III. VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ
d) Khách thể của vi phạm pháp luật
Khách thể của VPPL là quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ bị hành vi trái pháp luật xâm hại. Tính chất và tầm quan trọng của khách thể là những yếu tố xác định mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi cũng như xác định trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi. Cần phải phân biệt khách thể của VPPL và khách thể của quan hệ pháp luật. Khách thể của VPPL là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ bị hành vi VPPL xâm hại; bản thân hành vi VPPL là sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật. Trong khi đó khách thể với tư cách là thành phần của quan hệ pháp luật là cái mà chủ thể tham gia quan hệ pháp luật hướng tới; đó có thể là lợi ích về mặt vật chất hoặc giá trị về mặt tinh thần (xem phần I. Quy phạm pháp luật và quan hệ pháp luật).
Tóm lại để xác định một hành vi có vi phạm pháp luật hay không, vi phạm cái gì, ai vi phạm, tính chất và mức độ vi phạm ra sao, ..v.v, bắt buộc phải xác định rõ và đầy đủ cả 04 yếu tố nêu trên, thiếu một trong các yếu tố đó thì không bị coi là VPPL.
1.4. Phân loại vi phạm pháp luật
Hình thức VPPL có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau, cụ thể là:
- Căn cứ vào các lĩnh vực quản lý có thể phân loại VPPL thành nhiều loại khác nhau theo từng lĩnh vực quản lý, như vi phạm trong đất đai, xây dựng, tài chính, giao thông, ..v.v.
- Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, VPPL được chia thành 2 loại là tội phạm và các VPPL khác.
- Cách phân loại có tính phổ biện hiện nay là phân loại vi phạm pháp luật theo 04 nhóm cơ bản như sau:
(1) VPPL Hình sự (hay còn gọi là tội phạm) là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Ví dụ ông A dùng dao chém nhiều nhát vào người B làm B chết; chị X đánh ghen chị Y do quan hệ trên mức tình cảm với chồng mình bằng cách đun sôi dầu ăn đổ vào mặt chị X làm chi Y bị bỏng nặng và khuôn mặt bị biến dạng.
(2) VPPL Hành chính là hành vi có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm hành chính thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý hành chính. Ví dụ anh A điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường ngược chiều,
81
một số thanh niên tụ tập đua xe trái phép bị Cảnh sát giao thông xử phạt; ông B xây dựng nhà không có giấy phép xây dựng bị Thanh tra xây dựng xử phạt.
(3) VPPL Dân sự là hành vi trái pháp luật và có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm dân sự, xâm hại tới các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân. Ví dụ anh M do vội đến cơ quan cho kịp gờ làm việc đã đâm xe vào chị N làm chị N bị gẫy chân và xe bị hư hỏng nặng; anh K sau khi phun thuốc trừ sâu xong đã rửa bình trong ao cá của ông T làm cá chết hàng loạt.
(4) VPPL Kỷ luật là hành vi có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm kỷ luật trái với nhưng quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong nội bộ cơ quan, xí nghiệp, trường học, …v.v. Cần chú ý là chủ thể vi phạm kỷ luật chỉ có thể là cá nhân, tập thể có quan hệ ràng buộc (phụ thuộc) về mặt tổ chức với một cơ quan, tổ chức nhất định. Ví dụ anh P thường xuyên đi làm chậm giờ, bỏ bê công việc; chị Q sinh con thứ ba.
Vi phạm pháp luật là sự kiện pháp lý và là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý.