8. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Vài nét về tự nhiên, kinh tế xã hội thành phốQuy Nhơn
a) Về vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên
Quy Nhơn là một TP ven biển miền Trung và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. TP Quy Nhơn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, phía Đông là biển Đông, phía Tây giáp huyện Tuy Phước, phía Bắc giáp huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, phía Nam giáp thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên. Tổng diện tích tự nhiên 286 km2, dân số 481.110 người (theo số liệu thống kê năm 2019).
TP Quy Nhơn có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 16 phường: Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Trần Quang Diệu và 5 xã: Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Phước Mỹ.
TP Quy Nhơn đa dạng về địa hình; bao gồm đồi núi (như núi Đen cao 361m), rừng nguyên sinh (khu vực đèo Cù Mông), biển (đường bờ biển dài 42 km), sông, đầm (đầm Thị Nại), hồ, bán đảo (bán đảo Phương Mai) và đảo (đảo Nhơn Châu - Cù lao xanh).
b) Tình hình về kinh tế - xã hội TP Quy Nhơn
TP Quy Nhơn là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - XH, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định; là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Thành phố hội đủ các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển thành một đô thị với nhiều đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng: Quốc lộ 1A; Quốc lộ
1D từ TP chạy dọc bờ biển đến tỉnh Phú Yên; Quốc lộ 19 nối Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Thái Lan ra biển Đông; có đường sắt Bắc - Nam; sân bay Phù Cát cách 30 km; cảng Quy Nhơn - một trong 10 cảng biển lớn của cả nước có thể đón tàu trọng tải gần 50.000 tấn.
Cơ cấu các ngành kinh tế của Quy Nhơn đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ lệ nông lâm ngư nghiệp trong GDP. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ trong GDP năm 2014 đạt: 5,5% - 47,6% - 46,9%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 918,4 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 608 triệu USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 6.052 USD. Văn hóa - XH có nhiều tiến bộ, an sinh XH được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,45%.
Mục tiêu phát triển của thành phố theo đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những thành phố trung tâm vùng duyên hải miền trung. Đến năm 2035 là trung tâm kinh tế biển quốc gia, đến năm 2050 là một trong những thành phố quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và Đông Nam Á.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Quy Nhơn lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ TP, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường kỷ cương, nâng cao trách nhiệm các ngành, các cấp, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh và phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với giải quyết tốt an sinh XH, bảo đảm giữ vững quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn XH; xây dựng và phát triển TP Quy Nhơn trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại”