1. Ý thức pháp luật
a) Khái niệm ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật là một hình thái của ý thức xã hội. Ý thức pháp luật thuộc phạm trù kiến trúc thượng tầng xã hội, vì vậy chịu sự chi phối, quyết định của cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Ý thức pháp luật là một trong những biểu hiện của trình độ văn hóa xã hội.
Vậy ý thức pháp luật là gì?
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, tình cảm của con người thể hiện thái độ, sự đánh giá về tính công bằng hay không công bằng, đúng đắn hay không đúng đắn của pháp luật hiện hành, pháp luật trong quá khứ và pháp luật cần phải có, về tính hợp pháp hay k hông hợp pháp trong cách xử sự của con người, trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Ý thức pháp luật được hình thành một cách tự giác qua hoạt động của con người và ở các cấp độ khác nhau là tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật.
- Tâm lý pháp luật được thể hiện qua thái độ, tình cảm, tâm trạng, xúc cảm đối với pháp luật và các hiện tượng pháp luật khác. Tâm lý pháp luật được hình thành một cách tự phát thông qua giao tiếp và dưới tác động của các hiện tượng pháp lý. Bản chất của tâm lý pháp luật là phản ứng trực tiếp và ở cấp độ đầu tiên, phản ứng một cách tự nhiên của con người đối với pháp luật với tư cách là một hiện tượng xã hội.
- Tư tưởng pháp luật là tổng thể những tư tưởng, quan điểm, phạm trù, khái niệm, học thuyết về pháp luật, tức là mọi vấn đề lý luận về pháp luật, về thượng tầng kiến trúc của xã hội dưới góc độ pháp lý.
84
Hai bộ phận này có mối quan hệ mất thiết, biện chứng, phụ thuộc vào nhau hoặc là tiền đề của nhau, trong đó tư tưởng pháp luật là bộ phận tiên tiến của ý thức pháp luật, có thể vượt lên trước, định hướng cho sự phát triển của pháp luật; còn tâm lý pháp luật là bộ phận bảo thủ, bền vững hơn, biến đổi chậm chạp vì gắn bó chặt chẽ với thói quen, truyền thống, tập quán xã hội.
Dưới cấp độ phạm vi của chủ thể nhận thức, ý thức pháp luật được hình thành theo ba cấp độ là ý thức pháp luật cá nhân, ý thức pháp luật nhóm và ý thức pháp luật xã hội; trong đó, ý thức pháp luật nhóm và ý thức pháp luật xã hội có cơ sở là ý thức pháp luật cá nhân. Hay nói cách khác, ý thức cá nhân là tiền đề, là cơ sở của ý thức pháp luật nhóm, ý thức pháp luật xã hội.
- Ý thức pháp luật nhóm là ý thức pháp luật của đại đa số cá nhân của nhóm, có những đặc trưng đại diện cho nhóm. Ví dụ ý thức pháp luật của nông dân, công nhân, trí thức, của học sinh phổ thông, của sinh viên, ..v.v.
- Ý thức pháp luật xã hội là ý thức pháp luật của giai cấp và những tầng lớp nắm quyền thống trị về chính trị, kinh tế của xã hội. Thông qua nhà nước, bằng những quy định của pháp luật, giai cấp thông trị xã hội áp đặt ý chí của mình lên toàn xã hội. Ví dụ: ý thức pháp luật tư sản, ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Trong một xã hội đương nhiên có thể có những ý thức pháp luật nhóm có nội dung khác nhau. Chẳng hạn, ý thức pháp luật của giai cấp vô sản khác với ý thức pháp luật của giai cấp tư sản. Mặt khác, ý thức pháp luật xã hội không phải lúc nào cũng đồng nhất với ý thức pháp luật của giai cấp tiên tiến nhất trong xã hội đó. Ví dụ, trong xã hội tư sản thì ý thức pháp luật của giai cấp vô sản mới là ý thức pháp luật tiên tiến chứ không phải là ý thức pháp luật của giai cấp tư sản.
