II. THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT
4. Giải thích pháp luật
Giải thích pháp luật là việc làm rõ tư tưởng, nội dung của pháp luật; qua đó làm cho pháp luật được hiểu và thực hiện một cách thống nhất.
Việc giải thích pháp luật được thực hiện thông qua hai hình thức là giải thích không chính thức và giải thích chính thức. Giải thích không chính thức được thực hiện bởi nhiều hình thức (bằng văn nói, các loại hình báo chí, giảng dạy, ..v.v.) và nhiều chủ thể khác nhau với mục đích chỉ đơn thuần là làm rõ tư tưởng và nội dung của pháp luật; nội dung giải thích không bắt buộc thực hiện. Giải thích chính thức được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ tư tưởng và nội dung của pháp luật; nội dung giải thích được chuyển tải bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật và có tính chất bắt buộc chung; đó là một trong những hình thức hoạt động xây dựng pháp luật.
Điều 85, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh. Văn bản giải thích pháp luật của UBTVQH được thực hiện thông qua hình thức Nghị quyết. Tuỳ theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Uỷ ban thường vụ
75
Quốc hội giao Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội soạn thảo dự thảo nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích với tinh thần và nội dung của văn bản được giải thích. Nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh sau khi được thông qua phải được đăng Công báo và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.