Theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết

Một phần của tài liệu pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại việt nam (Trang 100 - 103)

- Đối với việc ly hôn có yếu tố nước ngoà

2.3.1.2. Theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết

ký kết

Như đã trình bày ở trên, trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương trong đó ghi nhận các nguyên tắc chọn pháp luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Đó là các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Trong các HĐTTTP này, việc chọn pháp luật để giải quyết các vấn đề liên quan tới kết hôn, quan hệ vợ chồng và ly hôn được ghi nhận tương đối cụ thể như sau:

- Về kết hôn

Như đã đề cập trong chương 1 của luận án, để xem xét hôn nhân có hợp pháp hay không phải dựa vào hai tiêu chí pháp lý là điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn. Vì vậy, trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước về vấn đề hôn nhân, việc chọn pháp luật để xác định tính hợp pháp của kết hôn là pháp luật dùng để xác định tính hợp pháp của điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn.

Đối với điều kiện kết hôn, trong các HĐTTTP mà Việt Nam ký kết

với các nước đều quy định điều kiện kết hôn của các bên sẽ do pháp luật quốc tịch của mỗi bên điều chỉnh. Ví dụ, khoản 1 Điều 23 HĐTTTP giữa Việt Nam và Cu Ba quy định: "Điều kiện kết hôn đối với công dân mỗi nước ký kết do pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân quy định"; khoản 1 Điều 20 HĐTTTP giữa Việt Nam và Bungari quy định: "Các điều kiện kết hôn giữa công dân của hai nước ký kết được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người kết hôn là công dân"; khoản 2 Điều 23 HĐTTTP Việt Nam - Hunggari quy định: "Các điều kiện về nội dung của việc kết hôn đối với mỗi người trong cặp vợ chồng tương lai, phải tuân theo pháp luật của nước mà họ là công dân".

Bên cạnh áp dụng luật quốc tịch của các bên để xác định điều kiện kết hôn, trong một số HĐTTTP mà Việt Nam ký với các nước, thì pháp luật nơi tiến hành kết hôn cũng được xem xét để xác định tính hợp pháp của điều kiện kết hôn. Ví dụ, khoản 1 Điều 24 HĐTTTP Việt Nam - Liên Bang Nga quy định: "Về điều kiện kết hôn, mỗi bên đương sự phải tuân theo pháp luật của Bên ký kết mà người đó là công dân. Ngoài ra, về những trường hợp cấm kết hôn, việc kết hôn còn phải tuân theo pháp luật của Bên ký kết nơi tiến hành kết hôn".

Đối với nghi thức kết hôn, trong các HĐTTTP giữa Việt Nam với

các nước đều quy định nghi thức kết hôn sẽ được coi là hợp pháp nếu tuân thủ theo pháp luật nơi tiến hành kết hôn. Theo nội dung này thì việc kết hôn được tiến hành ở đâu thì pháp luật nơi đó sẽ được áp dụng để xem xét tính hợp pháp của việc kết hôn đó. Ví dụ, khoản 2 Điều 23 HĐTTTP Việt Nam - Cu Ba quy định: "Việc tổ chức kết hôn và nghi thức kết hôn được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành kết hôn"; khoản 1 Điều 31 HĐTTTP Việt Nam - Hunggari quy định: "Các điều kiện về hình thức của việc kết hôn phải tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi tổ chức

việc kết hôn"; khoản 2 Điều 24 HĐTTTP Việt Nam - Liên bang Nga quy định: "Hình thức kết hôn tuân theo pháp luật của Bên ký kết nơi tiến hành kết hôn"; khoản 1 Điều 23 HĐTTTP Việt Nam - CH Ba Lan quy định: "Hình thức kết hôn được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành kết hôn".

- Về quan hệ vợ chồng

Trong các HĐTTTP giữa Việt Nam ký với các nước thì việc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ vợ chồng được xác định theo pháp luật quốc tịch (nếu hai bên cùng quốc tịch); hoặc được xác định theo pháp luật của nước hai vợ chồng thường trú (nếu hai bên khác quốc tịch); hoặc được xác định theo pháp luật của nước có Tòa án có thẩm quyền giải quyết, nếu họ là các bên khác quốc tịch và không có nơi thường trú chung (khoản 1, 2, 3, 4 Điều 19 HĐTTTP Việt Nam - Tiệp khắc; khoản 1, 2, 3 Điều 24 HĐTTTP Việt Nam - Cu Ba). Trường hợp quan hệ vợ chồng liên quan tới tài sản là bất động sản thì áp dụng luật nơi có tài sản đó (khoản 4 Điều 24 HĐTTTP Việt Nam - Cu Ba).

- Về ly hôn

Theo quy định của các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết với các nước thì chọn pháp luật áp dụng để giải quyết ly hôn được quy định đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp các bên cùng quốc tịch thông thường sẽ áp dụng theo luật quốc tịch của vợ chồng (khoản 1 Điều 27 HĐTTTP Việt Nam - Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, khoản 1 Điều 22 HĐTTTP Việt Nam- Bungari, khoản 1 Điều 26 HĐTTTP Việt Nam- Ba Lan, khoản 1 Điều 33 HĐTTTP Việt Nam - Hunggari). Theo quy định này luật quốc tịch (Lex nationalis) đã được áp dụng, theo đó pháp luật của nước mà các bên mang quốc tịch sẽ được áp dụng để giải quyết vấn đề ly hôn của họ.

Trong trường hợp vợ chồng khác quốc tịch mà chồng cư trú trên lãnh thổ nước ký kết này và vợ cư trú trên lãnh thổ nước ký kết kia thì pháp luật để giải quyết ly hôn là pháp luật của nước có tòa án thụ lý đơn ly hôn. (khoản 2 Điều 33 HĐTTTP Việt Nam - Hunggari; khoản 2 Điều 22 HĐTTTP Việt Nam- Bungari; khoản 2 Điều 27 HĐTTTP Việt Nam - Lào; khoản 2 Điều 26 HĐTTTP Việt Nam - Ba Lan; khoản 2 Điều 26 HĐTTTP Việt Nam - Liên bang Nga). Như vậy, theo các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết với các nước thì công dân Việt Nam ly hôn với người nước ngoài mà chồng cư trú ở nước ký kết này và vợ cư trú ở nước ký kết kia thì luật tòa án (Lex fori) sẽ được áp dụng để giải quyết việc ly hôn.

Từ nội dung của các quy định chọn pháp luật áp dụng được ghi nhận trong hai loại nguồn là pháp luật trong nước và HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết có thể thấy cả hai loại nguồn này đều có điểm giống nhau là đưa ra nguyên tắc chọn pháp luật điều chỉnh điều kiện kết hôn là pháp luật của các bên chủ thể mang quốc tịch. Tuy nhiên, đối với các vấn đề khác thì mức độ quy định của hai loại nguồn này không giống nhau. Ví dụ, việc chọn pháp luật áp dụng để giải quyết vấn đề xung đột về nghi thức kết hôn hoặc quan hệ vợ chồng có yếu tố nước ngoài không được pháp luật trong nước quy định rõ ràng nhưng lại được quy định cụ thể và chi tiết trong các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết. Do đó, có thể nói, các quy định chọn pháp luật áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật được ghi nhận trong các điều ước quốc tế có nội dung toàn diện hơn so với các quy định trong pháp luật trong nước.

Một phần của tài liệu pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại việt nam (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(196 trang)
w