0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (137 trang)

Nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền, vận động

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TẠI THÀNH PHỐ UÔNG BÍ TỈNH QUẢNG NINH (Trang 101 -106 )

5. Bố cục của luận văn

4.2.1. Nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền, vận động

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của

Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội.

Trong những năm qua,cấp ủy, chính quyền thành phố Uông Bí luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là Luật đất đai và các văn bản liên quan, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.

Để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong thực tế, ngày 09/12/2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là công cụ hỗ trợ quan trọng cho công tác quản lý của Nhà nước, vì mọi đối tượng quản lý suy cho cùng cũng chỉ là quản lý con người mà con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội và ở họ có những đặc trưng tâm lý rất đa dạng.

Trong nhiều năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn ra trên địa bàn thành phố Uông Bí nói riêng và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung diễn ra khá gay gắt và có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong đó lĩnh vực đất đai chiếm đến khoảng 80% số đơn thư kiếu nại, tố cáo.

Ở thành phố Uông Bí, từ năm 2014 đến năm 2017, Thanh tra Thành phố và phòng Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 1233 đơn (510 vụ việc) liên quan đến đất đai và bồi thường về đất khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt khi thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 18A thành phố Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh đã phải giải quyết trên 150 trường hợp khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết hoặc nhận thức hạn chế về pháp luật đất đai của một bộ phận nhân

dân, từ những yếu kém trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai nói riêng, Thành phố cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:

- Về nhận thức, cần xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị để từ đó tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác này, góp phần tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về đất đai trong cán bộ và nhân dân;

- Thực tiễn đã chỉ ra rằng, chỉ ở đâu và khi nào có sự quan tâm đúng mức của Cấp ủy đảng thì ở đó và khi đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mới đạt mục đích, yêu cầu đề ra, vì thế các cấp uỷ Đảng trên địa bàn Thành phố cần lãnh đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với từng địa bàn và đối tượng khác nhau; xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực cho các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu quản lý đất đai trong từng thời kỳ. Mỗi cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước phải xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức; thông qua việc gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức mà thuyết phục, giáo dục quần chúng, thành viên trong gia đình ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật;

- Kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Thành phố và các xã, phường. Hội đồng có trách nhiệm phối hợp với phòng Tư pháp, các đoàn thể, Ủy ban nhân dân Thành phố và các xã, phường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho cán bộ

và nhân dân. Hàng năm Thành phố cần bố trí khoản kinh phí thỏa đáng, cần thiết phục vụ hoạt động này;

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến các xã, phường cần chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước ở Thành phố thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đoàn viên, hội viên, cộng tác viên; tuyên truyền, giáo dục và có các biện pháp vận động nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật, tạo ý thức và thói quen nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về đất đai; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức; kịp thời tập hợp ý kiến của nhân dân về công tác quản lý nhà nước về đất đai để phản ánh, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Đài Truyền thanh - Truyền hình Thành phố phối hợp với phòng Tư pháp, phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng chuyên mục pháp luật với hình thức phong phú, sinh động; bố trí thời lượng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai. Bồi dưỡng và nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên nhằm bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai;

- Cần khắc phục sự khô cứng, nhàm chán trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng thường xuyên đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, …

- Củng cố, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Phải thực sự coi đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, là người truyền tải có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân để từ đó tạo điều kiện, môi trường thuận lợi,

đồng thời có cơ chế hợp lý động viên, khuyến khích để đội ngũ này làm tốt nhiệm vụ;

- Gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về đất đai của cán bộ và nhân dân;

- Gắn tuyên truyền, phổ biến với cung cấp thông tin cụ thể các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn, giải đáp những tình huống phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, điều kiện và quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, …đồng thời cần tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội;

- Các xã, phường có liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án do Nhà nước thu hồi đất, cần tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích thiết thực và tính khả thi của các dự án, qua đó tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, sự đồng thuận trong nhân dân và định hướng dư luận về nhận thức trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng;

- Tăng cường đối thoại trực tiếp với người bị thu hồi đất; công khai minh bạch các quy định của Nhà nước, qua đó giúp họ hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của người bị thu hồi đất; giải đáp cặn kẽ, thoả đáng, đúng quy định của pháp luật về những vướng mắc trong từng trường hợp cụ thể, giúp họ thông suốt về tư tưởng và tự giác chấp hành;

- Có cơ chế khuyến khích nhằm động viên kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt công tác quản lý đất đai, đồng thời kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là những trường hợp đòi hỏi, yêu sách ngoài quy định của Nhà nước, lôi kéo người khác khiếu

kiện vô căn cứ, gây mất ổn định, cản trở việc triển khai các dự án đầu tư phát triển của Nhà nước;

- Giải quyết các kiến nghị, khiếu nại và tố cáo của công dân đúng thời gian, đúng quy định của Luật Khiếu nại. Hạn chế đến mức thấp nhất những bức xúc gây khiếu kiện kéo dài, tạo niềm tin của nhân dân vào hiệu lực quản lý của Nhà nước;

- Củng cố và tăng cường hoạt động hòa giải ở cơ sở; xây dựng và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở các xã, phường, các cơ quan, đơn vị, tạo sự chuyển biến thực sự về chất lượng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TẠI THÀNH PHỐ UÔNG BÍ TỈNH QUẢNG NINH (Trang 101 -106 )

×