phải đảm bảo trong thời gian nhất định 5 đến 10 năm), đồng thời các quy định pháp luật dù có điều chỉnh nhưng vẫn phải đảm bảo tính kế thừa.Đây là một yêu cầu quan trọng nhất trong quản lý nhà nước về đất đai ở nước ta, tính không đồng bộ, thiếu ổn định trong chính sách pháp luật về đất đai là nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng mất ổn định trong quan hệ sử dụng đất trong xã hội.

(2) Phải xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đất đai thống nhất, đồng bộ trên cơ sở công nghệ tin học điện tử hiện đại từ Trung ương đến địa phương. Muốn đạt được điều đó cần phải đầu tư đồng bộ để có được hồ sơ địa chính cơ sở (hồ sơ gốc) có độ tin cậy cao ở tất cả các địa phương trong cả nước. Thống nhất phương pháp phân loại, quản lý hồ sơ đất đai và công khai thông tin từ Trung ương đến địa phương. Thực tế cho thấy hệ thống hồ sơ địa chính được lưu trữ ở nước ta rất kém, chắp vá, không đáp ứng được yêu cầu quản lý. Việc triển khai lập hồ sơ địa chính ở các địa phương khác nhau đã không được tiến hành vào cùng một thời điểm như chỉ đạo của Trung ương, số liệu tổng hợp của tất cả các cấp có độ chính xác thấp. Các thông tin về đất (như thay đổi về loại đất, diện tích, chủ sử dụng đất và giá cả của đất trong cùng thời điểm…), không được cập nhật thường xuyên đầy đủ vì vậy Nhà nước không thể quản lý chặt chẽ đất đai.

(3) Cần phải xác định việc đăng ký quyền về tài sản không chỉ là lợi ích của người dân mà đó chính là lợi ích của Nhà nước. Để làm tốt việc này cần phải có những biện pháp mạnh để tạo ra những sự thay đổi về mặt nhận thức của cả bộ máy quản lý và đội ngũ công chức nhà nước. Dân giàu thì nước mạnh, có tạo thuận lợi để các cá nhân và tổ chức được đăng ký quyền về tài sản (sở

hữu bất động sản trong đó có sử dụng đất), thì người dân mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc khai thác giá trị của tài sản cho phát triển kinh tế. Nhà nước có nguồn thu ngân sách từ các chủ thể sử dụng đất trên cơ sở nắm chắc được nguồn tài nguyên đất. Vì vậy, việc tiếp tục đổi mới quan hệ sở hữu đất đai gắn với việc quy định cụ thể hơn các quyền của người sử dụng đất chính là chìa khóa để thực hiện việc công khai dân chủ quan hệ đất đai trong xã hội. Đây cũng chính là giải pháp chống tham nhũng hữu hiệu nhất (khi mọi người đều có đủ thông tin do được công khai khai thác các thông tin từ hệ thống, giới đầu cơ và công chức kém đạo đức không còn có cơ sở để hoạt động).

(4) Xu thế chung của tất cả các quốc gia trên thế giới là ngày càng tăng cường quyền lực của Nhà nước trong Quản lý đất đai nhằm tăng cường sức cạnh tranh.

Xã hội ngày càng phát triển tính cạnh tranh càng gay gắt, để đảm bảo thế mạnh trong cạnh tranh, công tác quản lý của Nhà nước phải mạnh và có hiệu lực cao. Tuy nhiên tăng cường quyền lực của Nhà nước không có nghĩa là hạn chế quyền của các chủ thể sử dụng đất. Quyền lực Nhà nước phải mạnh để đảm bảo cho mọi chủ thể được hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật quy định và mọi chủ thể đều được tự do phát triển. Với các nước có công tác Quản lý đất đai tốt, có hiệu quả sử dụng đất cao, hầu như các vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất đều bị xử lý rất nặng và rất triệt để. Đây chính là bài học quan trọng nhất: kỷ cương pháp luật có nghiêm minh thì xã hội mới ổn định và phát triển được.

Xu thế phát triển chung hiện nay của mọi quốc gia trên thế giới dù được tổ chức dưới hình thái kinh tế chính trị khác nhau, Nhà nước đều tập trung ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, mở cửa hội nhập trong một thể chế kinh tế chung. Phát triển kinh tế gắn với củng cố và tăng cường an ninh quốc gia trong các quan hệ song phương, đa phương giữa các quốc gia, trong điều kiện toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia phải tìm ra được con đường phát triển riêng.

Thông qua nội dung nghiên cứu một số vấn đề về lý luận và thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số quốc gia trên thế giới và một số tỉnh thành phố trong nước, làm cơ sở để phân tích, so sánh, đối chiếu, đánh giá thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố Uông Bí trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TẠI THÀNH PHỐ UÔNG BÍ TỈNH QUẢNG NINH (Trang 32 -35 )

×