Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật

Một phần của tài liệu Nhập môn pháp luật đại cương (Trang 77 - 79)

III. VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ

b) Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật

78

M ặt chủ quan của VPPL là trạng thái tâm lý bên trong của chủ thể khi thực hiện hành vi VPPL. Mặt chủ quan của VPPL gồm các yếu tố: Lỗi, động cơ, mục đích VPPL.

Lỗi là diễn biến trạng thái lý của chủ thể trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lỗi thể hiện thái độ của chủ thể trong việc nhận thức và điều khiển hành vi trái pháp luật cũng như hậu quả của hành vi đó. Khi thực hiện một hành vi nào đó, con luôn có lý trí và ý chí về hành vi đó. Nghĩa là họ nhận thức được hành vi của mình là đúng hay không đúng, đáng làm hay không đáng làm để từ đó lựa chọn cách thức thực hiện. Thông thường cách lựa chọn là thực hiện những hành vi có ích cho xã hội và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do những lý do khác nhau nên không phải bao giờ phương án đó cũng được lựa chọn mà họ lại lựa chọn theo phương án ngược lại là VPPL. Trong trường hợp này gọi là lỗi của chủ thể VPPL.

Khoa học pháp lý phân loại yếu tố lỗi thành hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. - Lỗi cố ý bao gồm 02 loại: Lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. Cố ý trực tiếp là lỗi của chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Cố ý gián tiếp là lỗi của chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

- Lỗi vô ý cũng bao gồm 02 loại: Lỗi vô ý do cẩu thả và lỗi vô ý vì quá tự tin. Vô ý do cẩu thả là lỗi của chủ thể đã gây ra hậu quả cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù có thể thấy trước hoặc pháp luật buộc phải thấy trước hậu quả này; vô ý vì quá tự tin là lỗi của chủ thể tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng tin chắc rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Việc nhận thức yếu tố lỗi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực hình sự. Đối với lĩnh vực hình sự thì các cơ quan tố tụng có nghĩa vụ phải chứng minh yếu tố lỗi của chủ thể vi phạm, vì lỗi là một trong những căn cứ để quyết định hình phạt. Trong một số trường hợp, yếu tố lỗi còn là căn cứ để xác định tội danh.

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực khác, như dân sự, kinh tế, lao động, ..v.v thì không nhất thiết phải chứng minh yếu tố lỗi mà có thể suy đoán lỗi; trong hoàn cảnh và điều kiện được nêu trong phần giả định mà chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung phần quy định của QPPL thì coi như có lỗi; thậm chí trong lĩnh vực dân sự, trong một số trường hợp nhất định (gây thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ) thì yếu tố lỗi được coi là mặc nhiên.

Ngoài yếu tố lỗi, mặt chủ quan của VPPL còn bao hàm động cơ và mục đích VPPL.

Động cơ VPPL là động lực tâm lý bên trong thôi thúc chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật. Chủ thể khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể xuất

79

phát từ nhiều động cơ khác nhau, có thể động cơ thù oán, ghen tuông, vụ lợi, ..v.v, trong đó động cơ vụ lợi là có tính phổ biến.

M ục đích VPPL là cái đích, là kết quả cuối cùng mà chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi trái pháp luật. Đối với lĩnh vực hình sự, những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp thì mục đích của việc VPPL được xác định một cách rõ ràng, còn đối với trường hợp phạm tội với lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp thì việc xác định mục đích của tội phạm sẽ là khó khăn hơn. Đối với các lĩnh vực khác, như dân sự, hành chính, lao động, ..v.v, không nhất thiết cần phải xác định mục đích của VPPL mà có thể suy đoán.

Một phần của tài liệu Nhập môn pháp luật đại cương (Trang 77 - 79)