Dưới góc độ tính chất và mức độ nhận thức, có thể chia ý thức pháp luật thành hai bộ phận là ý thức pháp luật thông thường và ý thức pháp luật mang tính lý luận.
- Ý thức pháp luật thông thường, bao gồm ý thức pháp luật của những người không có trình độ khoa học pháp lý hoặc có trình độ pháp lý ở mức độ thấp.
- Ý thức pháp luật mang tính lý luận bộ phận là ý thức pháp luật của những luật gia, những nhà làm luật thực thụ.
b) Quan hệ giữa ý thức pháp luật và pháp luật
Giữa pháp luật và ý thức pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ và biện chức lẫn nhau. Ý thức pháp luật được hình thành từ thực tiễn đời sống pháp lý và khoa học pháp lý. Pháp luật (nội dung quy phạm pháp luật) tác động một cách mạnh mẽ đến nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người, từ đó dần hình hành ý thức pháp luật. Không có pháp luật không thể hình thành ý thức pháp luật; ngược lại, không có ý thức pháp luật hoặc ý thức pháp luật thấp kém thì pháp luật chỉ đơn thuần là những văn bản tồn tại trên giấy, vì pháp luật không được tôn trọng và thực thi trong thực tế đời sống.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật và ý thức pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Điều này được thể hiện dưới các góc độ như sau:
85
- Ý thức pháp luật là tiền đề, cơ sở trực tiếp cho hoạt động xây dựng pháp luật.
- Ý thức pháp luật là cơ sở cho sự thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cho hoạt động áp dụng pháp luật.
- Hệ thống pháp luật được xây dựng một cách khoa học, thống nhất và đồng bộ sẽ có tác động tích cực trong việc hình thành và nâng cao ý thức pháp luật của mọi thành viên trong xã hội. Ngược lại, việc xây dựng, áp dụng pháp luật một cách chủ quan, áp đặt, bất chấp quy luật vận động khách quan sẽ có tác dụng không tốt trong việc hình thành ý thức pháp luật. Lúc đó, người ta sẽ hoài nghi, mất niềm tin về công lý, về sự công bằng trong xã hội mà pháp luật vốn là tiêu chuẩn để xác định.
2. Pháp chế xã hội chủ nghĩa
a) Khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa
Thuật ngữ “pháp chế” nói chung thường được hiểu là chế độ thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội bằng pháp luật. Pháp chế XHCN là chế độ thực hiện pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Còn có nhiều quan điểm khác nhau về pháp chế XHCN. Có quan điểm cho rằng nói đến pháp chế tức là đề cập đến pháp luật và thực hiện pháp luật. Nghĩa là pháp chế thực chất là sự tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác của mọi tổ chức, cá nhân. Quan điểm này đúng nhưng chưa đầy đủ và có phần cứng nhắc, bởi lẽ trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật có nghĩa là không có pháp chế.
Quan điểm khác lại cho rằng nói đến pháp chế tức là đề cập đến pháp luật, thực hiện pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật. Quan điểm này có tính hợp lý hơn.
Như vậy, pháp chế XHCN là chế độ thực hiện pháp luật của nhà nước
XHCN, trong đó nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; các cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức Chính trị, tổ chức Chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đơn vị kinh tế và mọi cá nhân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác; mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lý một cách nghiêm minh theo pháp luật.
b) Nội dung pháp chế X HCN
- Nhà nước phải quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng pháp luật, pháp luật là cơ sở của pháp chế:
- Các cơ quan Nhà nước, Cán bộ công chức của các cơ quan Nhà nước từ trung ương xuống cơ sở thể hiện trách nhiệm thường xuyên trong việc tổ chức và thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội. Các chủ thể này phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Những gì pháp luật không quy định hoặc ngăn cấm thì không được thực hiện. Điều này khác với công dân, công dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm.
Yêu cầu các cơ quan Nhà nước: Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, TA ND, VKSND, HĐND, UBND: Phải căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ
86
mà nhà nước quy định để tổ chức, thực hiện pháp luật; không được lạm quyền, phải lấy pháp luật là căn cứ để xác định tính hợp pháp trong việc thực ti pháp luật; - Các tổ chức Chính trị, tổ chức Chính trị – Xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp một mặt phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, mặt khác tích cực tham gia Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện pháp luật, động viên, giáo dục các thành viên của tổ chức mình thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.
- Các đơn vị kinh tế, các thương nhân, hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình làm kinh tế, tổ hợp tác thuộc mọi thành phần kinh tế đều được bảo đảm quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, được bình đẳng với nhau trước pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời phải có trách nhiệm với nhà nước và xã hội.
- Các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật, đặc biệt là cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng bảo vệ pháp luật, phát hiện kịp thời, xử lý một cách công bằng và nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật theo đúng nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
- Đối với cá nhân, nhất là công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật trên cơ sở quyền dân chủ mà Nhà nước ghi nhận. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia quản lý Nhà nước bằng những hình thức phù hợp tuỳ theo điều kiện và khả năng của mình.
Tóm tại, nội dung của pháp chế XHCN chính là việc các chủ thể pháp luật phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý một cách công bằng và nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
c) C ác nguyên tắc pháp chế X HCN
Nguyên tắc pháp chế XHCN là những quan điểm, tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt làm cơ sở, nền tảng cho quá trình xây dựng và củng cố pháp chế XHCN. Các nguyên tắc pháp chế XHCN, bao gồm:
Thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng tính tối cao của văn bản Luật. Ở nước ta, văn
bản Luật có nhiều tên gọi khác nhau, như: Hiến pháp, Bộ luật, Luật, Đạo luật. Đây là những văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội) ban hành và là những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật.
Cơ sở pháp lý hoạt động quản lý xã hội của nhà nước, trong đó có hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật đều căn cứ vào những quy định của Hiến pháp và các văn bản luật. Mọi quy định của các văn bản pháp luật khác đều phải phù hợp với Hiến pháp và các văn bản luật về mặt nội dung, hình thức, thẩm quyền và trình tự, thủ tục ban hành.
M ặc dù Hiến pháp và các văn bản luật khác là những văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, tuy nhiên Hiến pháp và các văn bản luật trong nhiều trường hợp không thể quy định một cách chi tiết và cụ thể mà chỉ quy định những vấn đề chung, cơ bản mang tính nguyên tắc. Chính vì vậy, việc áp dụng trong thực tế phải có các văn bản dưới luật để chi tiết hóa các văn bản luật và các văn bản này phải được ban hành trên cơ sở và cùng thời điểm có hiệu lực của các văn bản luật. Trên
87
thực tế việc thực hiện nguyên tắc này ở nước ta còn nhiều vấn đề bất cập; tình trạng phổ biến hiện nay là Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư. Điều này làm cho nhiều người hiểu rằng các văn bản dưới luật lại có giá trị cao hơn văn bản luật và dẫn đến một thực tế là nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng thông tư.
Thứ hai, bảo đảm tính thống nhất của pháp chế trên phạm vi toàn quốc. Nguyên tắc này đòi hỏi pháp luật được xây dựng, thực hiện và áp dụng một cách thống nhất từ trung ương tới địa phương và cơ sở trên tinh thần là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật mà không có sự phân biệt địa phương này với địa phương khác; ngành này với ngành khác; lĩnh vực này với lĩnh vực khác.
Tính thống nhất của Pháp chế XHCN không loại trừ tính linh hoạt, s áng tạo trong việc vận dụng pháp luật vào những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau của từng địa phương cũng như tính đặc thù của từng ngành.
Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm tính tích cực, chủ động và hiệu quả của các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật.
Chương 4
HỆ THỐN G PHÁP LUẬT VIỆT NAM